Sắp đến giờ G cho BĐS qua sàn

Một số sàn BĐS đã hoạt động.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2009 của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Việt Nam khi mà thời điểm 1/1/2009 (các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS) chỉ còn tính bằng ngày.

Giao dịch phải qua sàn

Cụ thể là theo quy định của pháp luật, từ 1/1/2009, tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS.

“Khái niệm sàn giao dịch BĐS vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đây là một chủ trương rất đúng đắn bởi việc hình thành các sàn sẽ tạo điều kiện cho người dân, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thông tin về nhà đất. Sàn giao dịch góp phần nâng cao tính minh bạch thị trường” - thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Vinaland nhận định: “Thực tế hiện nay, việc mua bán nhà dự án qua hình thức trả chậm, trả trước, nhiều trường hợp bán mà không có nhà đất đã ảnh hưởng đến niềm tin của người mua. Để khắc phục được tình trạng này thì cần giao dịch qua sàn. Hơn nữa, việc giao dịch qua sàn sẽ tập hợp được thông tin để đưa ra chỉ số thị trường BĐS chính xác”.

Về chỉ số thị trường BĐS, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết hiện đang thí điểm ở TP Hà Nội và TPHCM. Hy vọng trong năm 2009 sẽ có.

1/1/2009 là thời điểm bắt buộc các sàn giao dịch phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS và nghị định 153. Bộ sẽ xây dựng một tiêu chí sàn chuẩn, sau đó sẽ công nhận những sàn đạt tiêu chuẩn đó trong năm 2009.

“Chuẩn ở đây theo tiêu chí chuẩn về chất lượng, quy trình, con người, giống như nhà cao cấp, nhà bình thường. sàn cũng giống như nhà cấp 1, 2, 3, 4, nhà cấp 4 cũng vẫn là nhà, sàn cũng vậy” - ông Hà nói.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Người dân chuyển nhượng BĐS không bắt buộc phải qua sàn, mà nhà nước chỉ khuyến khích người dân giao dịch qua sàn.

Về việc này, ông Phan Thành Mai, Trưởng Ban điều hành sàn miền Bắc thì có quan điểm rằng, mọi trường hợp kinh doanh BĐS đều phải qua sàn, không có ngoại lệ cho trường hợp nào. Bởi thị trường có minh bạch, thông tin rõ ràng thì hệ thống tài chính và ngân hàng mới có thể phát triển theo.

Sàn vẫn chưa phải là sàn

Không phải sang năm chúng ta mới có sàn giao dịch BĐS mà thời gian quà, hàng loạt các sàn giao dịch BĐS đã liên tiếp ra đời. Song, điều đáng nói chính là hoạt động các sàn có khá nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay: “Tôi vào mạng giao dịch BĐS, thấy nhiều doanh nghiệp thông tin quá cũ, ít cập nhật thông tin, nhà đất đã bán rồi nhưng vẫn còn. Như vậy là làm khó cho cơ quan quản lý và nhà đầu tư, người dân khi tìm kiếm thông tin”.

Về việc đưa thông tin không đúng trên sàn, đại diện cơ quan nhà nước khẳng định: “Đó là vấn đề chuẩn hoá của sàn. Khi doanh nghiệp đưa thông tin lên sàn, thì phải chịu trách nhiệm trước thông tin của mình.

Sàn chỉ là một cái chợ, hàng hoá là của chủ đầu tư, của người kinh doanh bán cho người tiêu dùng, sàn chỉ là chỗ bán và làm dịch vụ mua bán. Nơi bán này phải công khai minh bạch, giống như đại lý. Trong trường hợp doanh nghiệp làm dịch vụ BĐS cố tình đưa ra thông tin sai, họ sẽ không được hoạt động nữa”.

Để sàn giao dịch BĐS hoạt động tốt thì cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, theo ý kiến đại diện công ty Vinaland, quy định về kinh doanh BĐS chưa làm rõ được trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh qua sàn giao dịch. Luật quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về thông tin của mình nhưng trách nhiệm như thế nào, tới đâu thì chưa quy định rõ.

Với quy định BĐS bán chuyển nhượng, cho thuê qua sàn phải công khai thông tin tối thiểu 7 ngày tại sàn giao dịch, đăng trên 3 số báo và 1 lần trên đài truyền hình địa phương nơi có dự án, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về công bố thông tin quá rườm rà, làm khó cho bên bán và sàn giao dịch, làm tăng giá nhà đất, vì số tiền bỏ ra thông tin trên truyền hình là không nhỏ.

Để bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp cũng như người dân, một số đại biểu cho rằng những doanh nghiệp “lách”, không đưa giao dịch lên sàn, thì phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cũng cần phải tạo hành lang pháp lý thông thoáng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sàn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây