Siết chặt việc công ty nhà nước kinh doanh “nghề tay trái”

Các tập đoàn nhà nước chỉ được đầu tư ra ngoài ngành 30% vốn (ảnh ttx).

Các DN nhà nước phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các DN hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Quy định này có hiệu lực từ ngày 25/3, được cụ thể hoá tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Thủ tướng CP.  


Các DN nhà nước được quyền đầu tư ra ngoài ngành trên cơ sở không được ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh chính của mình, song, mức đầu tư không quá 30% nguồn vốn.

 Nghị định 09 cũng nêu rõ, DNNN được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong phạm vi hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ của công ty không vượt quá 3 lần.

 Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư ra ngoài DNNN (bao gồm đầu tư ngắn hạn và dài hạn) cũng không được vượt quá mức vốn điều lệ của công ty.

 Riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, DNNN chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một DN; mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp.

 Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này, DNNN phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

 Chính phủ cũng không cho phép các DNNN được tham gia góp vốn mua cổ phần của các Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán hoặc mua cổ phần của các DN khác mà người quản lý, điều hành, sở hữu chính của DN này có quan hệ huyết thống với thành viên lãnh đạo công ty đó.

 Các DNNN có mức vốn đầu tư ra ngoài ngành vượt quá mức quy định hoặc đã đầu tư góp vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 2 năm kể từ ngày 25/3/2009, phải thực hiện điều chỉnh lại mức đầu tư trên nguyên tắc bảo toàn vốn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây