Hàng nội bắt đầu \"lấn sân\"

Việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội không chỉ kích cầu mà người tiêu dùng cũng có lợi.

Năm nay, mặc dù sức mua được dự báo giảm sút so với mọi năm, song không vì thế mà hàng hoá phục vụ Tết Kỷ Sửu kém phần phong phú. Các nhà sản xuất, phân phối trong nước cho rằng: Đây là thời điểm thuận lợi để hàng nội mở rộng thị phần ngay tại "sân nhà".

Việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội không chỉ mang lại lợi ích kích cầu, tăng doanh thu cho nhà sản xuất, nhà phân phối, mà cả người tiêu dùng cũng tiết kiệm chi tiêu và xa hơn là vực dậy nền kinh tế.

Tranh thủ thời cơ mở rộng thị phần

Các sản phẩm lương thực - thực phẩm và hàng tiêu dùng trong nước sẽ là "át chủ bài" của thị trường Tết năm nay - bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó GĐ Sở Công Thương Hà Nội - khẳng định. TCty Thương mại HN cùng 6 Cty CP thương mại là Cty CP Nhất Nam (với hệ thống siêu thị Fivimart); Cty CP thương mại Intimex; Cty CP Phúc Thịnh; Cty TNHH Vinh Anh và Cty TNHH Thái Dương... đã chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Các mặt hàng được đặc biệt chú trọng là lương thực - thực phẩm, hàng tươi sống, rượu bia, bánh mứt kẹo. Cty CP XNK lương thực HN chuẩn bị 500 tấn gạo, Cty Thái Dương: 250 tấn gạo; Cty CP lương thực Hà Sơn Bình 1.875 tấn gạo. Đại diện TCty Thương mại Hà Nội (Haprosimex) cho biết đã chuẩn bị lượng hàng hoá tổng trị giá gần 600 tỉ đồng (tăng gấp rưỡi so với năm ngoái).

TCty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội năm nay cũng đưa ra thị trường 71 triệu lít bia, rượu các loại. Các trung tâm thương mại, siêu thị Metro, Big C, Intimex, Fivimart... cũng dự trữ lượng hàng hoá lên tới trên 1.000 tỉ đồng.

Bà Dương Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại Big C TPHCM - cho biết: "Trong tổng số 50.000 mặt hàng có mặt tại siêu thị, lượng hàng sản xuất trong nước chiếm khoảng 95%, tăng gần 5% so với đầu năm 2008". Tại hệ thống Metro Cash & Carry, hàng nội cũng được ưu tiên với tỉ trọng trên 90%, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Coop mart đã có kế hoạch về việc dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm nên đã tăng thêm 5% lượng hàng sản xuất trong nước từ khá sớm.

Sở dĩ lượng hàng hoá nội đưa ra thị trường rầm rộ như vậy, theo các doanh nghiệp và người tiêu dùng, những năm gần đây hàng hoá trong nước đã khẳng định vị thế về chất lượng và giá cả so với hàng nhập ngoại.

Bà Nguyễn Thị Như Mai cho biết: Các DN đã chú ý nhiều hơn đến thương hiệu của sản phẩm. Những năm gần đây, nhiều DN đã không ngừng đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, chú trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên các mặt hàng tiêu dùng nhìn chung đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, giá cả nhiều mặt hàng ngoại nhập vẫn còn cao so với túi tiền của đại bộ phận người tiêu dùng.

Cạnh tranh bằng giá và chất lượng

Tỉ lệ hàng nội tại các siêu thị đang tăng lên với nhiều chương trình giảm giá.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào việc tăng thêm sự xuất hiện trên các kệ hàng thì hàng nội chưa hẳn chinh phục được NTD. Nhận thức được điều này, các nhà sản xuất - kinh doanh đã tích cực tung ra các chính sách về giá và chất lượng.

Mặc dù nguồn vốn dành cho kích cầu tiêu dùng từ gói 1 tỉ USD của Chính phủ chưa triển khai, nhưng nhiều đơn vị đã tự thực hiện các chương trình kích cầu của riêng mình. Chẳng hạn như hệ thống siêu thị Citimart, Maximart đang lên chương trình khuyến mãi, giảm giá với kinh phí 2 tỉ đồng.

Hệ thống Sàigon Coop, Big C liên tục khuyến mãi, giảm giá 5-30% cho các nhóm ngành hàng. Không ít đơn vị sản xuất cũng đang cố gắng giảm giá bán, nâng chất lượng, đảm bảo an toàn để chiếm thị phần ở những nhóm hàng trước đây vốn là thế mạnh của hàng ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc.

Tại các siêu thị năm nay vắng bóng hẳn các loại bánh kẹo hộp có xuất xứ của các nước lân cận. Thay vào đó là bánh kẹo của Kinh Đô, Bibica, SNfood, Phạm Nguyên, Hải Hà, Coopmart...

Không phải đến bây giờ, khi thị trường XK dệt may bị sụt giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ngành dệt may mới chú trọng thị trường nội địa. Đã nhiều năm trăn trở, song đây là lúc thích hợp nhất để ngành dệt may lấy lại thị trường trong nước.

Phó TGĐ TĐ Dệt - May VN (Vinatex) Lê Tiến Trường nhận định: Năm 2009 sẽ là năm các DN dệt may chịu sức ép cạnh tranh từ cả hai phía: Thị trường XK cạnh tranh với việc Trung Quốc được Mỹ bãi bỏ chế độ hạn ngạch từ 1.1.2009; còn thị trường nội địa cũng sẽ chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt hơn do VN đã mở cửa thị trường bán lẻ cho các TĐ lớn trên thế giới theo lộ trình cam kết gia nhập WTO cũng từ thời điểm 1.1.2009.

Chính vì vậy, bên cạnh duy trì tốc độ tăng trưởng XK, ngành dệt may phải chiếm lĩnh cho được thị trường nội địa, nếu không muốn thị trường này rơi vào tay các nhà phân phối nước ngoài.

Tăng thêm 5-10% hàng nội tại các siêu thị

Theo các siêu thị, điểm khác biệt hẳn so với các năm trước là năm nay hàng nội chiếm ưu thế hơn so với hàng ngoại. Đặc biệt, một số ngành hàng như bánh kẹo, mứt sẽ có hiện tượng hàng nội lấy lại thị phần đã mất ở những năm trước.

Bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hoà - cho biết: "Sở dĩ siêu thị bán nhiều hàng sản xuất trong nước là vì ngoài việc kích thích sản xuất trong nước, giá các sản phẩm này cũng rẻ hơn nên dễ được người tiêu dùng chấp nhận. Bên cạnh đó, việc thương lượng giảm giá bán cũng dễ dàng thoả thuận hơn với các nhà sản xuất trong nước". M.Thoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây