Trong cuộc bình chọn những kỷ lục tệ hại của kinh tế thế giới trong năm 2008, Henry Paulson giành "giải thưởng" năng lực điều hành tệ nhất. CEO lừng danh một thủa ở phố Wall cũng được nhắc đến với nhiều phát biểu ấn tượng, nhưng sau đó trở thành câu nói hớ.
Đầu năm 2008, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Bernanke là người phải chịu búa rìu dư luận vì những đợt giảm lãi suất liên tiếp, nhưng sang nửa sau của năm, trách nhiệm nặng nề giải cứu kinh tế Mỹ được dồn lên một cựu lãnh đạo của phố Wall, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson.
Ông Henry Paulson là động lực đằng sau mọi kế hoạch tài chính của chính quyền Tổng thống Bush, từ kế hoạch 168 tỷ USD hồi đầu năm đến 700 tỷ USD. Vị trưởng tài chính xuất thân từ phố Wall được đánh giá sẽ rời nhiệm sở hoặc với tư cách người đã cứu nước Mỹ khỏi cơn suy thoái, hoặc là người đã đi sai đường để cứu vãn cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ những năm 1930 trở lại đây.
Vị bộ trưởng là người đi đầu trong các hoạt động giải cứu thị trường tài chính, với các biện pháp can thiệp chưa từng có trong lịch sử, mà ông cho rằng, nếu không hành động, sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Vào tháng 8, ông hối thúc việc tiếp quản Fannie Mae và Freddie Mac. Cùng với Chủ tịch FED Ben Bernanke, ông là người có tác động lớn nhằm đẩy nhanh quyết định chi 85 tỷ USD để tiếp quản AIG, tránh cho tập đoàn bảo hiểm này khỏi nguy cơ phá sản.
Ông cũng chính là kiến trúc sư của kế hoạch mua lại nợ xấu của các định chế tài chính do chính quyền của Tổng thống Bush khởi xướng, thực chất là quốc hữu hóa các khoản nợ này. Tuy nhiên, với quan điểm lãnh đạo được đánh giá là thực dụng, ông Paulson cứu các định chế một cách chọn lọc. Trong đó, quyết định gây nhiều tranh cãi nhất của Bộ Tài chính Mỹ là để cho Lehman Brothers sụp đổ, và gây nên một cú sốc trên thị trường tài chính thế giới.
![]() |
Tranh biếm họa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson của tạp chí The Economist. |
Trong cuộc bình chọn những kỷ lục tệ hại của kinh tế thế giới trong năm 2008, The Economist đã dành cho Paulson "giải thưởng" năng lực điều hành tệ nhất năm. Tạp chí danh tiếng này cho rằng, ông Paulson đã sai lầm khi không làm gì để cứu Lehman Brothers khỏi nguy cơ phá sản, khiến sự đổ vỡ của định chế tài chính 158 năm tuổi gây ra một cú sốc. Sau đó, ông Paulson cũng không làm được gì để kiểm soát tình hình và chỉ đứng nhìn phố Wall ngày càng xấu đi.
Ông Paulson cũng được nhắc đến với nhiều phát biểu ấn tượng, nhưng sau đó trở thành những câu nói hớ. Vào tháng 8/2007, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định, khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn vẫn được kiểm soát tốt nhờ việc kinh tế thế giới đang ở đỉnh cao của hàng thập kỷ qua. Một năm sau, sau sự sụp đổ của ngân hàng Indymac vào tháng 7/2008, ông Paulson trấn an thị trường rằng "hệ thống ngân hàng vẫn an toàn và ưu việt. Các công cụ quản lý vẫn đi trước các diễn biến của thị trường. Tình hình hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát". Ngày 10/8, trong chương trình Đối thoại với báo giới của kênh NBC, ông Paulson tuyên bố không có ý định bơm tiền cho Fannie Mae hay Freddie Mac. Nhưng tròn một tháng sau, 2 định chế tài chính này được Chính phủ Mỹ bảo lãnh với 200 tỷ USD.
Thực tế, ngay từ khi khởi xướng kế hoạch giải cứu các định chế tài chính của Mỹ, ông Paulson đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ nước Mỹ, vì xung đột lợi ích mà các kế hoạch này có thể gây ra. Trước khi trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông từng là CEO của Goldman Sachs, một trong những tập đoàn được hưởng lợi từ các kế hoạch của Chính phủ Mỹ. Paulson không có quyền lợi trực tiếp nào từ Goldman Sachs, bởi khi trở thành Bộ trưởng Tài chính, ông đã bán đi toàn bộ cổ phần tại hãng này. Tuy nhiên, những người phản đối kế hoạch 700 tỷ USD cho rằng, Paulson vẫn là "người nhà" của phố Wall và vẫn là bằng hữu thân thiết với lãnh đạo của những định chế tài chính tại đây.
Với chiều cao hơn hẳn những người xung quanh, ông Paulson từng được đặt biệt danh "cây búa", vì khả năng làm việc không biết mệt mỏi. Ông không uống rượu, cũng không hút thuốc, và mỗi khi được nghỉ cuối tuần đều trở về nhà tại bang Illinois cùng người vợ quen từ thời đi học, hơn là chơi golf. Sinh năm 1946, Paulson gia nhập Goldman Sachs năm 1974 và đến năm 1998 trở thành CEO của tập đoàn này, rồi được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính năm 2006. Paulson làm nên sự nghiệp tại Goldman Sachs vào thời điểm tập đoàn chuyển đổi để mở rộng hoạt động ra toàn cầu và ông đã đưa hãng này thâm nhập sâu vào thị trường châu Á, với 70 lần đích thân đến làm việc tại Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng tài chính đặt Bộ Tài chính Mỹ vào chiếc ghế nóng, nhưng trong cái rủi cũng có cái may, khi nó đưa cơ quan này trở về với vị trí quan trọng vốn có. Trước nay Bộ Tài chính luôn được coi là thành phần trung tâm của Chính phủ Mỹ. Sau khi trở thành tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington đã chỉ định thành viên đầu tiên trong ban lãnh đạo là bộ trưởng tài chính. Hiện tòa nhà của Bộ Tài chính Mỹ cũng được nối với Nhà Trắng bằng một đường hầm. Tuy nhiên, trong suốt gần 7 năm đầu của 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush, Bộ Tài chính không có được vị trí quan trọng như vốn có, mà phải chờ đến năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra.