Lãi suất cho vay giảm mạnh

Hỗ trợ LS 4%/năm là khoản tiền "trời cho" dành cho DN vay vốn vào thời điểm hiện nay.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có hướng dẫn cụ thể việc triển khai hỗ trợ lãi suất 4%/năm, các NH đã bắt đầu triển khai thực hiện. Dự báo thị trường lãi suất cho vay sẽ ở mức khá thấp.  


NH lớn khởi động 

Hôm qua 5/2, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố chương trình triển khai cụ thể của mình. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: “BIDV sẽ tập huấn, quán triệt tại hơn 100 chi nhánh trên toàn quốc và tổ chức hội nghị khách hàng hướng dẫn phổ biến đăng ký vay hỗ trợ lãi suất (LS). Tất cả những công việc trên sẽ hoàn tất trong 5 ngày tới. Dự kiến doanh số cho vay thuộc khoản vay hỗ trợ LS khoảng 200.000 tỷ đồng”. Ông Đỗ Quang Vinh, Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp (DN) - NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nói: “Chúng tôi đã làm văn bản hướng dẫn chi nhánh, chậm nhất thứ hai tuần tới sẽ ban hành”.

 Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT NH Công thương Việt Nam cho hay: “60% khách hàng của chúng tôi là những DN nhỏ và vừa. Đây là những khách hàng thường xuyên, truyền thống nên không có gì phức tạp. Việc tổ chức cho vay vẫn theo quy chế tín dụng thông thường, chỉ khác nhau ở chỗ trước đây khách hàng phải trả 100% lãi, giờ chỉ phải trả 60%; còn 40% được bù LS. Đến kỳ trả lãi, thông thường hằng tháng, hằng quý ngân hàng mới thu lãi một lần. Khách hàng chỉ phải trả 60% lãi, còn 40% khách hàng làm giấy xác nhận với ngân hàng cùng kèm theo khế ước vay vốn và bảng kê. NH sẽ chuyển hồ sơ về NHNN thanh toán tiền hỗ trợ LS".

 Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết: “Mới làm thì cũng chưa thấy vướng mắc, theo tôi không có vấn đề gì cả. Nếu đúng đối tượng cho vay thì xét cho vay, đã cho vay rồi thì đúng đối tượng sẽ được bù LS, còn không đúng thì thôi. Hiểu một cách đơn giản, theo quy định DN phải đủ điều kiện mới được vay vốn, chứ không phải vì có chương trình hỗ trợ này NH mới cho vay”. Vietcombank cũng dự kiến doanh số cho vay khoảng 50.000 - 70.000 tỷ đồng đối với các khoản vay mới thuộc diện được hỗ trợ LS vay cho DN.

 Để vốn vay đến được đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích là vấn đề được các NH quan tâm và tính đến. Theo ông Đỗ Quang Vinh, Trưởng ban Tín dụng DN Agribank: “Việc này chúng tôi đã lường trước. Nếu không quản lý chặt chẽ có thể xảy ra một số trường hợp, khách hàng vay ở ngoài, đảo nợ cũ để được vay LS thấp hỗ trợ. Tới đây Agribank sẽ có giải pháp kiểm tra thường xuyên, chỉ đạo và xử lý kịp thời. Đặc biệt, giám sát chặt chứng từ giải ngân. Cán bộ cho vay sai quy định sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Còn ông Trần Bắc Hà bình luận: “Đây là khoản tiền “trời cho” hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nếu không chặt chẽ dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực ngay trong cán bộ NH, đối tượng thụ hưởng. BIDV đã hoàn tất chương trình theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hệ thống cho vay vốn. BIDV sẽ lập đường dây nóng tại hội sở chính. Giám đốc chi nhánh sẽ phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và pháp luật đối với các trường hợp hỗ trợ LS không đúng với quy định”.

 Ông Nguyễn Phước Thanh dự báo, không ngoại trừ khả năng NH bị các khách hàng khiếu nại gây khó dễ không cho vay. “Trong trường hợp này không cho vay ở đây được hiểu theo nghĩa khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, chứ không phải NH từ chối hỗ trợ LS vì NH có mất mát gì đâu mà phải từ chối. Ngược lại LS thấp, NH sẽ có thêm nhiều khách hàng”, ông Thanh nói.

 ACB gây “sốc”

 Sáng 5.2, NH TMCP Á Châu (ACB) chính thức công bố chương trình “Cho vay kích cầu” với tổng trị giá 35.000 tỷ đồng dành cho các tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh trong năm 2009. ACB công bố mức LS cho vay khá “sốc”. LS cho vay tiền đồng (sau khi được hỗ trợ LS) đặc biệt đối với DN xuất khẩu thấp nhất là 1,2%/năm đối với cho vay đảm bảo bằng khoản phải thu từ bộ chứng từ hàng xuất khẩu đặc biệt. Còn tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng có mức LS cho vay đặc biệt thấp nhất là 2%/năm. Chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất khẩu hoặc cho vay đảm bảo bằng khoản phải thu từ bộ chứng từ thấp nhất là 4%/năm, tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng thấp nhất 5%/năm, cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh thấp nhất là 5,5%/năm. Riêng cá nhân vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh mức lãi suất thấp nhất là 6%/năm. Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ACB cho hay ACB sẽ tư vấn cho khách hàng trình tự thủ tục cần thiết để được áp dụng hỗ trợ LS ngay từ đầu và không bỏ lỡ cơ hội được hỗ trợ LS.

 Ông Nguyễn Đức Hưởng - Tổng giám đốc NH TMCP Liên Việt (LienVietBank) cho hay các DN hiện nay mới hỏi thăm vay nhưng chưa nhiều. LienVietBank hiện đang áp dụng mức LS ưu đãi là 8,5%/năm, nếu DN được hỗ trợ LS thì mức LS cho vay chỉ còn 4,5%/năm. Trong quý 4/2008, LienVietBank đã công bố dành 4.000 tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ vay vốn. Hiện nay LienVietBank đã cho vay được 1.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2009, dư nợ tín dụng của LienVietBank sẽ tăng thêm từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng.

 Với chương trình hỗ trợ LS 4%/năm, các DN đang vay hiện nay thuộc đối tượng được hỗ trợ LS sẽ có xu hướng trả nợ trước hạn và vay mới. ACB chấp nhận cho các DN trả nợ trước hạn và vay theo chương trình hỗ trợ LS khi họ thuộc đối tượng được hỗ trợ mà không bị phạt gì. Đây không phải là hình thức đảo nợ vì các DN vay vốn lưu động có 2 sự lựa chọn là trả sớm hay tiếp tục để lại quay đồng vốn. Theo NH TMCP phát triển nhà TP.HCM (HDBank), trường hợp DN có tiền trả trước hạn thì ngân hàng cũng chia sẻ để DN tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Đây cũng là dịp HDBank đẩy mạnh cho vay, tăng trưởng tín dụng và tìm khách hàng mới. Ông Nguyễn Đức Hưởng nhận xét DN có nguồn trả và vay lại nguồn vốn rẻ hơn cũng tốt. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là thị trường tiêu thụ, đầu ra của DN như thế nào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây