Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có một năm để chuẩn bị triển khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nay luật đã có hiệu lực nhưng việc triển khai còn bất cập, trong đó thuế chứng khoán (CK) là một ví dụ.
Cổ phiếu chưa niêm yết bị “phân biệt đối xử” khi bị ấn định giá tính thuế - Ảnh: THANH ĐẠM |
Công văn 42 do thứ trưởng Bộ Tài chính quy định về thuế TNCN với kinh doanh CK đã bị giới đầu tư và các công ty phát hành cổ phiếu (CP) không đồng tình vì có nguy cơ làm đình trệ giao dịch CP chưa niêm yết.
Giá bán một đường, thuế thu một nẻo
Giá nhiều cổ phiếu dưới giá trị sổ sách Trong số 19 CP ngân hàng chưa niêm yết thì có đến 13 CP có giá thị trường thấp hơn mệnh giá và thấp hơn cả giá trị sổ sách. Theo Công ty CK SME, tính đến 7-1, có đến 63% số CP đang niêm yết tại sàn Hà Nội và TP.HCM có giá thấp hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên, các CP này “thoát” được tình trạng giá tính thuế cao nhờ Bộ Tài chính cho sử dụng giá giao dịch hằng ngày trên sàn để tính thuế. |
Ngay sau khi các công ty CK áp dụng việc thu thuế chuyển nhượng CK theo công văn 42 của Bộ Tài chính, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã phản ứng khi bị khấu trừ thuế theo tỉ lệ 0,1% trên một mức giá mà họ không hề giao dịch.
Một NĐT bán CP Eximbank với giá 13.000 đồng/CP, hợp đồng có ghi giá cụ thể. Mức giá này cũng được nhiều công ty CK cập nhật và công bố công khai để thông tin cho NĐT. Quan trọng hơn là mức giá này cũng được các ngân hàng có cầm cố CP làm cơ sở để tính toán về giá trị tài sản thế chấp với người vay vốn. Thế nhưng, công ty CK lại không thu thuế theo mức giá 13.000 đồng mà lại “đè” khách hàng thu theo giá 17.800 đồng/CP.
Công ty CK giải thích đó là quy định của Bộ Tài chính. Theo đó, nếu hợp đồng bán CK không ghi giá bán hoặc ghi giá bán thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì công ty CK phải lấy giá ghi trên sổ sách để khấu trừ thuế. Các công ty phát hành CP có trách nhiệm thông báo giá ghi trên sổ sách để công ty CK khấu trừ.
Theo công ty CK, hầu hết các hợp đồng mua bán CK đều có ghi giá nhưng so với công văn 42 của Bộ Tài chính thì lại vướng quy định giá bán thấp hơn giá trị sổ sách, vì thế phải thu thuế theo giá trị sổ sách. Theo Eximbank, giá trị sổ sách của ngân hàng này là 17.800 đồng/CP. Như vậy, giả sử NĐT bán 100.000 CP Eximbank với giá 13.000 đồng/CP, thay vì bị khấu trừ thuế 1,3 triệu đồng thì lại bị khấu trừ tới 1,78 triệu đồng. Tính ra mức thu tăng thêm trên 30% so với quy định của Luật thuế TNCN.
Hầu hết các CP chưa niêm yết trên sàn CK đều trong cảnh tương tự khi giá để tính thuế luôn thu cao hơn giá mà NĐT thực thanh toán với nhau. Nguyên nhân là do thị trường CK chưa hồi phục, giá của nhiều loại CK đã xuống dưới giá trị sổ sách.
Coi chừng lạm thu
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, do CP chưa niêm yết giao dịch phân tán, chưa có một mức giá chuẩn như CP niêm yết tập trung trên sàn nên Bộ Tài chính đã quy định dùng giá trị sổ sách để tính thuế đối với những hợp đồng có giá thấp hơn giá ghi trên sổ sách nhằm ngăn chặn tình trạng khai giảm giá để trốn thuế TNCN. Quy định này cũng tương tự như quy định sử dụng khung giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định để tính thuế nếu giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá trong khung giá đất.
Theo các công ty CK, quy định này là cần thiết nhưng lại thiếu thực tế. Trên thực tế, giá nhiều loại CK đã xuống dưới giá trị ghi trên sổ sách. Vì vậy, máy móc áp giá ghi trên sổ sách kế toán để tính thuế có thể dẫn đến lạm thu thuế. Theo các chuyên gia, nguyên tắc của thuế TNCN là chỉ tính thuế trên phần thu nhập thực tế của cá nhân theo tỉ lệ mà Luật thuế TNCN quy định là 0,1%. Nếu buộc công ty CK phải thu theo một mức giá khác không đúng với thu nhập tính thuế thực tế của cá nhân là không hợp lý. Giả sử với người bán CP Eximbank, giá thực thanh toán là 13.000 đồng/CP nhưng họ bị khấu trừ trên giá 17.800 đồng, tức là họ đã bị khấu trừ với tỉ lệ 0,136% thay vì chỉ có 0,1% theo quy định của Luật thuế TNCN.
Lúng túng thuế cổ phiếu thưởng
Hiện các công ty cổ phần cũng đang lúng túng khi chưa biết giải thích với cổ đông về thuế TNCN đối với CP có được từ trả cổ tức. Theo Tổng cục Thuế, với CP được trả từ cổ tức, cá nhân phải nộp thuế 5% trên tổng số thực nhận và chỉ phải nộp thuế khi bán số CP này. Quy định này là hợp lý nhưng lại rắc rối ở chỗ không thể xác định được khi nào thì NĐT bán CP trả cổ tức và khi nào bán CP mà họ đã sở hữu trước khi có CP thưởng.
Ông A có 100 CP và được công ty trả cổ tức thêm 50 CP. Ông A bán 50 CP giá 100 đồng/CP, sau đó bán tiếp 50 CP với giá 150 đồng/CP. Cơ quan thuế không có cơ sở, cũng không thể ấn định đợt bán thứ nhất là bán CP từ cổ tức, còn đợt bán thứ hai là bán CP mà ông A đã sở hữu trước khi có CP từ cổ tức hoặc ngược lại. Về phía người bán CP, họ sẽ chọn những đợt bán CP với giá thấp để khai thuế. Nhưng sẽ còn rắc rối hơn nhiều nếu cá nhân bán CP làm nhiều đợt, mỗi đợt có mức giá khác nhau...