Thị trường chứng khoán: Lo cho sức cầu

Những "ốc đảo" cuối cùng

Diễn biến phiên ngày 10.4 có tác động lớn về tâm lý khi bên mua gần như không có lệnh hiển thị - một kịch bản không mấy ai nghĩ tới khi sức cầu chỉ 3 ngày trước còn nóng bỏng với hàng chục triệu đơn vị. Giao dịch chỉ đáng chú ý ở một vài blue-chips duy nhất xuất hiện các lệnh mua phủ kín 3 cột giá và cũng chính ở các mã này, "cuộc chiến" cung cầu mới thực sự căng thẳng.

Sàn Hà Nội vẫn phát tín hiệu đầu tiên khi chỉ trong vài phút lượng cung ồ ạt đã "nuốt" toàn bộ khối lượng mua ít ỏi và tình trạng ế sàn chất đống quen thuộc lại tái diễn. Sàn HoSE sau đó 30 phút, chỉ với chưa đầy 162 tỉ đồng giá trị giao dịch - khoảng 3,58 triệu CK -  đã quét sạch bảng giao dịch bên mua. NĐT cầm CP muốn chạy cũng không chạy được và tính thanh khoản đóng băng ở một số mã.

VNM, VSH, VIC, VHG, SAM, PPC là những blue-chips duy nhất cầm cự được trong phân nửa thời gian của đợt khớp lệnh liên tục, thậm chí giữ được giá trần. Tuy nhiên cũng chính những mã này cho thấy áp lực bán đang rất mạnh.

Gần 200.000 VIC được đặt mua trần liên tiếp bị các lệnh bán lớn đáp ứng. Mức giá trần 93.500đ của VIC chỉ giữ được trong khoảng 40 phút đầu tiên và 6 lệnh bán lớn trên 10.000 CP/lệnh cùng nhiều lệnh bán nhỏ khác xói mòn, thậm chí có lúc đè xuống mức sàn 90.500đ.

PPC có bước giá 100đ nên khối lượng mua rải đều nhưng cũng bị đè giá xuống sàn rất nhanh với 15 lệnh quy mô lớn. VNM, VSH được "đỡ lưng" rất mạnh nhưng cũng có lúc giá giảm gần sát tham chiếu.

Thị trường hai phiên gần đây đã cho thấy sự chi phối nặng nề bởi yếu tố tâm lý. Sau gần chục phiên xếp hàng tranh mua bằng được, NĐT lúc này lại hốt hoảng trước lực bán quá mạnh và do dự. Các trụ cột như VNM, VSH, PPC, VIC vốn là yếu tố duy nhất nâng đỡ VN-Index trong 2 phiên "trụ hạng" trước đó đang cho thấy sự suy yếu nghiêm trọng.

Kết thúc đợt 3, chỉ còn 3 blue-chips là VSH, VNM và VIC đóng cửa mức giá trần, SAM tăng 300đ/CP cùng 6 mã tăng giá khác giúp VN-Index không giảm kịch biên độ 2%. Biên độ dao động nhỏ có thể vẫn là chỗ dựa cho niềm tin khi tốc độ rơi không quá lớn. Tuy nhiên, điều lo ngại lúc này lại là tính thanh khoản - khả năng bán được CK - vì thị trường có thể sớm lâm vào tình trạng thiếu cầu trầm trọng như đã từng xảy ra.

Ngóng chờ ngoại lực?

Một điểm đáng chú ý 3 phiên gần đây là lượng cung lớn bất thường, lớn hơn nhiều khối lượng giao dịch tại đáy: Gần 45,54 triệu CK được chuyển nhượng thành công và còn hàng chục triệu CK dư bán. Điều đó chứng tỏ khả năng xấu nhất đã xảy ra: Bên cạnh nhu cầu chốt lãi, nguồn cung còn được bổ sung bởi lượng bán cắt lỗ để thoát khỏi thị trường cũng như chiến lược đầu cơ giá xuống. Nếu đợt giảm giá này chỉ là sự điều chỉnh thì khối lượng giao dịch thường thấp và có sự tranh chấp về giá giữa bên mua và bên bán.

Diễn biến thực sự trên bảng điện tử đã khẳng định, bên bán đang giành lại quyền điều khiển thị trường. Thống kê cho thấy tương quan cung cầu đã đảo ngược chóng mặt. Sau phiên ngày 8-9.4 với trung bình 33,44 triệu CK được chào mua, ngày 10.4 chỉ còn 11,13 triệu CK, tương đương mức giảm 67% trong khi bán ra tăng 52%. Thị trường cạn tiền mặt hay tiền mặt đứng ngoài thị trường? Dù là khả năng nào thì nguy cơ thiếu cầu cũng đáng lo ngại.

Điều trái ngược đang diễn ra là trong khi NĐTTN tháo chạy khi "thấy động" thì sức mua chủ yếu xuất phát từ NĐTNN. Chỉ riêng 3 phiên xuất hiện tình trạng xả hàng, nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường đã lên tới 769,3 tỉ đồng và bán ra 180,2 tỉ đồng.

Tính chung 4 phiên, giá trị mua ròng đạt 591,4 tỉ đồng, cao kỷ lục kể từ tháng 10.2007 đến nay. Tỉ trọng mua ròng cũng lớn chưa từng có: Đạt 19,32% toàn thị trường về tổng khối lượng khớp lệnh và 24,7% về giá trị.
 
Ngày 10.4, chính nguồn vốn này đã hỗ trợ và tranh mua ở một số mã chủ chốt. Cụ thể, PPC: NĐTNN mua vào 96,2% tổng khối lượng giao dịch; PVD: 90,2%; SSI: 74,5%; TCR: 77,6%; VNM: 94,1%; VSH: 93,3%.

Nếu không có sự tiếp sức này, chắc chắn giá nhiều CP khó có thể trụ vững trên tham chiếu. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất của sự khác biệt trong đánh giá thị trường giữa hai khối NĐT. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào sức mua hỗ trợ của NĐTNN cũng là một điểm yếu của thị trường.

Nam Nguyễn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây