Ngành "hot": Lợi nhuận vẫn cao
Ngân hàng, sau một năm vào WTO, vẫn giữ nguyên "phong độ", vẫn là một lĩnh vực nóng, đem lại lợi nhuận cao và đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhiều ngân hàng vào khoảng cuối tháng 10, tháng 11 đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, bất chấp những khó khăn từ "Chỉ thị 03". Tín hiệu đáng mừng là nhiều ngân hàng đã nâng tỷ lệ lợi nhuận từ mảng dịch vụ lên 30%
"Nóng" chuyện IPO, niêm yết
Cứ nhìn cách người ta quan tâm đến chuyện IPO của Vietcombank tới mức có người bảo là "đáng quan tâm hơn lạm phát" thì chúng ta cũng hiểu tình hình IPO và niêm yết trong ngành ngân hàng đáng quan tâm như thế nào. Năm nay càng về cuối năm, càng nhiều ngân hàng cổ phần phát hành cổ phiếu mới, đến mức nhiều người cho rằng mức độ pha loãng giá cổ phiếu của ngành này đã trở nên quá cao. Mặt khác, một ngân hàng thương mại quốc doanh khác là Incombank cũng thông báo kế hoạch cổ phần hóa và IPO vào cuối năm nay và đầu năm sau. Có thể nói, càng về cuối năm, bức tranh IPO, niêm yết, phát hành mới của ngành ngân hàng càng sinh động, nhiều màu sắc, mà có lẽ chủ đạo là màu "nóng". Một phần nguyên nhân của gam màu nóng này là do tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt nên các ngân hàng phải nâng cao năng lực quản lý, năng lực tài chính, để duy trì và mở rộng hoạt động, đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận cho năm tới.
Nhiều ngân hàng mới - cạnh tranh gay gắt
Cái "nóng" thứ ba của ngành ngân hàng năm nay là nhìn ở khía cạnh sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, trận tuyến chủ yếu năm nay không phải ở phía ngân hàng nước ngoài với ngân hàng trong nước như có người lo ngại từ năm ngoái, mà chính là từ phía các ngân hàng trong nước với nhau, cụ thể là khối ngoài quốc doanh.
Trong cuộc cạnh tranh năm nay, có vẻ càng về cuối, khối ngân hàng thương mại nhà nước càng mất thị phần, khối ngân hàng nước ngoài chưa có những bước đột phá mạnh như nhiều người dự đoán, còn khối ngân hàng thương mại cổ phần đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần cao hơn, chiếm khoảng 26% dư nợ toàn hệ thống tính đến khoảng giữa quí 4.
Ở khía cạnh "chìm" hơn của cuộc cạnh tranh, điểm đáng chú ý là năm nay khối ngân hàng thương mại cổ phần đón nhận sự gia nhập của nhiều ngân hàng mới với tiềm lực tài chính mạnh, do các tập đoàn, công ty lớn liên minh thành lập. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và quốc doanh sẽ mất đi một lượng khách hàng quan trọng, và nhiều nhân sự chủ chốt của các ngân hàng này cũng sẽ bị thu hút đi sang ngân hàng mới. Như vậy, thực chất, cái "nóng" của cuộc cạnh tranh năm nay trong lĩnh vực ngân hàng chỉ mới là "khúc dạo đầu", sẽ còn kéo dài rất lâu và dự kiến còn tăng lên rất nhiều trong năm sau.
Một phần chìm nữa là cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài. Năm nay, từ số liệu về thị phần, lợi nhuận, sản phẩm, người ta chưa thấy rõ một sức ép cạnh tranh mạnh mẽ như nhiều người dự đoán từ năm ngoái. Nhưng thực tế, nếu nhìn vào những gì mà các tên tuổi đã nhiều năm ở Việt Nam tiêu biểu như HSBC, Citibank và ANZ đang và sẽ làm, bao gồm tham gia cạnh tranh cho vay nhà đất, Citibank thiết lập mạng lưới thanh toán qua Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện hay ANZ dự kiến mở hơn 10 chi nhánh trong năm 2008 thì ta cũng thấy, khối ngân hàng nước ngoài, sau một năm Việt Nam vào WTO, chỉ mới đi những bước chuẩn bị âm thầm mà mạnh mẽ. Năm đầu tiên sau WTO, trong cái nhìn của họ, có lẽ, chỉ mới là bước chuẩn bị. Sự cạnh tranh mạnh mẽ mà chúng ta chờ đợi, có lẽ sẽ đến, có thể không "khủng khiếp" như nhiều người sợ, nhưng sẽ không dễ dàng