Ai hưởng lợi do độc quyền?

Một giá, một chợ

Việc TKV được độc quyền mua và bán than khai thác từ các mỏ, kể cả nguồn than các DN khai thác tận thu là có thật. Nhưng cách "vận dụng" biện pháp độc quyền này trong việc hoạt động kinh doanh mua và bán than của lãnh đạo TKV đang làm thiệt hại cho các DN khai thác, gây bức xúc trong ngành than.

Điển hình của vấn đề nêu trên là việc độc quyền giá mua và độc quyền giá bán đang áp đặt các DN khai thác than. Để chuẩn bị cho giá than mua vào trong năm 2008, ngày 31.12.2007, HĐQT TKV đã ban hành quyết định 3287/QĐ-KHZ quy định việc giá bán than nội bộ. Nếu so giá than mà TKV mua vào và bán ra cho các hộ tiêu thụ thì độ chênh lệch là rất lớn. Cụ thể, các DN ngành than ở Hòn Gai, Cẩm Phả chỉ được bán cho TKV than cục 5a với giá từ 907.000 - 1.242.000đ/tấn (chưa có VAT), nhưng mặt hàng này đuợc TKV bán ra cho khách tiêu thụ thời điểm đó với giá 2.190.000đ.

Theo phản ánh của các DN, dù sao mức giá đó vẫn còn chấp nhận được. Nhưng những ngày vừa qua, khi TKV tăng giá bán than lên một mức giá mới theo quyết định 646/QĐ/TTN-KH-KTT ngày 18.3 giá than cung cấp cho thị trường đã tăng vọt (trừ các hộ điện, ximăng, giấy, phân bón).

Cụ thể, cùng loại than cục 5a TKV bán cho khách hàng với giá 3.050.000đ, nhưng họ vẫn chỉ mua của DN khai thác với mức giá như cũ. Thực tế cho đến thời điểm này, chưa có DN nào của TKV được tính lại quyết toán giá than bán cho TKV.

Phản ánh với PV Báo Lao Động, nhiều DN bức xúc: "Than sản xuất ra chỉ bán được cho TKV vẫn giá như thế thì lương thợ mỏ không thể tăng được, trong khi giá cả thị trường tăng cao trong đó có cả nguyên nhân từ việc than tăng giá - Vậy thì người lao động ngành than đâu có được hưởng lợi gì từ việc than tăng giá mà còn chịu thiệt từ việc này".

Việc độc quyền mua đã ép giá sản phẩm than xuống quá thấp, nhưng các DN than cho biết: "Chúng tôi còn sợ các "ông kẹ" KCS (nghiệm thu) hơn. Họ cũng là người của tập đoàn nên chất lượng, số lượng sản phẩm than sẽ do những người này quyết định. DN khai thác chỉ được kiến nghị chứ không được kêu, điều này cũng đang gây thất thoát rất lớn trong ngành than".

Tù mù để hưởng lợi

Trong những ngày chúng tôi tìm hiểu về hoạt động kinh doanh than lậu trên vùng biển Đông Bắc, giới kinh doanh than cho biết: "Dù là than lậu, nhưng vẫn còn có mồ hôi xương máu của người lao động đổ vào mới có. Sao báo chí không nói về những người đang cố tình không đưa việc kinh doanh, xuất khẩu than ra công khai minh bạch để trục lợi?".

Chứng minh cho điều này, giới buôn than cho biết, ngay đầu năm 2008, TKV đưa ra giá bán than cục 5 với giá 210 USD/tấn. Khi đó Ban XK của TKV đã đề xuất nhận tiêu thụ mặt hàng này với giá 240 USD/tấn. Thấy vậy, Cty cổ phần XNK TKV đã vội nâng giá lên 260 USD/tấn, và mặt hàng này đã được tiêu thụ với giá 310 USD/tấn.

Kể cho chúng tôi nghe chuyện bất cập về giá mua than của TKV, nhiều thương nhân cho biết: "Than AK40, AK43, AK 45 tập đoàn TKV giao FOB với giá 41 USD/tấn, nhưng cũng ngay tại những khu vực cảng than ở Cẩm Phả, Hạ Long, các thương nhân Trung Quốc phải mua với giá 48 USD/tấn, nhưng những thương gia này không thể nào mua được trực tiếp than của TKV. Với lượng than XK 20 triệu tấn và mỗi tấn chênh lệch như mức vừa nêu, đã có cả hơn trăm triệu USD thất thoát.

Cũng theo các thương gia kinh doanh than, giá như TKV bán than XK mà tổ chức đấu giá công khai, các thương nhân sẽ mua được than dễ dàng hơn. Khi đó, giá trị hòn than sẽ được nâng lên đúng nhu cầu và giá trị. Hơn nữa, việc bán đấu giá công khai chắc chắn sẽ ngăn chặn được tiêu cực trong kinh doanh than, mang lại thêm vài nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước chứ không thất thoát như kiểu XK "tù mù" vừa qua.

Nhóm PV Kinh tế
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây