Tăng vốn điều lệ các Cty niêm yết: Có được ân hạn?

Khi các DN đang gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh và khả năng gọi vốn đang suy giảm, liệu có khả năng các đơn vị này được ân hạn tăng vốn?

Ngày 3.2 là hạn cuối cùng để các Cty niêm yết trên HoSE phải có VĐL từ 80 tỉ đồng trở lên và các Cty niêm yết trên HaSTC tăng VĐL từ 10 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, liệu có khả năng các đơn vị này được ân hạn tăng vốn?

Khả năng tăng vốn tới đâu?

Có thể nói, thời điểm này đang là giai đoạn rất khó khăn của TTCK. Bởi chuyện tăng vốn pháp định của các CTCK chưa xong thì tới chuyện tăng vốn của các Cty niêm yết trên cả hai sàn HoSE và HaSTC. Nếu tính theo ngày đăng công báo của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật CK được Chính phủ ban hành ngày 19.1.2007, thì chỉ còn chưa đầy một tháng các Cty này phải hoàn tất việc tăng vốn.

Chuyên gia Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích của CTCK SME cho biết, theo công bố kết quả kinh doanh của các DN 11 tháng đầu năm 2008, chỉ có một số Cty có kết quả khả quan (đạt, vượt kế hoạch và năm 2007). Tuy nhiên, đây lại là những DN lớn và không phải lo lắng chuyện VĐL theo quy định. Như vậy, với những DN có VĐL dưới mức quy định thì kết quả kinh doanh không được khả quan. Vậy khả năng gọi vốn của các Cty này tới đâu?

* Chiều nay (7.1), UBCKNN sẽ công bố quyết định về việc tăng VĐL của các DN niêm yết.

* HoSE hiện có 49 Cty có VĐL dưới 80 tỉ đồng (14 Cty có mức VĐL trên 60 tỉ đồng, 18 Cty có VĐL chưa tới 40 tỉ). HaSTC, hiện có 6 Cty có VĐL dưới 10 tỉ đồng.

Đối với sàn TPHCM, hiện có thể chia ra thành nhóm: Nhóm có VĐL khoảng 20 tỉ đồng và nhóm có VĐL khoảng 60 tỉ đồng. Đối với nhóm 1 thì khả năng tăng gấp 3-4 lần vốn hiện tại là khó. Còn đối với các DN nhóm 2, theo chuyên gia của SME, khả năng tăng vốn vẫn còn. Các DN này có thể chọn hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu. Nhưng trong giai đoạn thị trường ảm đạm hiện nay, tương lai kinh tế chưa có dấu hiệu sáng sủa, bên cạnh đó, thời gian hoàn tất các thủ tục mất nhiều thời gian (khoảng 6 tháng) thì hình thức này sẽ ít khả thi. Còn lại là hình thức phát hành riêng lẻ cho các đối tác.

Đối với hình thức này, các thủ tục nhanh gọn hơn, dễ dàng hơn và mất ít thời gian hơn. "Nếu DN làm ăn tốt, có kết quả kinh doanh khả quan thì vẫn có rất nhiều đối tác sẵn sàng tham gia" - ông Lân nói. Tuy nhiên, điều quan trọng là quy trình thương lượng giữa các bên như thế nào để giá bán có lợi nhất cho DN. Như vậy, nếu được ân hạn sẽ có nhiều DN đáp ứng được yêu cầu.

Ân hạn hay giảm vốn?

Đối với những Cty có mức vốn quá nhỏ và kết quả kinh doanh không khả quan, khả năng phải chuyển sàn là rất lớn. Bởi UBCK đã "bật đèn xanh" từ cách đây khá lâu và cũng đã có công văn nhắc nhở. Và trong khoảng một năm từ khi Nghị định 14/2007/NĐ-CP được ban hành, nếu DN không đáp ứng được thì buộc phải chuyển sàn.

Trong trường hợp phải chuyển sàn, một quan chức của UBCKNN cho biết, các DN không đủ tiêu chuẩn từ HoSE sẽ phải chuyển xuống HaSTC. Nhưng đối với các DN đang niêm yết trên HaSTC có vốn dưới 10 tỉ thì chuyển đi đâu? Vị quan chức này cho biết, nếu tới thời điểm ngày 3.2, nếu sàn UpCom (sàn đăng ký giao dịch) hoàn tất thì có thể chuyển các DN này xuống giao dịch tại đây. Nhưng theo tính toán của ông "tới lúc đó, sàn UpCom chưa chắc đã tổ chức được".

Trong khi đó, các DN đang được niêm yết, NĐT đang mua bán. Nếu hủy niêm yết, sẽ dẫn tới CP của rất nhiều Cty không có giao dịch và không có thanh khoản, ảnh hưởng lớn tới thị trường. Do đó, phương án có thể được UBCKNN xem xét lựa chọn là duy trì điểm giao dịch của các CP của các DN này nhưng sẽ thuộc diện kiểm soát riêng (có thể rút ngắn thời gian giao dịch như trường hợp CP BBT của Bông Bạch Tuyết).

Điều khiến thị trường lo ngại là quy mô niêm yết của hai sàn sẽ ra sao bởi số lượng DN niêm yết trên HoSE phải chuyển xuống HaSTC là không nhỏ. Điều này sẽ tác động tới giá CP và tâm lý thị trường thế nào đang là lo ngại của nhiều chuyên gia. Theo tính toán, đối với hình thức phát hành riêng lẻ, để hoàn thành các thủ tục (lấy ý kiến cổ đông, xin phép UBCKNN, đăng ký,...) cũng mất khoảng 3 tháng.

Nếu được ân hạn, thời gian gia thêm ít nhất cũng phải 3 tháng. Nghị định 14 khi quy định mức VĐL của các DN niêm yết cũng cho biết: "Căn cứ vào tình hình phát triển thị trường, mức vốn có thể được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng hoặc giảm trong phạm vi tối đa 30% sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ".

Như vậy, sau 3.2, những DN có VĐL "dưới chuẩn" sẽ được ân hạn hoặc được giảm mức VĐL trong phạm vi tối đa 30% hay sẽ rơi vào kịch bản chuyển sàn?
Lưu Thủy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây