Làm gì để không phải chạy theo Index?

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hải Trà, Ủy viên Thường trực HĐQT, Sở GDCK TP. HCM xung quanh vấn đề này.

 

Năm 2007 có lẽ là một năm khó khăn với các cơ quan quản lý khi liên tục có những quyết định quản lý gây nhiều tranh cãi liên quan đến việc kiềm chế lạm phát, kiểm soát nguồn vốn đổ vào TTCK, áp dụng thuế thu nhập cá nhân với nhà đầu tư chứng khoán, hay tăng cung hàng hóa cho thị trường. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Tôi cho rằng, thực trạng này là sự thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách. Chúng ta cũng thấy tình trạng tương tự trong những lĩnh vực khác như quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, hay kiến trúc và giao thông đô thị. Nó thể hiện những hạn chế trong công tác hoạch định chính sách. Từ trước đến nay, phần lớn các quyết định quản lý mang tính tình thế nhiều hơn là có tầm định hướng chiến lược và dẫn dắt thị trường. Những chính sách hữu hiệu đòi hỏi phải xác định rõ quan điểm và các mục tiêu quản lý, phân tích bản chất các vấn đề trên cơ sở những dữ liệu đáng tin cậy thay vì căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài. Ví dụ, giá chứng khoán xuống, để "cứu" thị trường nhiều người nghĩ ngay đến giảm cung, kích cầu. Nhưng đâu là cơ sở để "bốc thuốc" như vậy, hay đó chỉ đơn giản là nguyên lý? Đâu là vấn đề của cung và đâu là của cầu? Liệu có vấn đề của chính cơ chế xác lập giá không? Để giải quyết vấn đề trước mắt, cái giá phải trả về dài hạn hơn là gì? Mặt khác, một chính sách có thể hướng tới các mục tiêu kinh tế - xã hội khác nhau, đôi khi là trái ngược nhau tại một thời điểm.

Vì vậy, cần xác định thứ tự ưu tiên của những mục tiêu, đồng thời áp dụng những công cụ khác nhau nhằm tìm kiếm một sự cân bằng cần thiết. Ngoài ra, công cụ chính sách có thể tạo nên những tác động lâu dài và trên phạm vi rộng, thậm chí hiệu ứng phụ không mong muốn. Do đó, cần có sự đánh giá một cách có hệ thống và toàn diện để tránh chữa bệnh này lại gây ra bệnh kia.

 

Nhưng thực tế giá cổ phiếu đang giảm mạnh và nguyên nhân trực tiếp được cho là lượng cung quá lớn, khiến sức cầu không đáp ứng nổi, thưa ông?

Chúng ta đều biết rằng, thông thường khi điều kiện thị trường bất lợi thì chẳng cần ai khuyến cáo các DN cũng sẽ cân nhắc trong việc cung thêm hàng. Nếu là người làm chính sách, tôi sẽ quan tâm đến tình trạng cung hàng bất chấp tình hình thị trường hơn, vì tìm cách giãn cung mới chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm. Cần lưu ý rằng "dư cung" chỉ được nhắc đến để lý giải cho một sự đã rồi khi giá chứng khoán năm 2007 không tăng như mong đợi, còn trên thực tế hầu hết các đợt phát hành hay đấu giá trước đó vẫn diễn ra thành công.

Tôi cho rằng sự điều chỉnh của thị trường trong năm 2007 được hình thành từ chính sự bùng nổ của TTCK năm 2006. Hy vọng "lịch sử lặp lại" đã khiến nhiều người đầu tư mất đi sự cẩn trọng cần thiết trong các quyết định đầu tư. Sự kỳ vọng của họ đã vượt ra ngoài những yếu tố nền tảng hợp lý của sự tăng trưởng DN. Nhiều người chấp nhận đấu giá rất cao để rồi bị "kẹt" vốn trong thị trường OTC khi thị trường niêm yết có sự đảo chiều. Tâm lý thất vọng về kênh đầu tư chứng khoán đã mở đường cho những dòng tiền chuyển hướng sang thị trường vàng, bất động sản. Thêm vào đó, sự khôn ngoan của các nhà đầu tư nước ngoài và những tác động tiêu cực từ một số quyết định quản lý đã ảnh hưởng đến chỉ số giá chứng khoán trong năm 2007.

 

Vậy theo ông, cơ quan quản lý khi nào nên can thiệp vào TTCK?

Đối với thể chế thị trường bậc cao như TTCK các cơ quan quản lý nên tập trung các nguồn lực vào những yếu tố nền tảng của thị trường, như khuôn khổ pháp lý và việc đảm bảo thực thi, năng lực cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian, hay sự hiểu biết của công chúng đầu tư. Sự can thiệp chỉ cần thiết khi xảy ra khủng hoảng có thể dẫn tới sụp đổ thị trường, hoặc trước những dấu hiệu cho thấy cơ chế vận hành của thị trường bị bóp méo. Cơ quan quản lý có chức năng và chịu trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu quả, giảm thiểu tính rủi ro có hệ thống của TTCK, chứ không có nhiệm vụ chạy theo diễn biến chỉ số giá chứng khoán. Đây là thông điệp cơ quan quản lý cần truyền đạt tới công chúng đầu tư trên thị trường.

Gần đây, UBCK tổ chức nhiều cuộc họp tìm giải pháp "cứu" thị trường. Vậy nếu không phải là UBCK thì ai sẽ làm việc này, thưa ông?

Dễ nhận thấy là những nỗ lực của UBCK chỉ dừng lại ở việc nêu lên vấn đề và kiến nghị; còn giải quyết vấn đề như thế nào thì lại nằm ngoài thẩm quyền của UBCK. Điều này lý giải cho thực tế là những thông tin từ UBCK chưa đủ sức hỗ trợ thị trường, bởi nói thế, song ai làm, làm như thế nào, khi nào làm… lại là vấn đề khác. Những người có thẩm quyền ra quyết định có thể lại có những mối bận tâm và ưu tiên khác so với UBCK. Thị trường chỉ phản ứng tích cực và bền vững với những thông điệp cụ thể và có ý nghĩa hơn từ cơ quan có đủ thẩm quyền, thay vì tâm lý bối rối hoặc có thể suy diễn theo những chiều hướng khác nhau. Cơ quan có khả năng "lo" TTCK Việt Nam, theo tôi đó phải là một cơ chế như Hội đồng Tài chính tiền tệ quốc gia, trong đó có sự hiện diện và phối hợp của các cơ quan điều hành toàn bộ hệ thống tài chính. Với sự tăng trưởng quy mô và xã hội hóa nhanh chóng, TTCK ngày càng chiếm một vị thế quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, đã đến lúc sức khỏe của TTCK cần được thực sự quan tâm và chăm sóc một cách đúng mực.

 

Tạm không đề cập đến cơ quan quản lý, theo ông, các DN niêm yết nên làm gì khi thị trường đi xuống?

Trước hết là hãy xoá bỏ tâm lý chờ đợi những điều tốt lành, suôn sẻ tự nhiên đến với DN mình. Khi giá cổ phiếu xuống liên tục, việc thiết thực nhất là ban lãnh đạo DN lập tức phải lên tiếng bằng những hành động thiết thực và đặc biệt tránh những hành vi khiến thị trường có thể cho rằng, cả "thuyền trưởng" cũng chuẩn bị "rời tàu". Giá cổ phiếu xuống mọi cổ đông đều bị thiệt hại, nhưng quan trọng nhất là sức hấp dẫn của cổ phiếu để DN có thể phát hành thêm, nắm bắt những cơ hội phát triển trong tương lai. Trong thời gian qua, có thể thấy vấn đề này chưa được xử lý tốt.

Theo tôi, lý do chính của tình trạng này là quyền lợi và trách nhiệm của người điều hành DN chưa gắn liền với nhau. Mặt khác, nhiều cổ đông không mấy quan tâm đến hoạt động của DN nói chung và đội ngũ điều hành DN nói riêng, do đó không tạo ra động lực để những người điều hành trực tiếp có trách nhiệm làm tốt công việc của mình. Nhiều lãnh đạo DN thấy họ chẳng có động cơ phải cố gắng hết sức, vì nếu giá cổ phiếu tăng ầm ầm họ cũng không được hưởng lợi là mấy, còn nếu ngược lại họ cũng chẳng thua thiệt nhiều hơn các cổ đông khác. Đây cũng là một vấn đề điển hình của các DN tham gia TTCK, nơi có sự tách biệt giữa người chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp.

 

Vậy còn các CTCK, ông đánh giá thế nào về vai trò của họ?

Vai trò của các CTCK còn khá mờ nhạt trong bức tranh chung của thị trường. Cùng với sự gia tăng mạnh về số lượng, hoạt động của các CTCK chủ yếu mang tính "quảng canh". Có thể nhiều CTCK đã và đang phải vật lộn với bài toán con người và công nghệ, nhưng rõ ràng cơ cấu lợi nhuận "lấy tự doanh làm gốc" là một dấu hiệu đáng quan tâm. Với tư cách là những người chuyên nghiệp, nhưng hiện nay nghiên cứu, phân tích, tư vấn, phát triển sản phẩm hay bảo lãnh phát hành vẫn là những khoảng trống còn rất lớn trong dịch vụ của hầu hết các CTCK.

Lấy ý kiến về tình hình thị trường trong thời gian qua là một ví dụ. Nhiều "chuyên gia chứng khoán" chỉ ra "dư cung" như là một trong những nguyên nhân khiến thị trường suy giảm, nhưng trước những đợt phát hành hay đấu giá trong năm 2007, chúng ta hiếm khi nghe thấy những phân tích, dự đoán, phản biện nào từ khối CTCK về tác động của các đợt phát hành này, mà chủ yếu là những giới thiệu về tiềm năng hay triển vọng… Ngay cả giá phát hành hay đấu giá cũng thiếu những phân tích, nhận định của những người "chuyên nghiệp" có thể tin cậy và có khả năng định hướng cho thị trường.

 

Câu hỏi cuối cùng, theo ông, liệu có phải các nhà đầu tư trong nước đang trở nên phụ thuộc vào các nhà đầu tư ngoại?

Trong chừng mực nào đó, sự phụ thuộc này là có thể lý giải được. Chúng ta biết rằng, "theo voi có thể ăn bã mía". Điều đáng suy nghĩ là mặc dù nắm giữ một tỷ lệ sở hữu lớn gấp đôi, gấp ba lần nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhiều nhà đầu tư trong nước đang bị thua ngay trên sân nhà. Tôi cho rằng, không những các nhà đầu tư ngoại cần được đặt trong một khuôn khổ quản lý hữu hiệu hơn theo thông lệ quốc tế, mà các nhà đầu tư trong nước cũng cần được hỗ trợ tích cực hơn. Nếu không giúp họ mạnh hơn, trưởng thành hơn thì sự phụ thuộc ngày càng gia tăng là điều khó tránh khỏi.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây