![]() |
Nhiều doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Ảnh: VŨ HƯNG |
Dự kiến cuối năm 2008 đầu năm 2009, trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội sẽ có gần 50 doanh nghiệp công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Trong đó có nhiều tên tuổi như Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hoa Sen, Xi măng Hà Tiên 2... lên sàn. Hàng loạt công ty lên sàn như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều tác động đến thị trường.
Bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, cho biết hiện nay, sở này đang thụ lý khoảng 20 bộ hồ sơ nữa xin niêm yết. Doanh nghiệp đã có giấy phép niêm yết mà sau ba tháng không niêm yết sẽ bị hủy bỏ.
Hàng mới sẽ sốc dậy thị trường
Theo ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích và đầu tư Công ty Chứng khoán Vincom, có nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ làm thị trường chứng khoán có quy mô lớn hơn. Nhà đầu tư cũng có thêm nhiều cơ hội chọn lựa những cổ phiếu yêu thích. Tuy nhiên, có thêm nhiều loại cổ phiếu mà lượng tiền của nhà đầu tư có hạn thì sẽ tạo ra sự thanh lọc tốt cho thị trường. Còn đối với doanh nghiệp niêm yết, những thông tin về cổ phiếu của họ cũng sẽ được minh bạch hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc Chi nhánh Lê Ngô Cát, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), cho biết thị trường OTC hiện nay đang đóng băng, cho nên doanh nghiệp chuyển qua niêm yết trên sàn chính thức sẽ cải tạo được tính thanh khoản của những cổ phiếu này. Tuy nhiên, con số gần 50 doanh nghiệp niêm yết sẽ tác động đến chỉ số VN-Index thế nào còn phụ thuộc vào việc xác định giá cổ phiếu ngày đầu lên sàn.
Định giá cao sẽ gặp nhiều bất lợi
Thị trường OTC hiện đang đóng băng, nhiều cổ phiếu đã giảm dưới mệnh giá. Mà theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, trong phiên đầu tiên giao dịch trên sàn, cổ phiếu của các công ty mới này chỉ được tăng giảm trong khoảng 20%. Như vậy, cổ phiếu OTC muốn bước lên sàn chính thức sẽ rất khó định giá khi chào sàn.
“Việc định giá cổ phiếu mới ở mức cao hay thấp còn có tác động lớn đến chỉ số chứng khoán. Chỉ số tăng hay giảm còn phụ thuộc vào việc định giá của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp niêm yết định giá cao thì cổ phiếu lên sàn sẽ giảm, kéo theo chỉ số chứng khoán cũng giảm” - ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc Chi nhánh Lê Ngô Cát của ACBS, nhận định.
Ông Khiêm cũng cho biết gần đây, cổ phiếu của Công ty Mirae chào sàn TP.HCM với giá tham chiếu 48.000 đồng/cổ phiếu nhưng đã giảm liên tục 36 phiên, xuống còn 16.100 đồng/cổ phiếu. Tương tự, ngày 3-11, cổ phiếu PVF của Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam giao dịch với giá tham chiếu 30.000 đồng/cổ phiếu nhưng cũng đã giảm hết biên độ 20% cho phép. Các cổ phiếu suy giảm cũng đã làm cho thị trường chung giảm mạnh.
Vì vậy, ông Phan Anh Tuấn cho rằng doanh nghiệp niêm yết không nên đẩy quá cao. Khi định giá quá cao, nhà đầu tư sẽ đẩy hàng ra, làm cho giá cổ phiếu đó nhanh chóng sụt giảm. Ngoài ra, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, cũng cho rằng doanh nghiệp chào sàn giá cao để làm đẹp lòng các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu từ khi những cổ phiếu này còn là OTC. Do vậy, những nhà đầu tư mới sẽ dị ứng không mua nên giá cổ phiếu có thể sẽ sụt giảm làm xấu hình ảnh doanh nghiệp niêm yết.
Kinh doanh quý III bị lỗ có thể bị ngưng nhận hồ sơ niêm yết |