Khuynh hướng này đã có từ lâu trên thế giới, tất nhiên chỉ diễn ra tại những tập đoàn mạnh, đủ tài chính và năng lực để có thể đầu tư sang các lĩnh vực khác nhằm khuếch trương thanh thế, tăng lợi nhuận cũng như bổ trợ cho các ngành nghề truyền thống vốn có nhằm tạo ra một chuỗi tự cung ứng để tăng tính cạnh tranh.
Còn tại VN, DN có quy mô lớn đủ để kinh doanh đa ngành nghề rất ít, thế nhưng vẫn cứ thích liên kết nhằm dán cái mác “đa ngành nghề” theo phong trào cho phù hợp với hội nhập (!). Đáng chú ý là hình thức kinh doanh này có khuynh hướng nở rộ khi cuối năm 2007, nhiều DN đã công bố chiến lược kinh doanh của năm 2008 cho thấy sẽ mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác hoàn toàn “không ăn nhập” gì với lĩnh vực đang hoạt động...Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện phó Viện Kinh tế VN, việc các khối DN trong nước dựa vào thế lực mạnh, vào liên minh sức mạnh để lao vào đầu tư “ăn xổi” ở cả những lĩnh vực không thuộc chuyên môn là điều đáng kiêng kỵ trong kinh doanh, càng đáng kiêng kỵ đối với DN mà tiềm lực tài chính và tiềm lực khoa học-công nghệ còn yếu. Từ xu hướng này, tiến sĩ Trần Đình Thiên đưa ra dự đoán: Hệ thống DN VN sẽ chậm trưởng thành vì khó cưỡng lại các cám dỗ ngắn hạn. Bởi điều dễ nhận thấy là có sự khác biệt rõ ràng trong định hướng hành động của hai nhóm DN trong và ngoài nước: Dòng FDI tăng mạnh chứng tỏ các DN nước ngoài nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích kinh doanh dài hạn ở VN; trong khi đó, một bộ phận lớn DN VN lại bị hút vào lĩnh vực kinh doanh chứng khoán để chớp thời cơ “ăn nhanh, ăn dễ và ăn lớn”; một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty muốn lập ngân hàng riêng, lập công ty chứng khoán rồi “lên sàn” và thổi giá, tiến hành đầu tư kinh doanh địa ốc, hợp doanh để kinh doanh kiếm lợi ở lĩnh vực mới... Tất cả tạo thành một cơn lốc xoáy sôi sục nhưng đầy rủi ro.
Năm 2008 được xem là bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), nếu cứ tiếp tục chạy theo các cám dỗ ngắn hạn thì với môi trường vĩ mô còn nhiều bất cập và chậm cải thiện, đây là điều đáng lo cho tương lai của DN trong nước.