Doanh nghiệp dệt may từ chối đơn hàng

Ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: H. THÚY

Nghịch lý này đang là thực trạng chung của ngành dệt may hiện nay: đơn hàng tăng nhanh nhưng doanh nghiệp (DN) không dám mở rộng sản xuất, ngược lại phải thu gọn hoạt động tối đa.

Càng làm càng lỗ

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 7,78 tỉ USD; kế hoạch năm 2008 đạt 9,5 tỉ USD. Tuy nhiên, USD rớt giá, lạm phát, thiếu vốn... đã đẩy ngành dệt may (với hơn 70% là DN nhỏ và vừa, có năng lực tài chính kém) vào cảnh điêu đứng, nguy cơ lỗ lã.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là lần đầu tiên DN Việt Nam thấm đòn kinh tế thị trường, do chưa có kinh nghiệm nên bị “đánh bầm dập” và khó “né” đòn. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, tính đến nay, 1 USD xuất khẩu kiếm được đã mất khoảng 500 đồng, cộng với các chi phí khác khoảng 500 đồng nữa (chưa tính tiền nhân công). Như vậy, DN xuất khẩu 10 triệu USD mất 10 tỉ đồng. “Nhưng đây là giá hiện tại, nếu USD rớt giá tiếp, không biết tình hình sẽ thế nào” - các DN dệt may lo ngại...

Ngành dệt may cùng lúc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: USD trượt giá và giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, tình trạng thiếu hụt vốn, tỉ lệ lao động bỏ việc lên đến 10% - 20%... Để đối phó, các DN đang tìm cách đàm phán tăng giá với đối tác nhưng không phải khách hàng nào cũng chịu chia sẻ, hoặc nếu họ có chấp nhận điều chỉnh giá thì mức giá tăng vẫn không theo kịp diễn biến thị trường, DN vẫn phải bù lỗ. Trong buổi họp mới đây của Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, các DN đều cho rằng mục tiêu lúc này của DN là giảm lỗ (lỗ càng ít càng tốt) chứ không bàn đến tăng lợi nhuận. Nhiều DN thừa nhận, trước những khó khăn hiện tại, họ phải cẩn thận “liệu cơm gắp mắm”, hạn chế nhận đơn hàng mới. Ngay cả đơn hàng của những khách hàng truyền thống, nhiều DN chỉ nhận vừa đủ chứ không dám nhận nhiều vì sợ càng nhận càng lỗ.

Hiện nhiều DN phải chủ động tăng năng suất, giảm chi phí để có thể cầm cự được bằng cách tinh gọn bộ máy điều hành... Thậm chí, một số DN hướng đến việc đưa hàng đi gia công ở các tỉnh...

Có bỏ qua cơ hội tốt?

Dự đoán năm 2008, giá hàng dệt may của Trung Quốc (TQ) sẽ tăng 30% do TQ cắt hỗ trợ xuất khẩu, đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh, lạm phát của TQ tăng cao... Đó là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng của TQ tìm đến DN Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Đây là cơ hội tốt cho DN Việt Nam tiếp cận những khách hàng mới. Tuy nhiên, nhiều DN không dám nhận những khách hàng mới này vì ngại rủi ro cao. Ông Phạm Xuân Hồng ví von: “Bỏ qua nhiều đơn hàng giống như thấy miếng bánh ngon trước mắt mà không ăn. Thế nhưng, nếu cố ăn vào mà nuốt không trôi thì còn đáng lo hơn”.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho rằng theo khách quan, từ chối những khách hàng mới từ thị trường TQ chuyển sang là ta đã lỡ mất cơ hội nhưng nếu nhận, có thể sẽ đánh mất những thứ khác quý hơn. Những đơn hàng rút ra từ TQ chỉ có Việt Nam, Myanmar, Campuchia... tiếp nhận. Đến giữa năm, nếu tình hình bình ổn, DN vẫn có thể nhận thêm đơn hàng. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc đánh liều “ôm” hết rồi lỗ nặng hoặc chậm trễ hợp đồng, mất uy tín với khách. Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng nếu USD rớt xuống 15.000 đồng/USD, các DN lớn vẫn phải hoạt động để giao hàng theo hợp đồng. Hiện tại tuy khó khăn nhưng cũng là thử thách đối với các DN. Những giám đốc giỏi sẽ không ngồi chờ mà có thể chịu lỗ để ký hợp đồng, tìm và giữ khách.

Trở lại gia công

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, trước nay ngành dệt may khuyến khích xuất FOB để tăng lợi nhuận nhưng hiện USD trượt giá quá nhanh, xuất FOB gặp khó khăn, nhiều DN quay trở lại nhận hợp đồng may gia công và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Xuất khẩu FOB, DN có thể bán được giá 4-5 USD/sản phẩm nhưng phải trả tiền mua nguyên phụ liệu, trong điều kiện nhiều loại nguyên phụ liệu tăng mạnh như hiện nay, rủi ro cao hơn. Gia công giá rẻ (dưới 1 USD/sản phẩm) nhưng đổi lại tiền vốn bỏ ra ít, hạn chế lỗ lã.

Thanh Nhân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây