![]() |
Có lẽ bước tiến quan trọng nhất của Quyết định 03 là việc gắn danh mục rủi ro với trình độ quản trị rủi ro và vốn tối thiểu mà không phải là tổng danh mục tín dụng - Ảnh: Mạnh Thắng. |
Việc gắn thêm một quy định hạn mức cho vay chứng khoán với vốn điều lệ về mặt khoa học là trùng lặp với quy định vốn tối thiểu và trở nên rất “lạc lõng”. Chúng ta tôn trọng sự cẩn trọng và hoạt động an toàn của hệ thống nhưng chúng ta cũng cần tôn trọng tính khoa học của các quy định, tránh hiện tượng “hành chính hóa” các khung pháp lý.
Khung pháp lý cần giúp thị trường phát triển bền vững chứ không nên được thiết kế như một tấm áp giáp chắc chắn, nhằm bảo vệ trách nhiệm các cơ quan quản lý khi xảy ra khủng hoảng.
Tại sao không hợp lý?
Giả sử việc đưa thêm một điều kiện hạn chế mức cho vay chứng khoán nữa là cần thiết đối với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, việc quy định hạn mức trên vốn điều lệ là không hợp lý. Trong khoa học quản trị ngân hàng quốc tế, khái niệm vốn điều lệ không phải là một khái niệm được sử dụng.
Chúng ta cần phân biệt 3 khái niệm vốn trong hoạt động ngân hàng thương mại:
- Vốn điều lệ (chartered capital) hay còn gọi là vốn góp cổ phần (paid-up capital): chỉ có ý nghĩa danh nghĩa về mặt pháp lý và ý nghĩa tài chính, kế toán. Vốn điều lệ thể hiện số cổ phần đóng góp của các cổ đông và do đó sử dụng tính toán các chỉ số như thu nhập trên cổ phiếu (EPS), giá trên thu nhập (PE), vv;
- Vốn pháp lý (regulatory capital) hay còn gọi là vốn tối thiểu. Đối với hoạt động ngân hàng, vốn pháp lý được quy định theo hiệp định an toàn vốn Basel. Việt Nam hiện tại đang áp dụng phiên bản 1 của Basel thông qua Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN. Theo đó vốn được chia làm Vốn cấp 1 và Vốn cấp 2 để bù đắp rủi ro tín dụng. Quyết định 457 hiện chưa quy định vốn an toàn cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động như thông lệ quốc tế;
- Vốn kinh tế (economic capital) là một khái niệm tài chính hiện đại, áp dụng trong quản trị ngân hàng quốc tế. Đây là mức vốn mà từng ngân hàng tự tính toán theo mức độ rủi ro bằng các mô hình toán thống kê của riêng họ để họ tự đáp ứng nhu cầu an toàn của bản thân ngân hàng. Vốn kinh tế là một phiên bản tự nguyện của vốn pháp lý nhưng do ngân hàng tự nguyện tính toán theo mô hình riêng vì lợi ích quản trị rủi ro. Tại Việt Nam, khái niệm vốn kinh tế chưa được sử dụng do trình độ quản trị rủi ro còn ở mức sơ khai.
Như vậy để quản trị rủi ro, các cơ quan chức năng phải sử dụng khái niệm vốn pháp lý (vốn an toàn) chứ không phải vốn điều lệ. Theo quyết định 457/2005/QĐ-NHNN, vốn pháp lý được chia như sau:
- Vốn cấp 1 bao gồm vốn điều lệ (phần thực góp), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, lợi nhuận giữ lại. Vốn cấp 1 phải trừ đi lợi thế thương mại khi mua công ty con và các khoản lỗ kinh doanh lũy kế;
- Vốn cấp 2 bao gồm trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và các công cụ lưỡng tính khác; dự phòng chung, quỹ đánh giá lại tài sản cố định. Giới hạn vốn cấp 2 bằng 100% vốn cấp 1.
Việc sử dụng vốn điều lệ đã bỏ qua rất nhiều khoản vốn khác hoặc mang tính chất vốn, có tính chất ổn định trong tổng vốn chủ sở hữu có nhiệm vụ tạo “vùng đệm” an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Một ngân hàng hoạt động tốt song chỉ vì có vốn điều lệ thấp (trong khi tổng vốn chủ sở hữu rất lớn) sẽ là nạn nhân của quy định này. Trong khi đó một ngân hàng không hiệu quả có các khoản lỗ lũy kế lớn hơn vốn (tức là vốn âm) hay một ngân hàng mua phải một công ty con với giá rất đắt (giá trị vô hình lớn) sẽ nằm “ngoài vùng phủ sóng”.
Đây là những điểm bất hợp lý của việc sử dụng vốn điều lệ trong quy định này. Thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước nên phát huy các công cụ tiên tiến có sẵn trong tay như Quyết định 457 và khái niệm vốn cấp 1 và cấp 2.
Việc quay lại sử dụng khái niệm vốn điều lệ, có lẽ, là một bước lùi trong nhận thức và tư duy quản lý của cơ quan chức năng?
Tại sao không bình đẳng?
Theo số liệu tính toán của một số chuyên gia, việc áp dụng Quyết định 03 thay cho Chỉ thị 03 không có tác dụng làm tăng dư nợ chứng khoán trong ngắn hạn, song có tác dụng phân bố lại hạn mức cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại khác nhau dựa theo ưu thế vốn điều lệ.
Cụ thể, Ngân hàng Á Châu (ACB) sẽ phải giảm hạn mức cho vay từ 948 tỷ đồng xuống 526 tỷ; Ngân hàng Sacombank sẽ phải giảm hạn mức cho vay từ 1.029 tỷ xuống 890 tỷ; Ngân hàng Quốc tế (VIB) sẽ phải giảm hạn mức cho vay từ 502 tỷ xuống 400 tỷ; Ngân hàng Đông Nam Á (SEA bank) sẽ tăng hạn mức cho vay từ 331 tỷ lên 600 tỷ; Ngân hàng An Bình (ABB) sẽ tăng hạn mức cho vay từ 189 tỷ lên 460 tỷ.
Đồng thời, các ngân hàng quốc doanh lớn chưa cổ phần hóa phải giảm hạn mức một cách đáng kể do vốn điều lệ thấp.
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy các ngân hàng vốn điều lệ thấp mặc dù có tổng vốn chủ sở hữu rất lớn và quản trị tốt sẽ chịu thiệt thòi nhất. Các ngân hàng cổ phần nông thôn mới nâng cấp lên ngân hàng đô thị với vốn lớn sẽ hưởng lợi. Các ngân hàng quốc doanh chưa cổ phần hóa sẽ chịu thiệt trong ngắn hạn. Sau IPO, vốn điều lệ tăng mạnh như Vietcombank thì sẽ có lợi. Các ngân hàng mới thành lập có vốn điều lệ lớn sẽ được hưởng lợi nhất.
Các phản ứng phụ?
Dựa theo ước tính của Công ty Chứng khoán Vina, tổng số hạn mức vay chứng khoán trong toàn ngành trước mắt sẽ giảm từ khoảng 23 ngàn tỷ xuống 16 ngàn tỷ (giảm 7 ngàn tỷ).
Tuy nhiên, sau khi 9 ngân hàng mới thành lập đi vào hoạt động, hạn mức này nâng lên 19 ngàn tỷ. Sau khi IPO các ngân hàng quốc doanh lớn thì hạn mức này sẽ dần tăng lên nữa. Với tốc độ tăng vốn điều lệ dễ dàng hơn việc tăng tổng dư nợ, mức cho vay chứng khoán có thể tăng lên trong dài hạn.
Quy định hiện tại sẽ không có nhiều tác dụng khuyến khích nâng cao quản trị rủi ro mà có tác dụng khuyến khích tăng vốn điều lệ. Nếu Quyết định này không được sửa đổi kịp thời, có thể chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng hồ sơ dồn dập xin tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại mà không tính toán kỹ hiệu quả kinh tế.
Trong khi vấn đề cung, cầu trên thị trường chứng khoán chưa được giải quyết, việc tăng cung này sẽ càng thêm dầu vào lửa, tạo khủng hoảng thừa cổ phiếu ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán sẽ phê duyệt đơn xin tăng vốn hay không khi Chính phủ đang nỗ lực giãn cung để bình ổn thị trường?
Điều quan trọng hơn là quyết định này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại theo hướng “Tất cả vì vốn điều lệ”. Các kế hoạch chuyển đổi thặng dư vốn, các quỹ, chia cổ phiếu thưởng từ lợi nhuận giữ lại, tăng tốc trái phiếu chuyển đổi, cũng như tăng vốn sẽ trở thành chủ đề nóng nhất trong các cuộc họp đại hội cổ đông sắp tới. Cơ cấu vốn của một số ngân hàng được xây dựng bao lâu nay dựa theo các mô hình tài chính hiện đại có thể phải nhường chỗ cho vốn điều lệ.
Nếu điều này diễn ra, tỷ trọng vốn điều lệ của các ngân hàng có thể tăng lên rất cao trong tổng vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ làm pha loãng cổ phiếu một cách đáng kể và có thể làm tăng chi phí sử dụng vốn trong dài hạn.
Nếu không tính toán một cách cẩn trọng, các ngân hàng thương mại có thể rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười trong tương lai khi muốn giảm vốn điều lệ (share redemption) mà không được. Vô hình trung, quy định này làm méo mó việc áp dụng các nguyên tắc hoạch định tài chính tiên tiến của doanh nghiệp.
Kết luận
Việc sửa Chỉ thị 03 là một bước tiến lớn trong cách quản lý của cơ quan chức năng, tiệm tiến dần với các thông lệ quốc tế. Việc gắn hoạt động rủi ro với quản trị rủi ro và an toàn vốn là hướng đi rất đúng đắn.
Tuy nhiên, việc đưa ra quy định gắn hạn mức cho vay chứng khoán với vốn điều lệ có thể là một quy định thừa hoặc ít nhất là chưa hợp lý, chưa công bằng và tạo ra nhiều phản ứng phụ không đáng có.
Nếu quy định này là cần thiết, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu sử dụng khái niệm vốn pháp lý (vốn cấp 1 và cấp 2) chứ không phải vốn điều lệ trong điều hành quản trị rủi ro hệ thống.