Người nước ngoài sẽ sớm được mua - sở hữu nhà tại VN

Theo đề xuất của Chính phủ, các nhóm đối tượng sau sẽ được mua và sở hữu nhà tại VN, gồm: Người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài, của các tổ chức quốc tế liên chính phủ; người nước ngoài vào VN đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được Chủ tịch nước trao tặng huân chương, huy chương; nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học đang làm việc tại VN; người nước ngoài kết hôn với công dân VN và đang sinh sống ở VN; người nước ngoài được chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự của VN; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại VN.

Chính phủ cũng đề xuất người nước ngoài chỉ được mua và sở hữu một căn hộ chung tại các dự án nhà ở thương mại trong thời gian sinh sống và làm việc tại VN, song không được mua biệt thự riêng hay nhà, đất liền kề. Thời hạn tối đa sở hữu nhà của người nước ngoài tại VN là 70 năm. Đặc biệt, các đối tượng được mua chỉ được phép bán sau một năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Liên quan tới vấn đề chống đầu cơ, một số ý kiến cho rằng nên kéo dài thời hạn sử dụng (từ 2-3 năm) trước khi được phép bán. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu: “Giả sử đơn vị nước ngoài mua 30 căn hộ để cho cán bộ ở nhưng sau đó lại điều chỉnh chính sách, rút hết người nước ngoài về, thuê người VN, vậy 30 căn hộ này có bán được không? Phải có chính sách rõ ràng để ứng xử với những tình huống này”.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, từ năm 2004 đến hết năm 2007, có khoảng hơn 80.000 người nước ngoài vào VN làm ăn, sinh sống và học tập. Dự báo sẽ có khoảng 10.000 người được mua căn hộ với diện tích từ 100 m2 - 150 m2, tương đương 1,5 triệu m2 nhà. Theo ông Nguyễn Trần Nam, nếu chính sách trên được thông qua thì sẽ chỉ tác động tiêu cực về giá cả chủ yếu đối với các loại nhà chung cư cao cấp, còn nhà chất lượng khá và trung bình không bị ảnh hưởng nhiều.

Liên quan tới chuyện mua-bán, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần làm rõ khái niệm “dự án nhà ở thương mại”. “Tư nhân xây nhà có được bán cho người nước ngoài không hay chỉ hướng người nước ngoài tới mua nhà tại các dự án được cho là cao cấp như The Manor, Ciputra?” - ông Phúc nói.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị phía Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến của ủy ban; chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo để sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Hỗ trợ nông dân tham gia BHYT

Sáng 10-4, phiên họp thứ 4 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc. Cho ý kiến về báo cáo thẩm tra dự án Luật BHYT, theo TTXVN, các thành viên thuộc ủy ban này đề nghị dự thảo luật cần quy định việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần để nông dân tham gia BHYT, trong đó có phân cấp trách nhiệm chính quyền các cấp. Hiện nay, vẫn còn hàng chục triệu nông dân chưa tham gia BHYT. Theo quy định của dự thảo luật, nông dân chỉ có một cơ hội là tham gia BHYT tự nguyện, khoảng 250.000 đồng/thẻ/người/năm, đó là mức khá cao so với khả năng của mỗi hộ gia đình.

Q.An

ThànhNam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây