Một sự cảnh báo cần thiết

Đóng tàu vận tải thủy tại một công ty thuộc Vinashin - Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những đóng góp to lớn, trong "dòng chảy của vốn" thời kinh tế thị trường và mở cửa, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua đã phân tán nguồn lực vào các lĩnh vực "nóng" cần được cảnh báo kịp thời.

15.063 tỉ đồng đổ vào lĩnh vực “nóng”

Theo công bố của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào những lĩnh vực "nóng" (như đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng) tính đến cuối năm 2007 lên tới 15.063 tỉ đồng. Lĩnh vực ngân hàng đã thu hút 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào đây với tổng giá trị là 4.965 tỉ đồng. Lĩnh vực chứng khoán đã thu hút 9 tập đoàn, tổng công ty với tổng giá trị đầu tư 316 tỉ đồng. Lĩnh vực quỹ đầu tư đã thu hút 10 tập đoàn, tổng công ty với tổng giá trị đầu tư 933 tỉ đồng. Lĩnh vực tài chính, bảo hiểm đã thu hút 12 doanh nghiệp với tổng giá trị 6.518 tỉ đồng. Lĩnh vực bất động sản đã thu hút 13 tập đoàn, tổng công ty với tổng giá trị 2.331 tỉ đồng.

Chính việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh nói chung và sự phân tán nguồn lực vào các lĩnh vực nóng như trên đã làm tăng số doanh nghiệp thành viên là các công ty con và các công ty liên kết, liên doanh. Năm 2007 so với năm 2006 số lượng công ty con đã tăng thêm 68 (10%), số lượng công ty liên kết, liên doanh tăng thêm 184 (39%); riêng Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã tăng thêm 43 công ty con và 111 công ty liên kết, liên doanh, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tăng 21 công ty con,...

Theo thống kê của Bộ Tài chính, số vốn đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty lên đến gần 117 nghìn tỉ đồng, trong đó có 28/70 tổng công ty đã tham gia góp vốn thành lập công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm và bất động sản với giá trị vốn lên đến 23.344 tỉ đồng, chiếm 8,7% vốn chủ sở hữu. Có một số tập đoàn, tổng công ty còn có tỷ trọng đầu tư ra bên ngoài so với tổng tài sản còn cao hơn, như Vinashin; Tổng công ty đường sông Việt Nam, Sabeco, Tổng công ty Thuốc lá,...

Lợi nhuận cao, nhưng...

Đành rằng, việc đầu tư vào các lĩnh vực "nóng" ở một số tập đoàn, tổng công ty có thời gian đã mang lại lợi nhuận chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng lại chứa đựng những vấn đề cần được cảnh báo.

Trước hết, đây là sự phân tán nguồn lực, một sự đầu tư dàn trải làm cho các tập đoàn, tổng công ty không đủ nguồn lực để tập trung vào lĩnh vực chuyên môn chính của mình. Đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng thì quốc tế cũng chưa có tiền lệ các tập đoàn lập ngân hàng riêng của mình, bởi lĩnh vực này có tính chuyên môn đặc thù, lại liên quan đến việc huy động vốn trên thị trường.

Một vấn đề khác là đầu tư vào lĩnh vực "nóng" sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, kể cả việc mang vốn chủ sở hữu đầu tư, nếu đi vay mà đầu tư thì trong nhiều trường hợp sẽ bị lỗ "kép" (vừa lỗ ở lĩnh vực kinh doanh nóng khi thị trường đảo chiều, vừa lỗ do phải trả lãi vay).

Vì vậy, một mặt cần chấn chỉnh tình trạng đầu tư tràn lan, phân tán nguồn lực như trên bằng các quy định chặt chẽ (không chỉ ở việc khống chế tỷ lệ nào đó); mặt khác cần cấm các công ty nhà nước không được góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán,...; mặt khác nữa cần xem xét lại chủ trương về việc thành lập ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán trong các tập đoàn kinh tế

Đào Ngọc Lâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây