TTCK: Cứu ai, ai cứu và cứu như thế nào?

Cuối tuần qua, hàng loạt báo cáo và nhận định đầy bi quan về nền kinh tế và TTCK Việt Nam đã được công bố bởi các tổ chức nghiên cứu kinh tế có uy tín trên thế giới, và phát tán thông qua các kênh truyền thông tài chính hàng đầu thế giới như Morgan Stanley, Fitch Ratings, Bloomberg, Reuters, The Wall Street Journal, Business Week.

Ba nguyên nhân chính được đưa ra làm căn cứ cho nhận định trên là: thị trường chứng khoản giảm mạnh, lạm phát gia tăng và thâm hụt thương mại bùng phát gây lo ngại khủng hoảng cán cân thanh toán.

Dường như kinh tế Việt Nam đang chịu một làn sóng tấn công từ các tổ chức nghiên cứu và đầu tư nước ngoài, trong khi chính những tổ chức này chỉ cách đây chưa tới một năm, đã ca ngợi kinh tế Việt Nam tới tận mây xanh.

Những nhận định tiêu cực như trên có thể tác động xấu tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam, và nếu các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh rút vốn khỏi TTCK và nền kinh tế Việt Nam, thì đó sẽ là tai họa không chỉ riêng đối với TTCK.

Những tin tức đồn thổi có thể làm trầm trọng hóa tình hình. Đã đến lúc phải đối diện với thực tế khó khăn, và cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn.

Ai không bị thiệt do thị trường giảm mạnh?

Trên các phương tiện truyền thông, đã có nhiều suy luận và thông tin phóng đại và trầm trọng hóa bất hợp lý những tổn thất tạo ra từ sự sụt giảm của TTCK tới nền kinh tế, các DN và các nhà đầu tư chứng khoán.

Thực ra việc giảm giá cổ phiếu, cho dù là giảm giá mạnh, không tác động bất lợi tới những nhóm chủ thể sau đây:

- Tổng thể các nhà đầu tư. TTCK là một trò chơi có tổng bằng 0, tức là phần lợi của người này chính là phần thiệt của người khác. Tiền và lợi nhuận không sinh ra và không mất đi trên thị trường, mà chỉ lưu chuyển từ túi người này sang túi người khác.

K
hi thị trường giảm mạnh, tiếng nói của những người thua lỗ xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, do đó gây ra cảm giác là tất cả các nhà đầu tư đều thua lỗ. 

Tại TTCK Việt Nam thời gian vừa qua, những người thua cuộc là đa phần các nhà đầu tư cá nhân và cả một số quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Những người thắng cuộc chủ yếu là các DN IPO tăng vốn thành công trong thời gian qua.

Mô tả ảnh.

Lạm phát tăng cao.

 

Một đối tượng thắng cuộc (ngắn hạn) quan trọng nữa là ngân sách nhà nước, nơi đã thu được phần thặng dư vốn khá lớn qua các đợt IPO DN nhà nước. Khoản thặng dư vốn thu về NSNN sẽ tương ứng với khoản thua lỗ của các nhà đầu tư.

- Sức khỏe và vốn của các DN. Giá cổ phiếu của DN sụt giảm, cho dù sụt giảm tới dưới mệnh giá, không tác động trực tiếp tới vốn kinh doanh và tình hình kinh doanh của DN. Nói đúng ra thì chính sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh của DN mới tác động tới giá cổ phiếu, chứ không có chiều tác động ngược lại. Nhiều DN vẫn tiếp tục kinh doanh và tăng trưởng tốt ngay cả khi giá cổ phiếu của DN giảm mạnh theo xu thế chung của thị trường. Tuy nhiên, khi đó, DN sẽ khó huy động vốn trên TTCK sơ cấp.

- Tăng trưởng kinh tế và sự giàu có nói chung của nền kinh tế. Sự suy thoái của nền kinh tế sẽ dẫn tới sự sụt giảm của TTCK, chứ không phải sự đi xuống của TTCK sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, không phải bất cứ khi nào sự biến động của TTCK luôn phản ánh chính xác sức khỏe của nền kinh tế. Sự phản ứng quá mức (over-reaction) là một đặc điểm cố hữu của TTCK ở mọi nơi. Một ví dụ là sau khi gia nhập WTO, chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm rất mạnh trong một thời gian dài cho dù nền kinh tế nước này vẫn liên tục duy trì tăng trưởng xấp xỉ 10%/năm.

Từ những lý do trên, không nên trầm trọng hóa hoặc thậm chí hoảng loạn trước sự mất giá của TTCK.

Chứng khoán đi xuống chỉ tác động tiêu cực tới một bộ phận các nhà đầu tư, chứ không tác động tiêu cực trực tiếp tới toàn bộ nền kinh tế.

Chính phủ điều hành nền kinh tế vì lợi ích chung của toàn bộ nhân dân, chứ không vì lợi ích của riêng một nhóm người nào, do vậy việc can thiệp vào thị trường để cứu một nhóm các nhà đầu tư đang thua lỗ là không cần thiết và không khả thi.

