![]() |
Gần đây, nhiều NĐT lo ngại rằng, khi CTCK bị phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động thì CP nắm giữ cũng như các quyền lợi của NĐT sẽ được giải quyết như thế nào.
Lo ngại này bắt nguồn từ kết quả kinh doanh xuống dốc trong thời gian qua, đặc biệt là trong báo cáo quý IV/2008 được công bố mới đây của các CTCK niêm yết - những Cty được đánh giá là thuộc tốp đầu trong lĩnh vực kinh doanh này.
99% CTCK thua lỗ do tự doanh?
Mặc dù chưa có báo cáo kinh doanh cả năm của các CTCK, nhưng thống kê sơ bộ của UBCKNN từ các báo cáo của 51 đơn vị cho biết, chỉ có 15/51 Cty làm ăn có lãi. Mức này tương đương gần 30% con số.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sẽ có tới 80% CTCK có kết quả kinh doanh không khả quan trong năm qua. Báo cáo quý IV/2008 của CTCK Bảo Việt (BVS) cho biết, tổng doanh thu của BVS đạt 50,89 tỷ đồng; lũy kế năm 2008 đạt hơn 209 tỷ đồng.
Nhưng lợi nhuận sau thuế quý này lỗ 155,28 tỷ đồng, lũy kế đến cuối năm 2008 lỗ 452,86 tỷ đồng (trước đó, BVS đã đề ra kế hoạch doanh thu đạt 314 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 142,38 tỷ đồng năm 2008).
Đây được coi là mức thua lỗ lớn nhất trong số bốn CTCK đang niêm yết. Ba Cty còn lại, CTCK Hải Phòng (HPC) lỗ 119,8 tỷ đồng; CTCK Kim Long (KLS) lỗ 347,4 tỷ đồng. Chỉ có CTCK Sài Gòn (SSI) công bố lãi trên 19 tỷ đồng trong quý IV và 252,5 tỷ đồng cả năm 2008.
Hiện chưa có thống kê chính xác và đầy đủ nào cho thấy mức lỗ này của các CTCK do mảng hoạt động này cấu thành. Tuy nhiên, Trưởng phòng phân tích của một CTCK cho biết, hiện mức lỗ này 99% phát sinh từ hoạt động tự doanh.
Cũng có trường hợp các Cty mới thành lập (trong đó có những Cty chỉ đăng ký hai nghiệp vụ là môi giới và tư vấn đầu tư CK) thì khoản lỗ là do đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, trong đó có yêu cầu về giao dịch từ xa và không sàn. Có lẽ cũng do khó khăn này mà thời gian qua đã có không ít CTCK xin hoãn triển khai các dịch vụ này.
Tính nước cờ xấu
Việc có quá nhiều CTCK tham gia cung cấp dịch vụ trong khi quy mô thị trường còn nhỏ không phải là vấn đề mới. Trong bối cảnh TTCK suy giảm mạnh, giá trị giao dịch xuống thấp, các CTCK gặp khó khăn là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, do tính lịch sử, nhiều CTCK có năng lực vốn quá thấp đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn theo quy định mới. Việc nở rộ chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài gần đây đã nhạt dần và theo GĐ một CTCK, cơ hội cho các Cty nhỏ, thị phần ít, chưa có tiếng tăm gì là rất thấp.
Nếu đang trong tình trạng thua lỗ thì khả năng huy động vốn càng mờ mịt. NĐT không dại gì bỏ vốn vào những Cty như vậy trong khi có thể xây dựng một Cty mới từ đầu không mấy khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thục Anh - Phó ban Kinh doanh (UBCKNN), ngoài chuyện phải tăng VĐL theo luật, một số CTCK còn gặp khó khăn do không đủ vốn vì thua lỗ. "Dù tình hình không quá bi đát như thị trường đang đồn thổi nhưng chúng tôi cũng lo lắng nếu tình trạng suy giảm này kéo dài.
Theo giám sát thì có một số Cty gặp tình trạng này nhưng vẫn giải quyết được" - bà Anh cho biết. Với số vốn hạn hẹp, một số CTCK đã nộp đơn lên UBCKNN rút bớt nghiệp vụ, thu hẹp hoạt động.
Thậm chí nếu Cty "cụt" vốn không thể hoạt động nghiệp vụ tự doanh được thì phải tính chuyện mở tài khoản tại CTCK khác như một NĐT thông thường mà không được giao dịch qua tài khoản tự doanh. "Nếu có Cty mà vốn còn lại không đủ để thực hiện bất kỳ nghiệp vụ nào thì sẽ phải giải thể", bà Anh nói.
Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc thâu tóm, sáp nhập giữa các CTCK cũng là điều bình thường. UBCKNN cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm và có các phương án thực hiện. Trước mắt, UB sẽ góp phần hỗ trợ các phương án xử lý những trường hợp thâu tóm, sáp nhập.
Việc giải thể, phá sản sẽ phức tạp hơn do DN đang quản lý nhiều tài sản. Tuy nhiên, UBCKNN cũng sẽ có phương án hỗ trợ, chẳng hạn với DN gặp khó khăn, UB sẽ thành lập tổ giám sát giao dịch, theo dõi, lập đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề liên quan đến khách hàng, những khó khăn về tài chính nhằm giảm tác động đến thị trường, thành lập bộ phận giúp DN thanh lý tài sản...
Theo bà Anh, sẽ có sự thắt chặt các tiêu chuẩn ra đời CTCK mới. Các tiêu chí chủ yếu liên quan đến các tiêu chí mới về cổ đông như phải có ít nhất 2 cổ đông sáng lập là pháp nhân, một trong hai cổ đông sáng lập là tổ chức tài chính, Cty bảo hiểm hay NH. Tổng mức vốn của các cổ đông sáng lập phải là 65% và Cty tài chính phải nắm tối thiểu 35%. Ngoài ra, CTCK phải có điều kiện liên quan đến chứng minh năng lực tài chính chặt chẽ hơn.