Làm ngơ với thực tế?

Một vài NHTM đang lâm vào cảnh căng thẳng vốn khả dụng

Nhận xét về sự "níu kéo" này, một số ý kiến đã nghi ngờ về động cơ của một số NH đã ra sức bảo vệ quan điểm giữ nguyên mức trần lãi suất huy động 11%. Có người nói: "Vài NH lớn không muốn tăng lãi suất vì sợ các NH nhỏ tăng lãi suất lên cao hút được nhiều vốn, giảm vay của họ, còn vài NH nhỏ lại là những NH đang phải vay nhiều trên thị trường liên NH, nếu lãi suất huy động từ tổ chức và dân cư tăng lên thì lãi suất họ phải vay từ các NH khác cũng tăng theo nên họ sợ".

Nhiều lãnh đạo chi nhánh NH khi nghe tin về ý định giữ nguyên mức trần lãi suất huy động 11%/năm của VNBA đều kêu lên: "Làm sao thực hiện được?". TGĐ một NHTM lớn nói: "Phi thị trường. Vô lý!".

Mặc dù đạt được sự đồng thuận giữ nguyên mức lãi suất 11%/năm của các hội viên khu vực phía bắc chủ yếu nhờ tiếng nói của hai NHTMNN, nhưng ngày 25.4, VNBA không được sự tán thành của đa số hội viên khu vực phía nam. 8/11 hội viên VNBA phía nam muốn tăng trần lãi suất, trong khi đó chỉ có 3 muốn giữ nguyên.

Phản ứng của thị trường

Cuối tháng 3 vừa rồi, một số NH đề xuất giảm trần lãi suất huy động từ mức 12%/năm đang áp dụng theo công điện 02 của NHNN xuống 11%/năm. Dù không trong phương án chuẩn bị, nhưng VNBA đã nhanh chóng chấp nhận ý kiến này và thúc đẩy sự đồng thuận của hội viên phía nam mà chưa có điều tra, cân nhắc kỹ tình hình cung-cầu vốn.

Chính vì vậy, ngay ngày đầu tiên VNBA thực hiện đồng thuận giảm lãi suất trần, thị trường tiền tệ liên NH đã lập tức có phản ứng. Nhu cầu vay và mức lãi suất tăng khá  mạnh, lãi suất tăng hơn 2%-3% so với mấy ngày trước (từ 9%-11%/năm lên 13%-14%/năm đối với kỳ hạn ngày, tuần).

Lãi suất đồng thuận chỉ được các NH  tạm giữ  tuần đầu tháng 4, ngay tuần thứ 2 của tháng, một số NH đã "phá rào" thông báo tăng lãi suất và tình trạng thỏa thuận ngầm trả lãi suất cao hơn cho khách hàng đã diễn ra phổ biến ở hầu hết các NH. Tiền gửi dân cư tăng rất chậm, tiền gửi tổ chức sụt giảm.

Một số NHTMCP quy mô nhỏ và vài ba NHTMNN lâm vào tình trạng rất căng thẳng về vốn khả dụng. Có thông tin nhiều chi nhánh của một NHTMNN có thị phần lớn nhất hệ thống đã phải tạm ngừng cho vay đối với khách hàng (trừ khách hàng cũ) hơn 3 tuần nay vì thiếu vốn.

Những tưởng lãnh đạo VNBA đã phải hiểu rõ thực tế này để đưa ra những phương án đồng thuận hợp lý hơn cho 2 cuộc họp cuối tháng 4. Nhưng không hiểu vì lý do gì họ vẫn muốn hướng các hội viên giữ nguyên trần lãi suất 11%/năm. Sau cuộc họp ngày 22.4 của VNBA ở phía bắc, ngay lập tức, một lần nữa thị trường tiền tệ lại có phản ứng ngược.

Ngày 23.4, nhu cầu và lãi suất trên thị trường tiền tệ LNH lại tăng lên một mức mới, phổ biến ở mức từ 18%-22%/năm. Đến ngày 25.4, nhân viên một NHTMCP cho biết NH họ đã phải vay NH khác với mức lãi suất lên tới 27%/năm và theo như họ biết vài NH khác cũng phải vay trên thị trường liên NH với mức lãi suất như vậy. Các điểm giao dịch của các NH rất vắng người gửi tiền.

Lãi suất không công khai, minh bạch

Đồng thuận giữ mức trần lãi suất 11% của VNBA và tác động kiểm tra, nhắc nhở của NHNN đã khiến cho lãi suất NH vốn đáng lẽ ra phải công khai, minh bạch với tất cả những người gửi tiền thì nay trở nên mập mờ, bất ổn. Người gửi tiền bức xúc vì nay NH thông báo tăng, ngay hôm sau đã thông báo ngừng. Bên cạnh đó không có sự đối xử công bằng với những người gửi tiền.

Đang có dư luận là chỉ những người ít tiền, không có thông tin về nội tình tiền gửi NH là chịu thiệt khi chỉ được trả lãi suất tối đa 11%/năm như thông báo công khai. Còn những người nhiều tiền (khoảng 500 triệu đồng trở lên) thì thỏa thuận được những mức cao hơn đến 13%-14%/năm.

Nhiều NH phải "đau đầu" nghĩ ra các sản phẩm tiết kiệm, tiền gửi tổ chức rất phức tạp, rối rắm với những tên như: Bậc thang, bước nhảy, linh hoạt v.v... để ‘lách" trần lãi suất. Thông tin về những sản phẩm tiền gửi này thường được copy thành các bản nhỏ để nhân viên NH nhét trực tiếp vào tay khách hàng. Đây là một tình trạng khó có thể chấp nhận được trong một nền kinh tế thị trường.

Phải đồng thuận ở mức hợp lý hơn

Trong một bối cảnh mà lãi suất chưa thể để tự phát tăng theo nhu cầu của từng NH  thì việc VNBA có sự đồng thuận mang tính chất hội nghề nghiệp cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, sự đồng thuận này chỉ hợp lý và khả thi nếu dựa trên thực tiễn tiền gửi của các NH và tình hình cung - cầu vốn của thị trường tiền tệ. Hơn nữa, việc đồng thuận đó phải tính đến lợi ích của người gửi tiền.

Quan điểm chia sẻ khó khăn của lạm phát giữa những người tham gia thị trường là đúng, nhưng có vẻ như VNBA đã quá đà khi mải nhấn mạnh sự chia sẻ mà ngày càng làm ngơ với lợi ích của người gửi tiền.

Ngay tại cuộc họp ngày 25.4 tại TPHCM, một số NH cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng 11,6% so với tháng 12.2007, nếu VNBA còn  giữ trần lãi suất tiền gửi 11%/năm thì người gửi tiền và dư luận xã hội khó chấp nhận được.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, phương án hợp lý hơn cả trong thời gian này là VNBA nên đồng thuận trần lãi suất tiền gửi VND ở mức 12%/năm và lãi suất tiền gửi USD ở mức từ 6% đến 7%/năm.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng nếu có đồng thuận tăng lãi suất tiền gửi lên 12%/năm thì mức lãi suất này cũng nên để trong một thời gian thăm dò phản ứng thị trường, nếu chỉ số giá cả giảm, các NH cân đối được vốn hoặc ngược lại thì VNBA nên bàn bạc và đồng thuận lại mức trần lãi suất cho phù hợp với lợi ích của hội viên, nhưng cũng phải phù hợp với lợi ích của người gửi tiền.

Trường Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây