“Mê hồn trận” cách tính phí
Trừ các chi nhánh của 2 Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) chưa tính phí đối với các khoản vay của khách hàng, còn lại hầu hết các ngân hàng đều thu phí dịch vụ tín dụng.
Có 3 loại phí cơ bản mà các ngân hàng đều tính, đó là: phí thẩm định, phí thu xếp vốn và phí định giá tài sản bảo đảm.
![]() |
Lãi suất tăng cao, các ngân hàng đều tăng các phí dịch vụ. |
Trong các ngân hàng thương mại nhà nước thì Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) có nhiều loại phí nhất. Có chi nhánh của ngân hàng này quy định 6 loại phí đối với khách hàng tổ chức và 10 loại phí đối với khách hàng cá nhân. Không rõ trên cơ sở nào mà BIDV đưa ra nhiều loại phí như vậy, có các loại phí nghe tên rất khó hiểu đổi với khách hàng như các loại phí cam kết cung cấp tín dụng với khách hàng, trong đó: cam kết có số tiền; cam kết không có số tiền; phí rút vốn theo cam kết, hủy bỏ một phần cam kết rút vốn…
Đứng thứ nhì về số lượng phí thu là Ngân hàng Công thương, mỗi chi nhánh đưa ra từ 4-6 loại phí. Các ngân hàng TMCP thì thu ít loại phí hơn, tập trung vào các loại như phí thẩm định, phí thu xếp vốn, phí định giá tài sản bảo đảm, phí quản lý dư nợ… Tính chung toàn hệ thống, nếu thống kê đầy đủ, khả năng có mấy chục loại phí dịch vụ tín dụng.
Từ 2% đến 6%
Mỗi ngân hàng có cách tính phí dịch vụ tín dụng riêng. Có khoản thì tính %/số tiền khách hàng đề nghị vay, khoản tính trên số món, khoản lại tính %/giá trị hạn mức cho vay hoặc số tiền cam kết cho vay, khoản tính %/giá trị một hợp đồng tín dụng.
Có ngân hàng TMCP đã thu phí hồ sơ rồi lại tính cả phí hoàn tất hồ sơ. Khách hàng xin giải ngân bằng tiền mặt, trả nợ trước hạn, tăng hạn mức thấu chi, chậm rút vốn… đều bị tính phí. Với cách tính phí chẳng ngân hàng nào giống ngân hàng nào, mỗi loại một kiểu, khách hàng khó lòng mà tính được phí cộng với lãi thì thực tế mình phải trả chi phí khoản vay là bao nhiêu.
Từ nhiều kênh thông tin thì nếu quy ra tỷ lệ %/tổng số tiền vay thì phí mà khách hàng phải trả ngân hàng hiện nay từ 2%-6%/năm. Phí dịch vụ tín dụng điều chỉnh theo từng thời kỳ linh hoạt phụ thuộc vào quy mô và giá vốn của thị trường. Mức phí cũng có sự phân loại theo khách hàng A,B,C. Độ tín nhiệm khách hàng càng thấp, mức phí thu càng cao. Phần lớn các loại phí chỉ tính một lần.
Một số Tổng giám đốc ngân hàng TMCP cho biết mức phí cao để áp dụng cho các khách hàng bị xếp hạng tín nhiệm thấp. Đây cũng là một rào cản kỹ thuật để từ chối khách hàng bị đánh giá là xếp hạng tín nhiệm từ trung bình trở xuống.
NHNN sẽ sớm có quy định về việc thu phí dịch vụ tín dụng
Nhiều loại phí khiến lãi suất thực mà khách hàng phải trả cao hơn trần lãi suất cho vay đang là bức xúc của nhiều doanh nghiệp. Nhưng NHTM cũng có lý lẽ của họ.
Một số ngân hàng khẳng định là đã thu phí từ nhiều năm trước. Khi chưa có quy định về trần lãi suất cho vay thì chuyện thu phí đối với khách hàng là bình thường. Nay do có Quyết định 16/QĐ-NHNN về biên độ lãi suất kinh doanh khống chế trần lãi suất cho vay thì khách hàng lại cho rằng thu phí là hành động vượt trần…
Đặc biệt nhiều ngân hàng cho rằng nếu chỉ cho vay đúng trần 18%/năm hiện nay thì các ngân hàng sẽ lỗ vì chi phí vốn đầu vào đã rất cao. Là một doanh nghiệp, ngân hàng cũng cần phải có lãi, phí dịch vụ tín dụng là sự bù đắp một phần cho lãi suất cho vay thấp của ngân hàng …
Trước ý kiến phản hồi từ nhiều phía, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang quan tâm nghiên cứu vấn đề để sớm ban hành quy định về thu phí tín dụng cho các ngân hàng thực hiện. Khả năng NHNN cho phép các NHTM thu phí dịch vụ tín dụng, nhưng có thể chỉ cho phép thu một số ít loại phí với mức thu nhất định.