![]() |
Mặc dù ai cũng biết năm 2008 là năm đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, nhưng những khó khăn này chỉ thực sự phản ánh rõ nhất trong quý cuối cùng của năm và qua các số liệu báo cáo của các DN vào cuối năm. Tuy nhiên, trong số hơn 300 DN niêm yết vẫn có không ít điểm sáng lạc quan…
Những con số buồn…
Nhiều công ty niêm yết đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2008 với kết quả kinh doanh giảm mạnh so với quý III/2008. Nguyên nhân chính theo các giải trình là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới. Mặt khác, nhiều công ty phải trích lập dự phòng tài chính và hàng tồn kho vào cuối năm, hay những diễn biến bất thường của giá cả nguyên vật liệu… cũng là những nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV chuyển thành con số âm.
Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) vừa công bố lỗ 405,28 tỷ đồng trong quý IV/2008, nhưng lũy kế năm 2008, DN vẫn lãi 50,48 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do khoản lỗ từ hoạt động mua - bán chứng khoán lên tới 1.131 tỷ đồng trong quý IV và lũy kế năm 2008 là âm 1.093 tỷ đồng.
CTCP Nam Việt (ANV) có mức lợi nhuận sau thuế quý IV âm hơn 131 tỷ đồng do nhiều chi phí gia tăng. Tuy nhiên, do lợi nhuận lũy kế của 9 tháng đầu năm đạt 237 tỷ đồng nên tính chung cả năm 2008, ANV có lợi nhuận sau thuế là 106,1 tỷ đồng (lợi nhuận năm 2007 là 370 tỷ đồng).
Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cũng công bố kết quả kinh doanh quý IV lỗ gần 87 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2008, lợi nhuận của DPM vẫn đạt hơn 1.379 tỷ đồng.
Trong quý IV, do sự biến động của thị trường phân bón mà đa số DN trong ngành này đều lỗ. Ngoài DPM, hai DN niêm yết khác CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và CTCP Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa sinh (HSI) cũng lỗ lần lượt là 52,76 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận quý IV âm gần 22 tỷ đồng, do giá tiêu thụ thép giảm đã kéo EPS cả năm của CTCP Kim khí TP. HCM (HMC) giảm hơn 1.000 đồng, xuống còn 2.049 đồng/cổ phiếu, giảm 15% so với năm 2007.
CTCP Cao su Thống nhất (TNC) cũng thông báo lỗ 11,089 tỷ đồng trong quý IV/2008, lợi nhuận lũy kế năm 2008 là 8,202 tỷ đồng, giảm 75,72% so với năm 2007.
Còn nhiều DN khác có kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV/2008 ở các mức độ khác nhau: CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) có lợi nhuận quý IV âm 8,18 tỷ đồng; CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) quý IV/2008 lỗ hơn 2 tỷ đồng, trong khi quý III đạt lợi nhuận 29,18 tỷ đồng; CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TMC) thông báo lỗ 966 triệu đồng trong quý IV/2008; CTCP Cảng Rau Quả (VGP) cũng lỗ 452 triệu đồng… Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này đều có mức lợi nhuận khá trong 3 quý đầu năm nên tổng kết năm 2008 vẫn đạt mức lợi nhuận dương.
… Và điểm sáng
Trong hoàn cảnh khó khăn chung, thị trường vẫn có thể hy vọng vào những điểm sáng. CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) vừa công bố lãi hơn 50 tỷ đồng trong quý IV/2008, tăng 125% so quý III. Nguyên nhân lợi nhuận quý IV tăng đột biến so với quý III là do sản lượng tiêu thụ của HT1 tăng 25%. Ngoài ra, Công ty đã tiết giảm được chi phí quản lý DN đến 22% so với quý III.
CTCP Lilama 10 (L10) công bố lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2008 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm đạt 22,85 tỷ đồng, tăng 60,35% so với năm 2007.
Lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2008 của CTCP Thuỷ sản số 1 (SJ1) đạt 3,376 tỷ đồng, tăng 110,88% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2008 đạt 13,338 tỷ đồng, tăng 128,95% so với năm 2007…
Nhiều DN khác như CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), CTCP XNK Khánh Hội (KHA), CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT), CTCP Nước giải khát Chương Dương (SCD), CTCP Thép Việt Ý (VIS), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII)… cũng đạt những con số lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2008 khá ấn tượng so với cùng kỳ năm 2007 và rất đáng ghi nhận trong hoàn cảnh khó khăn chung.
Nhìn vào bức tranh hoạt động của các công ty niêm yết trong năm qua có thể thấy, mặc dù rất nhiều đơn vị thua lỗ trong quý IV, nhưng tính chung cả năm 2008, các công ty này vẫn đạt được kết quả khả quan. Và dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng không phải không có những cơ hội đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Trong báo cáo mới nhất phân tích về TTCK Việt Nam với chủ đề: "Triển vọng trong năm 2009: Thời kỳ bùng nổ?", CTCK Thăng Long (TSC) đưa ra đánh giá khá lạc quan rằng, cổ phiếu tại thị trường Việt Nam hiện là món hời với tiềm năng
tăng trưởng tốt vào năm 2009, căn cứ vào hệ số P/E thấp. Báo cáo cho rằng, với hệ số P/E ở mức khá thấp so với trước đây, thì có thể một khi nhà đầu tư lại sẵn sàng chấp nhận rủi ro, Việt Nam - với giá trị cổ phiếu thấp, sẽ được hưởng lợi hơn ở bất kỳ thị trường nào. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội "mua thấp, bán cao", Việt Nam sẽ là một trong những thị trường có cơ hội tốt nhất thế giới trong năm 2009.
Thận trọng hơn, CTCK Bản Việt (VCSC) trong một báo cáo mới đây lại đưa ra chiến lược đầu tư trong năm 2009 với tiêu chí quan trọng là bảo toàn vốn. VCSC khẳng định, quý I/2009 sẽ là thời điểm thị trường tiếp tục biến động và điều chỉnh do các thông tin về kết quả kinh doanh năm 2008 được công bố dự kiến không có nhiều khả quan. Quý II/2009 sẽ là thời điểm tích luỹ của thị trường trong khi chờ đợi các chuyển biến của vĩ mô. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ có độ trễ nhất định, nên xu hướng ổn định của thị trường chỉ có thể bắt đầu từ quý III/2009, khi các dấu hiệu phục hồi được thể hiện rõ hơn.
Hơn bao giờ hết, nhà đầu tư lúc này cần nghiên cứu thật kỹ chỉ tiêu tài chính của các DN để nắm chắc thực trạng các công ty, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Đây chính là thời điểm để tích lũy những cổ phiếu tốt khi mà giá trị thực của nó đang cao hơn giá thị trường Việc này cũng sẽ giúp nhà đầu tư tránh được ảnh hưởng của tâm lý bầy đàn, bán tháo cả những cổ phiếu của các DN tốt, có khả năng phát triển lâu dài.