![]() |
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ giảm hai tháng liên tiếp. |
Theo Tổng cục Hải quan, nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam - Hoa Kỳ - chỉ còn chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 3 giảm khá mạnh cả về khối lượng (-13,5%) và giá trị (-15%), chỉ đạt gần 15.900 tấn, trị giá 112,6 triệu USD. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng âm.
Trong cơ cấu thuỷ sản xuất khẩu sang Mỹ, tôm đang là mặt hàng chủ lực. Lý giải nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng âm này, lãnh đạo một DN thuỷ sản Việt Nam cho rằng, từ giữa năm 2007 đến nay, nền kinh tế Mỹ có những diễn biến sa sút, có nguy cơ đứng bên bờ suy thoái. Do vậy, người dân Hoa Kỳ lo ngại trước các diễn biến xấu và hạn chế sức mua, trong khi đó hải sản, nhất là tôm, vốn được coi là những mặt hàng cao cấp càng bị ảnh hưởng rõ ràng hơn.
Hơn nữa, tôm thẻ chân trắng đang chiếm lĩnh thị trường - đặc biệt khi đối tượng này được nuôi rộng rãi ở cả Trung Mỹ và châu Á, có giá thành rẻ hơn tôm sú và kích cỡ tôm đã được cải thiện rất nhiều, đáp ứng tốt tại thị trường Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Hơn một năm qua, đồng đôla Mỹ liên tục mất giá, cộng với tình trạng đồng VN đã có những thời điểm rơi vào tình trạng khan hiếm khiến việc chuyển đổi tỷ giá gây khó khăn cho cả các nhà chế biến xuất khẩu và người dân nuôi tôm.
Ngoài ra, một nguyên nhân có tác động khá trực tiếp là sản lượng tôm nguyên liệu trong nước không tăng. Tình hình nuôi tôm phát triển không đồng đều, chất lượng con giống chưa đảm bảo và chưa được kiểm dịch đầy đủ.
Người dân nuôi tôm phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao (>1,5%), thậm chí nếu vay ở ngoài có lúc lên tới 3-5%/tháng. Hiện ở ĐBSCL đã được phép nuôi tôm chân trắng, song, cái khó lớn nhất là con giống không đảm bảo. Nhiều địa phương nhập giống từ Trung Quốc mà không được kiểm dịch. Tôm đến mùa thu hoạch phần lớn là cỡ nhỏ nên hiệu quả không cao.
Một nguyên nhân khác cũng rất đáng chú ý là dự báo về triển vọng ngành tôm không được tốt lắm do giá tôm trên một số thị trường quốc tế không được cải thiện. Điều này không khuyến khích tích cực cho người nuôi tôm tiếp tục đầu tư và phát triển nuôi, trong khi mọi chi phí giá thành lại tiếp tục tăng cao. Đã có một số ít diện tích nuôi tôm được chuyển đổi sang hình thức canh tác khác hiệu quả hơn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong quý I/2008 đạt trên 797 triệu USD, tăng gần 13% và khối lượng xuất đạt 221.700 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt trên 213 triệu USD, chiếm 26,7% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, có mức tăng trưởng 21,5%. Điểm đáng chú ý là mặt hàng tôm đã có tốc độ tăng trưởng khá mạnh tại thị trường này với trên 39%, trong đó thị trường Anh đạt mức tăng nhảy vọt trên 226%.
Thị trường Nhật Bản xếp thứ hai, đạt 138,6 triệu USD, chiếm 17,4%. Đây là tháng thứ 3 liên tục từ đầu năm đến nay nhập khẩu của thị trường Nhật Bản tiến triển thuận lợi.