 
Vậy tại sao cần phải cứu TTCK?

 
- Cứu TTCK nhằm ổn định tâm lý của các tác nhân tham gia thị trường. Để vượt qua lạm phát và suy thoái, việc duy trì lòng tin của các các nhà đầu tư, DN và người tiêu dùng với tương lai phát triển trung hạn của nền kinh tế có vai trò tối quan trọng.

Có niềm tin, DN và người tiêu dùng mới sẵn sàng chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng để chống lạm phát.


Có niềm tin, các nhà đầu tư nước ngoài mới không đổi nội tệ sang USD để tháo chạy.


TTCK là một hình ảnh mang tính biểu tượng của nền kinh tế. Do vậy, để TTCK sụp đổ quá mạnh và trong thời gian quá dài sẽ tác động rất tiêu cực tới tâm lý của mọi tác nhân trong nền kinh tế.

- Cứu TTCK tức là bảo đảm cho sự tồn tại của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ.

Không có số liệu cập nhật về dư nợ chứng khoán của hệ thống ngân hàng, nhưng dựa trên những số liệu đã công bố trước đây, có thể thấy số dư nợ chứng khoán là không quá nhỏ, và cũng không quá lớn. Không quá nhỏ để hoàn toàn vô hại. Không quá lớn để không thể kiểm soát nổi.

Nếu TTCK được phục hồi, hoặc ít nhất không còn giảm mạnh nữa, sức khỏe của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ được cải thiện đáng kể.

- Cứu TTCK để tiếp sinh lực cho quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước. Cổ phần hóa DN nhà nước là một định hướng cải cách thiết yếu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chỉ có cổ phần hóa một cách triệt để hệ thống DNNN, bao gồm cả các tập đoàn lớn, thì tính thị trường và hiệu suất kinh tế, hiệu suất đầu tư của khu vực kinh tế này mới được cải thiện và hệ số ICOR trong nền kinh tế mới giảm.

Những lý do trên, và còn nhiều lý do khác, dẫn đến kết luận rằng đà giảm quá mạnh của TTCK hiện nay phải được ngăn chặn, hoặc ít ra phải được giảm tốc.

Cứu như thế nào?

1. Bơm tiền tạo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và TTCK. Trong năm 2007 và đầu 2008, NSNN đã thu được những khoản thặng dư vốn lớn (capital gains) qua các đợt IPO các DN nhà nước, đặc biệt là các DN lớn Vietcombank, Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt hay Bia Sài gòn... Ví dụ chỉ trong đợt IPO Vietcombank, giá trị vốn thặng dư đã là khoảng 8000 tỷ đồng.

Mô tả ảnh.

Ảnh: NYTimes.


Việc pha loãng vốn điều lệ, rồi tận thu thặng dư vốn qua các đợt IPO DN nhà nước là một sai lầm nghiêm trọng của chính sách. Số tiền thặng dư vốn mà NSNN thu được này không phải do sự gia tăng của sức sản xuất xã hội, mà đơn thuần chỉ là sự chuyển tiền từ túi các nhà đầu tư cá nhân, các thể chế tài chính sang NSNN.

Sự chuyển giao luồng tiền này chỉ mang lại lợi ích rất ngắn hạn, tức là tăng NSNN, nhưng có các tác hại lâu dài về nhiều phía, và một trong những tác hại đó là làm bất ổn định hệ thống tài chính, làm giảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính, dẫn tới TTCK giảm mạnh.

Mục tiêu chính của cải cách DNNN là phát triển bền vững các DN này, chứ không phải để thu thặng dư vốn. Ở một số nước Đông Âu, chính phủ còn phân phát miễn phí cổ phần các DNNN cho mọi người dân.

Do vậy, để tạo tính thanh khoản cho thị trường, sửa chữa sai lầm vừa qua, Nhà nước cần chủ động bơm thanh khoản vào thị trường.

Giải pháp là Nhà nước cần chủ động mua lại các cổ phiếu đang thuộc diện cần giải chấp trong hệ thống ngân hàng thương mại. Số tiền bơm vào thị trường qua các ngân hàng thương mại ít nhất phải bằng phần thặng dư vốn qua đợt đấu giá VCB, tức là khoảng 5.000 -8000 tỷ.

Cần phải trả lại thị trường cái mà NSNN đã lấy đi của thị trường.

Giải pháp này là một mũi tên trúng nhiều đích:

- Bổ sung khả năng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Xóa bỏ nghi ngờ về khả năng sụp đổ của một số ngân hàng khi đối mặt với sự đi xuống của TTCK và BĐS.

- Xóa bỏ áp lực giải chấp của các ngân hàng trên TTCK. Tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường và chặn đứng đà giảm sút của TTCK.

- Giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân, qua đó tăng thêm tính hiệu quả của luồng vốn đầu tư.

- Tạo khả năng tăng NSNN. Hiện nay giá cổ phiếu đang ở mức rất thấp, do vậy việc mua vào cổ phiếu giải chấp không gây thiệt cho NSNN.

2. Khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng phát triển của nền kinh tế và của thị trường

Tại thời điểm khó khăn hiện nay, không thể dồn toàn bộ trách nhiệm vào vai Nhà nước.

Sự đi lên và đi xuống của nền kinh tế là có tính chu kỳ và phụ thuộc nhiều vào các điều kiện khách quan của nền kinh tế thế giới. Cho dù chính sách và điều hành của chính phủ có hợp lý đến đâu, các khó khăn kinh tế vẫn cứ đến và vẫn cần có thời gian để giải quyết.

Để chống lạm phát, vượt qua suy thoái, không có cách nào khác là cả Chính phủ, DN và người dân phải đoàn kết, cùng thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm, cắt giảm đầu tư và chi tiêu.

- Trách nhiệm của giới nghiên cứu kinh tế. Chỉ riêng trong tháng 5/2008 vừa qua, các tổ chức nghiên cứu kinh tế nước ngoài đã phát hành hàng chục báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam. Không phủ nhận tính chuyên nghiệp của các báo cáo này, nhưng các báo cáo nghiên cứu này dù sao cũng được xây dựng dựa trên tầm nhìn và quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài và phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều trớ trêu là trong cùng thời gian, hầu như vắng bóng các phân tích và nghiên cứu bài bản tương tự được tiến hành bởi các trường đại học và Viện nghiên cứu trong nước, về những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải và những giải pháp cần đưa ra.

Các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam chỉ xuất hiện qua các bài trả lời phỏng vấn, các bài viết báo, tạp chí... về những vấn đề và lát cắt của nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào những khía cạnh tiêu cực, và nặng về chỉ trích chính sách của Chính phủ, hơn là đưa ra những giải pháp xây dựng. Những phân tích nhỏ, bi quan hóa và trầm trọng hóa vấn đề như vậy, không có tác dụng nhiều để giúp đất nước vượt qua khó khăn.

Vậy các nhà đầu tư và người dân có lựa chọn nào khác không, hay bắt buộc phải tin vào những báo cáo và nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam được tiến hành bởi người nước ngoài và nhằm phục vụ mục đích của người nước ngoài?

- Chính phủ cần ban hành kịp thời các thông tin và số liệu về nền kinh tế, đặc biệt về sức khỏe của hệ thống ngân hàng, như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ và cơ cấu của tổng dư nợ BĐS.

Nhiều báo cáo nghiên cứu của nước ngoài về tình hình kinh tế Việt Nam đã đưa ra các nhận định bi quan về kinh tế Việt Nam, về khả năng sụp đổ của hệ thống ngân hàng trong khi không hề có số liệu để chứng minh. Và họ lý luận rằng do không có số liệu được công bố chính thức nên họ giả định số liệu đang ở mức xấu nhất và tình hình đang ở mức xấu nhất. Do vậy, việc quá bí mật thông tin không có tác dụng nâng đỡ lòng tin của các nhà đầu tư.

- Giới truyền thông, DN và người dân cần xác định rằng các chính sách thắt lưng buộc bụng để vượt qua khó khăn kinh tế nhất định sẽ tác động xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một nhóm DN và một bộ phận người dân.

Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, ưu tiên hàng đầu là trợ giúp và phát triển tổng thể nền kinh tế quốc dân, chứ không thể đảm bảo quyền lợi cho mọi bên trong nền kinh tế. Không có cách nào khác là người dân và DN sẽ phải tiết kiệm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, lao động vất vả hơn và đòan kết vượt qua khó khăn.

3. Cắt giảm mạnh mẽ hơn chi tiêu và đầu tư công

Chính sách thắt chặt tiền tệ đã được đẩy gần tới giới hạn. Các ngân hàng thương mại đã gặp khó khăn. Vấn đề bây giờ là cần thực hiện nghiêm túc chính sách tài khóa thắt chặt, mà ưu tiên hàng đầu là cắt giảm tối đa đầu tư công. Việc cắt giảm đầu tư công sẽ có ít nhất 3 tác dụng:

- Giảm nhập siêu. Tỷ lệ nhập siêu đang tăng lên mức báo động, đặc biệt việc nhập khẩu các nguyên vật liệu xây dựng như thép và clinker xi măng đã tăng quá mạnh trong 5 tháng đầu năm. Để giảm nhập siêu, cần cắt giảm nhanh các dự án đầu tư xây dựng.

- Cắt giảm thâm hụt ngân sách nhà nước

- Giảm thất thoát, lãng phí.

Trên đây chỉ là một số khuyến nghị rời rạc về các biện pháp có thể tiến hành để trợ giúp TTCK. Do TTCK luôn là chiếc nhiệt kế phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, để “cứu” TTCK, không có cách nào khác là phải ổn định kinh tế vĩ mô.

Đã đến lúc cần phải đoàn kết chung tay vượt qua thời điểm khó khăn của nền kinh tế và TTCK.  

Riêng năm 2007, các DN đã huy động vốn tới trên 70.000 tỷ đồng thông qua TTCK.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây