![]() |
Một bảng giá chứng khoán tại Tokyo phản chiếu hình ảnh người đi đường. Ngân hàng trung ương Nhật vừa cảnh báo vào thứ Sáu, 21-11, rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á này có thể suy thoái trầm trọng |
Cách đây hai tuần, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán những nền kinh tế phát triển sẽ suy giảm vào năm tới. Nhưng thực tế 10 ngày qua cho thấy kinh tế thế giới đang suy thoái với tốc độ nhanh hơn dự kiến và lan rộng từ Âu sang Á, mở ra khả năng các nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
“Tiên phong” là những nền kinh tế hàng đầu
Cùng với khu vực sử dụng đồng euro, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã tuyên bố suy thoái sau hai quí liên tiếp GDP đi xuống. Và theo dự đoán, đây là cơn suy thoái nặng nhất kể từ thế chiến thứ hai.
Tưởng chừng miễn nhiễm trước cơn khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu, nhưng Nhật, nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, cũng đã tuyên bố suy thoái do xuất khẩu giảm mạnh.
Và “con rồng” Singapore vừa xác nhận đã rơi vào ngưỡng suy thoái với GDP quí 3 giảm 6,8% so với quí 2 và giảm 0,6% so với năm ngoái. Mức tăng trưởng của dịch vụ trong quí 3 đã chậm hơn nhiều so với dự đoán và sản xuất ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2001. Quý 2, GDP của nước này đã giảm 5,3% so với quý 1.
Tuy nhiên, Chính phủ Singapore vẫn hy vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trong quí 4 với mức tăng 1,4 – 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái và như thế sẽ giúp Singapore tránh khỏi suy thoái năm nay. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng hy vọng này thiếu cơ sở. Họ phân tích với tình hình xuất khẩu sụt giảm và các nền kinh tế trong khu vực như Nhật và Hồng Kông đã rơi vào suy thoái thì GDP quí 4 có thể giảm 1,5% so với năm ngoái.
Bộ Công Thương Singapore cảnh báo, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng “cực kỳ bất ổn” và có thể suy giảm 1% vào năm tới (suy thoái đúng theo định nghĩa là GDP giảm hai quí liên tiếp). Nguy cơ lớn dần khiến bộ này lại điều chỉnh (lần thứ tư) kỳ vọng tăng trưởng năm nay chỉ còn 2,5%, con số dự đoán tháng trước là 3%.
Tuy Mỹ chưa đưa ra con số chính thức nhưng Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs đã nhận định kinh tế Mỹ sẽ suy thoái sâu hơn dự đoán với GDP quí này có thể giảm đến 5% còn tỷ lệ thất nghiệp sẽ leo thang từ mức 6,5% của tháng trước lên 9% vào cuối năm 2009.
Trong cuộc khảo sát về giá dầu do Bloomberg thực hiện cuối tuần, 20/34 nhà phân tích được hỏi dự đoán giá dầu sẽ duy trì đà lao dốc trong tuần tới (đến hết ngày 28-11) với lập luận rằng nhu cầu sẽ giảm mạnh hơn khi suy thoái ở Mỹ, châu Âu và Nhật lan sang các nền kinh tế mới nổi.
“Tình hình đang ngày càng tồi tệ, nhanh hơn nhiều so với dự kiến và mức độ suy thoái sẽ còn nặng hơn nữa”, Bloomberg dẫn lời một chuyên gia kinh tế toàn cầu của Dresdner Kleinwort tại London, Anh.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã dự đoán tổng sản phẩm nội địa (GDP) của 30 nước thành viên sẽ giảm 0,3% trong năm 2009 so với năm 2008.
![]() |
Biểu đồ của OECD dự đoán GDP của Mỹ, Nhật và khu vực sử dụng đồng euro (từ trái qua) từ quí 3-2008 đến hết năm 2010, cho thấy suy thoái sẽ kéo dài |
Giới đầu tư ngày càng lo ngại khi kinh tế thế giới suy thoái, giá hàng hóa, tài sản sẽ bị kéo xuống và các công ty cũng như người tiêu dùng sẽ càng siết chặt túi tiền, dẫn đến hậu quả là giảm phát, tức giá cả duy trì đà giảm trong thời gian dài. Một báo cáo mới phát hành của tập đoàn ngân hàng quốc tế ABN Amro Holding NV nhận định, Nhật, Đức và Mỹ là những nền kinh tế dễ rơi vào giảm phát nhất trong nhóm G7.
Cần mở rộng tài khóa, hạ lãi suất
Từ Mỹ, làn sóng thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động đã tràn khắp châu Âu và châu Á. Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu được xem là nặng nhất trong ba thập niên đang buộc các ngân hàng trung ương và các chính phủ phải chạy đua để điều chỉnh lãi suất cho vay và chi tiêu ngân sách. Để đẩy lùi nguy cơ giảm phát, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh phải có những biện pháp quyết liệt và đột phá.
Olivier Blanchard, kinh tế gia hàng đầu của IMF, đã khẳng định với một tờ báo Thụy Sĩ vào thứ Bảy, 22-11, rằng cuộc khủng hoảng tài chính đang leo thang thành một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng hơn mà đỉnh điểm vẫn còn ở phía trước. “Đây chỉ mới là khởi đầu. Các số liệu báo cáo sẽ ngày càng tồi tệ hơn, dẫn đến những dự đoán bi quan hơn và đẩy nhu cầu giảm mạnh hơn. Sẽ phải mất một thời gian dài trước khi tình hình trở lại bình thường”, ông nhận định. Blanchard cho rằng khủng hoảng còn kéo dài một năm nữa nhưng phải đến năm 2011 tăng trưởng mới trở lại mức bình thường. Ông kêu gọi các chính phủ nên mở rộng tài khóa và các ngân hàng trung ương nên hạ lãi suất hết mức, hướng về 0%, để đẩy lùi nguy cơ của một cuộc “đại suy thoái” mới.
“Trong điều kiện bình thường, IMF luôn khẳng định phải giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Nhưng chúng ta đang ở trong thời kỳ không bình thường. Nhu cầu đã rớt mạnh. Đây là lý do cần phải mở rộng tài khóa”, ông nhấn mạnh.
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ vừa hạ lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm.
Trong làn sóng hạ lãi suất gần đây, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất còn 3,25% nhưng vẫn ở mức cao nhất trong nhóm G7. Giới đầu tư đang dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất thêm ít nhất 0,75 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp chính sách ngày 4-12 sắp tới. Trong một báo cáo gửi đến khách hàng, Citigroup cho rằng ECB sẽ đưa lãi suất về mức 1% vào năm tới và thậm chí xuống đến 0% nếu khu vực suy thoái trầm trọng hơn. Chủ tịch ECB, Jean-Claude Trichet, đã tuyên bố “không loại trừ khả năng chúng tôi có thể giảm lãi suất”.
Lãi suất của Anh, hiện là 3%, có thể xuống đến mức 1% như Mỹ nếu nước này muốn tránh “cái bẫy thanh khoản” đang khiến các ngân hàng cũng như hộ gia đình giữ rịt tiền mặt hơn là cho vay hay tiêu dùng, David Smith, giám đốc điều hành của Jaguar Land Rover (thuộc Tập đoàn Tata Motors), đã nhận định như thế trong một bài viết trên tờ Financial Times.
Dù đã duy trì lãi suất ở mức 0,3%, thấp nhất trong nhóm G7, ngân hàng trung ương Nhật khẳng định vẫn đang cân nhắc đến chuyện bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính sau khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.
27 chính phủ thuộc Liên minh châu Âu hiện đang soạn thảo một gói giải pháp phối hợp kích thích kinh tế mà theo các quan chức Đức có thể có trị giá 130 tỉ euro. Chính phủ Anh cho biết sẽ công bố giảm thuế trong tuần tới.