![]() |
Một khu biệt thự mới xây ở quận 2 |
Ai sẽ bị tác động?
Đối tượng bị tác động mạnh nhất, theo ý kiến của một số nhà doanh nghiệp tại cuộc đối thoại, giữa lãnh đạo TPHCM và Hiệp hội Bất động sản thành phố cuối tuần trước là người có thu nhập thấp. Ông Nguyễn Phụng Thiều, Giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn - Gia Định, cho biết đang chuẩn bị khởi công xây thêm 1.000 căn hộ để bán cho người thu nhập thấp ở Thới An, nhưng gần đây ngân hàng không bảo lãnh cho người mua được vay tiền nữa, nên ông đang lo lắng và không biết có nên tiếp tục hay không. Ông Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Thanh Bình, cũng cho rằng, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho người nghèo, nhưng ngân hàng lại không cho vay thì người nghèo lấy tiền đâu ra để mua?
Yếu tố làm cho thị trường nhà, đất lên cơn sốt trong hơn nửa năm qua phần lớn là hoạt động mua bán của những người có thu nhập cao. Trong đó, nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi hoặc rút từ thị trường chứng khoán để đầu tư vào nhà đất, với hy vọng sẽ kiếm được khoản lợi nhuận lớn. Đối với nhóm này, việc ngân hàng có cho vay hay không ít ảnh hưởng đến họ. Nhưng với những người đầu tư, bao gồm cả các doanh nghiệp, bằng nguồn vốn vay, thì đây quả là cơn ác mộng. Nếu xảy ra tình trạng bán tháo nhà, đất để lấy tiền thanh toán cho ngân hàng, thì tình trạng đóng băng rất có thể sẽ xảy ra. Khi ấy, không chỉ những người vay và cho vay bị thiệt hại, mà cả nền kinh tế cũng bị vạ lây. Đây cũng là điều các công ty kinh doanh địa ốc lo lắng nhất. Vì chính sách siết chặt tín dụng với ngành địa ốc tuy ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của họ, nhưng việc tìm kiếm nguồn khác để đầu tư không khó. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đổ số tiền lớn vào bất động sản ở Việt Nam, chỉ riêng năm ngoái số dự án đầu tư vào ngành này đã lên đến 5 tỉ đô la Mỹ. Nhưng khi thị trường đóng băng, giá cả sụt giảm, không ít công ty sẽ điêu đứng.
Cũng cần phải siết lại
Theo tin từ các công ty môi giới, thị trường bất động sản trong hơn một tuần qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt. "Mấy ngày qua, người bán đã nhiều hơn người mua", ông Lâm Văn Chúc, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Đức, nói. Sự đảo chiều thị trường này xuất phát từ yếu tố tâm lý lo sợ Nhà nước sẽ đánh thuế lũy tiến lên nhà, đất của người sở hữu nhiều hơn là tác động từ chính sách siết tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đến nay khoảng 116.000 tỉ đồng. Đó là số tiền lớn. Với chiều hướng tốc độ cho vay vào ngành này tăng mạnh từ giữa năm ngoái đến nay, cộng với tình trạng giá cả bị đẩy lên đến mức mà nhiều chuyên gia kinh tế cho là "bong bóng", thì việc Chính phủ siết chặt tín dụng đối với bất động sản là phù hợp. Vì nếu không hành động sớm, thì rất có thể quả bong bóng bất động sản sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, như đã xảy ra ở Thái Lan hồi cuối năm 1997.
Không phải nhu cầu nào cũng ảo
Chính sách hạn chế cho vay khiến người nghèo không vay được tiền để mua nhà. Trước mắt, họ có thể là nhóm bị thiệt hại. Nhưng về lâu dài, nếu Chính phủ thành công trong việc đưa nhà, đất trở lại với giá trị thực của nó, thì người nghèo sẽ có nhiều cơ hội hơn. Ở tầm vĩ mô, tạo lập được mặt bằng giá đất hợp lý còn giúp cho các ngành công nghiệp, dịch vụ giảm chi phí đầu tư, qua đó giảm giá thành sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định. Lẽ đương nhiên, để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giúp tăng nguồn cung cho thị trường, giảm đầu cơ. Nếu thị trường vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu như hiện nay, thì việc hạn chế cho vay cũng vô tác dụng.
Ngoài ra, chính sách siết chặt tín dụng cũng chỉ nên áp dụng trong một số lĩnh vực mà ở đó thị trường đang diễn biến bất thường. Vừa qua, không ít cán bộ quản lý nhà nước cho rằng nhu cầu trên thị trường bất động sản là nhu cầu ảo, giá tăng là do đầu cơ, nên cần phải siết lại. Tuy nhiên, không phải nhu cầu nào cũng là ảo. Tình trạng khan hiếm văn phòng cho thuê và phòng khách sạn cao cấp tại TPHCM, Hà Nội đang đẩy giá dịch vụ này lên cao ngất. Nếu ngân hàng không cho các dự án xây văn phòng và khách sạn vay, thì hậu quả sẽ thật là lớn.
Ngay cả nhu cầu về nhà và đất ở nói chung cũng chưa hẳn đã ảo. Giá cả tăng vọt trong những tháng qua, về cơ bản vẫn là do cung không đủ cầu nên dẫn đến tình trạng đầu cơ. Ở TPHCM, số chung cư xây thêm hàng năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên giá cả bị đẩy lên là khó tránh khỏi. Việc siết chặt tín dụng, nếu được thực hiện một cách máy móc, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng nguồn cung nhà, đất và rất có thể chính sách này sẽ gây ra tác động ngược, khiến cho nhà, đất đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn và giá thì tiếp tục lên cao.