Chưa đảm bảo tỉ lệ an toàn
Nguyên nhân chính gây diễn biến lãi suất phức tạp trên TTTT trong 3 tháng đầu năm 2008 được chỉ ra là do nhiều NH chưa chấp hành đúng các tỉ lệ an toàn trong hoạt động, sử dụng vốn vay trên thị trường liên NH với kỳ hạn ngắn để cho vay khách hàng, gặp rủi ro kỳ hạn khi thiếu hụt vốn khả dụng không thu hồi được nợ để bù đắp. Trong dư nợ tín dụng của một số NH có trên 50% là sử dụng vốn vay từ liên NH. Khi thiếu vốn khả dụng, các NH này phải chấp nhận vay với mức lãi suất cực cao để có vốn, hành động này "châm ngòi" cho cuộc đua tăng lãi suất lan rộng toàn hệ thống.
Một nguyên nhân nữa là các NHTMCP không chú ý đúng mức đến việc chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng lành mạnh hóa bảng tổng kết tài sản bằng cách tăng tỉ trọng đầu tư vào các giấy tờ có giá do NHNN, Chính phủ phát hành-là những tài sản có độ rủi ro thấp và khi cần thiết có thể giao dịch trên thị trường mở (TTM) để tìm nguồn vốn hỗ trợ thanh khoản.
Diễn biến lãi suất trái chiều, nhiều khi không thuận chiều cả với cung-cầu vốn cũng thể hiện thái độ và khả năng liên kết hệ thống của các NHTM VN để hỗ trợ nhau đảm bảo an toàn thanh toán còn yếu.
Một lãnh đạo cấp vụ (NHNN) nhận xét: "Một số NHTM đã có những hành động phá vỡ mối liên kết hệ thống để chạy theo những lợi ích trước mắt bằng những khoản cho vay liên NH với lãi suất quá cao và tranh giành khách hàng với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh".
Trong những thời điểm gay go nhất của cuộc đua lãi suất cuối tháng 2, đáp lại lời kêu gọi cho vay hỗ trợ lẫn nhau của GĐ một chi nhánh NHNN TP, một vài TGĐ của các NHTMCP (có khả năng cho vay) nói họ không thể làm như vậy vì phải giữ NH mình "nếu có phá sản là người phá sản cuối cùng".
Thái độ này nếu đứng về góc độ người điều hành một NHTM thì cũng khó có thể trách được, điều đáng phê phán ở đây là nhiều NH, trong đó có các NHTM NN lợi dụng lúc các NH khác khó khăn để cạnh tranh không lành mạnh, "ép giá" các NH khác mức lãi suất rất cao. Ngay cả thời gian gần đây, khi lãi suất cho vay LNH của các NHTMCP tuy có tăng nhưng nhìn chung khá hợp lý, nhưng chính một số NHTM NN lãi đưa ra các mức lãi suất cho vay quá cao.
Lãi suất ổn định trong ngắn hạn
Tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) về thỏa thuận giảm trần lãi suất huy động, một số lãnh đạo NH cho rằng trong hành động đua tăng lãi suất tín dụng và lãi suất thị trường LNH đợt tháng 2 có yếu tố tâm lý.
Nhiều NH thời điểm đó vốn còn dư thừa, tuy không muốn tăng lãi suất huy động nhưng vẫn phải tăng vì tâm lý sợ bị rút tiền gửi. Có NH thừa vốn nhưng "thủ thế" không dám cho vay các NH khác, hoặc nếu có cho vay cũng đưa ra mức lãi suất thật cao để phòng rủi ro.
Cũng thời điểm đó, có NH mặc dù đã thừa vốn khả dụng gửi tại NHNN đến hàng trăm tỉ đồng không được hưởng lãi vẫn phải tăng lãi suất để hút thêm tiền gửi vì sợ hệ thống mất khả năng thanh khoản...
Yếu tố tâm lý trong lãi suất cũng là một thước đo niềm tin của các NHTM vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ, hiệu lực, hiệu quả điều hành CSTT của NHNN.
Đầu tháng 4 này, NHNN đã công bố vẫn giữ ổn định các mức lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất chiết khấu tương ứng là 8,75%; 7,5% và 6%/năm. Lãi suất nghiệp vụ TTM cũng đang ở mức 9%/năm.
Sau hơn 1 tuần lãi suất thị trường LNH có xu hướng tăng khá mạnh thì 2 ngày gần đây đã có dấu hiệu giảm nhẹ, đứng ở mức 9%-14%/năm cho các khoản vay kỳ hạn 1 tuần. Cân đối cung-cầu vốn VND của hầu hết các NH đã tương đối ổn định.
Dự báo trong ngắn hạn, lãi suất TTTT sẽ dần ổn định, là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK. Tuy nhiên 2 quý cuối năm, lãi suất có ở mức hợp lý hay không còn tùy thuộc nhiều vào hiệu quả chính sách điều hành và quản lý vĩ mô của Chính phủ, của NHNN.
Đặc biệt, nhiều NH nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của NHNN trong việc điều hành nghiệp vụ TTM và kiểm tra các NHTMNN trong việc thực hiện mức lãi suất cho vay hỗ trợ vốn cho các NH khác.