Thị trường tài chính tăng trưởng đột biến về lượng
Đối với thị trường cổ phiếu, nếu không có gì thay đổi, kết thúc năm 2007, giá trị thị trường của gần 250 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn giao dịch sẽ vào khoảng 470.000 tỉ đồng, gấp hơn hai lần năm 2006 và bằng 41% GDP. Nếu tính thêm Vietcombank với giá cổ phiếu bằng mức giá khởi điểm khi IPO, cộng với Bảo Việt và Công ty Tài chính Dầu khí, những doanh nghiệp sẽ niêm yết cổ phiếu trong một tương lai gần, sẽ được con số gấp ba lần năm 2006 và bằng 60% GDP, cao hơn mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2010.
Ở khu vực ngân hàng, tín dụng cũng có sự đột biến với tốc độ tăng trưởng có thể lên đến 40%. Một lượng tiền gần 300.000 tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế, cao hơn rất nhiều nguồn vốn được cung ứng qua kênh chứng khoán và trở thành năm các tổ chức tín dụng cho vay nhiều nhất từ trước đến nay để đưa tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế xấp xỉ 1 triệu tỉ đồng, bằng 90% GDP.
Trên thị trường trái phiếu, sự khởi sắc của những phiên giao dịch đầu năm không giúp thị trường ấm lên khi mà tình trạng ế hàng đã liên tục xảy ra ở giai đoạn cuối năm và nhiều tổ chức phát hành phải trì hoãn kế hoạch của mình. Thêm vào đó, 2007 có lẽ lại là một năm không thành công đối với ngành bảo hiểm.
Như vậy, tính toán sơ bộ, đến cuối năm 2007, dư nợ cho vay của các ngân hàng và giá trị thị trường của các doanh nghiệp niêm yết đã bằng 1,5 GDP, một mức tiệm cận khá gần so với Thái Lan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự nở ra của thị trường đang bị lệch về phía tín dụng ngân hàng và cổ phiếu, trong khi trái phiếu và bảo hiểm vẫn chưa thể cất cánh.
Các tổ chức tài chính mở rộng quá mức và xuất hiện yếu tố không lành mạnh
Trừ thời của các hợp tác xã tín dụng, chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều các TCTC như hiện nay với hơn 80 ngân hàng (trong nước và nước ngoài), trên 100 công ty chứng khoán (kể cả những hồ sơ đã nộp, đang chờ cấp phép). Một con số quá lớn so với nền kinh tế 72 tỉ đô la và chưa đến 250 công ty niêm yết, những con số chưa bằng phân nửa Thái Lan trước khủng hoảng năm 1997.
Bên cạnh đó, việc các TCTC đua nhau mở rộng mạng lưới (nhiều người nói rằng ngân hàng đang nhiều hơn khách hàng) và xu hướng thành lập ngân hàng trực thuộc các tập đoàn cũng là điều đáng báo động.
Sự mở rộng quá nóng nêu trên đã đặt ra thách thức rất lớn về nguồn lực cũng như quản lý rủi ro. Sự cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện. Những diễn biến bất thường của lãi suất là một dấu hiệu. Trong ba quí đầu năm, cho dù các ngân hàng thừa tiền đồng và lãi suất ngoại tệ trên thế giới giảm nhưng lãi suất trong nước (cả tiền đồng và ngoại tệ) không những không đi xuống mà còn có chiều hướng ngược lại với nguyên nhân là do các chi nhánh ngân hàng mới được thành lập cần phải có nguồn vốn, kiểu gì cũng phải giữ, thậm chí tăng lãi suất để thu hút khách hàng.
Những hiện tượng tương tự đã xảy ra ở các nước Đông Á trước khủng hoảng năm 1997 và điều gì phải đến đã đến. Thái Lan hiện chỉ còn 17 ngân hàng trong nước, 17 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 39 công ty chứng khoán và Hàn Quốc còn khiêm tốn hơn, trong khi quy mô TTTC cũng như nền kinh tế của họ lớn hơn Việt Nam rất nhiều.
Một điều đáng quan tâm khác là sự nhầm lẫn giữa mục tiêu có những TCTC mạnh làm nền tảng cho một hệ thống tài chính phát triển và việc bán cổ phần được giá cao. Diễn tiến quá trình IPO của Bảo Việt và Vietcombank cũng như việc dãn tiến độ cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy có vẻ như mục tiêu thứ hai được quan tâm hơn.