Giá phân bón nhấp nhổm lên

Ông Nguyễn Duy Sỹ - PTGĐ Vinachem cho biết, đến cuối tháng này sẽ điều chỉnh giá phân bón NPK ít nhất lên hơn 1 triệu đồng/ tấn đạt mức từ 12,6 triệu đồng/tấn. Mức này chỉ giúp cho các DN tạm thời cầm cự thoát lỗ.

Tuy không thuộc danh mục 11 mặt hàng Chính phủ quy định không được tăng giá mà chỉ yêu cầu bình ổn, nhưng để góp phần kiềm chế lạm phát, Vinachem đã ra văn bản yêu cầu các Cty thành viên giữ ổn định giá phân bón đến hết tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, diễn biến thị trường trong nước với việc tăng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất NPK liên tục tăng cao, ít nhất là 15%, đặc biệt là DAP, khiến cho các Cty rất khó khăn.

Ông Lê Quốc Phong - GĐ Cty Phân bón Bình Điền cho biết, nguyên liệu DAP đã tăng đến 22.000.000 đồng/ tấn; Urê lên 7.600.000 đồng/tấn; Kali lên 10.000.000 đồng/tấn; SA lên 5.000.000 đồng/tấn. Chưa hết, những nguyên liệu này sẽ còn tăng cao nữa trong thời gian tới vì các nguyên liệu của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế XK 130%.

Hiện giá bán sản phẩm của Cty phân bón Bình Điền và Phân bón miền Nam đều thấp hơn giá thành. Ví dụ như, sản phẩm NPK 16-16-8 của Cty Phân bón Bình Điền bán ra với giá 11.227.000 đồng/tấn, thấp hơn giá thành hơn 1 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, các đơn vị khác ngoài Vinachem như Việt Nhật hay Baconco đang bán sản phẩm cùng loại ở mức hơn 13,3 triệu đồng/tấn và dự kiến sẽ còn tăng thêm 7% trong tháng 5/2008. Hiện các Cty phân bón phía Nam đang đứng trước nguy cơ bị lỗ bởi lợi nhuận của các Cty này vốn đã thấp. Ông Nguyễn Duy Sỹ còn lo ngại, theo kế hoạch trong năm 2008, Cty Phân bón Bình Điền và Cty Phân bón Miền Nam sẽ cổ phần hóa, vì thế cần phải điều chỉnh mức giá để tránh lỗ cho các DN này.

Với nhu cầu 2 triệu 400 nghìn tấn NPK trong một năm, Vinachem chiếm đến 1,7 triệu tấn, Cty Việt Nhật là 360.000 tấn còn lại là các DN khác...việc điều chỉnh giá trong thời điểm trước vụ hè thu sẽ tác động tương đối đến canh tác của bà con nông dân. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá này là không tránh khỏi, ông Sỹ cho biết.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó

Ông Nguyễn Tấn Đạt - GĐ Cty Phân bón miền Nam cho biết, tình hình các ngân hàng không có tiền giải ngân mặc dù vẫn còn hạn mức tín dụng hiện đang gây khó khăn cho Cty trong việc thu mua nguyên liệu cho sản xuất phân bón tháng 5 và tháng 6 năm nay.

Vinachem cũng cho biết tình trạng này xảy ra với hầu hết các DN thuộc TCty. Để tháo gỡ, lãnh đạo TCty đã chủ động làm việc với một số NH như hình thức bảo lãnh cho DN để các ngân hàng tăng hạn mức cho vay đối với DN phân bón. Nhìn chung, mỗi DN phân bón phải quay 6 vòng vốn mới đảm bảo được kế hoạch sản xuất, trong khi đó DN chỉ tự chủ được 2,5-3 vòng vốn.

 L.Hương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây