TTCK trồi sụt: Thử đi tìm nguyên nhân

Nguyên nhân hàng đầu từ các cơ quan quản lý trực tiếp có liên quan đến TTCK:

Một là, sau một hồi tranh luận trên các diễn đàn, cho đến nay Bộ Tài chính vẫn kiên quyết giữ quan điểm như dự thảo về mức thuế và phương pháp tính thuế đánh vào hoạt động kinh doanh chứng khoán và đầu tư chứng khoán, gây nản lòng đối với các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Hai là, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước trong các ngày 5 và 8/11/2007 công bố 5 quyết định cảnh cáo 5 ngân hàng thương mại cổ phần về phát hành cổ phiếu; đồng thời trong ngày 13/11/2007 công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với 3 công ty khác cũng về phát hành cổ phiếu.

Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm về mức thuế và phương pháp tính thuế đánh vào hoạt động kinh doanh chứng khoán và đầu tư chứng khoán. Ảnh minh họa: LAD

Đối với việc cảnh cáo 5 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần, loại cổ phiếu được đánh giá là thuộc diện blue-chips và có mức vốn hoá rất lớn trên thị trường được coi là mang tính hồi tố tới 3–4 tháng, làm trầm trọng hơn sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trong các tháng cuối năm về sự phục hồi của giá cổ phiếu. Bởi vì Thông tư số 17/2007/TT–BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng ngày 28 và 29 /7/2007 mới được đăng thông báo. Đến giữa tháng 8/2007, thông tư mới chính thức có hiệu lực thi hành.

Song 5 NHTM cổ phần bị phạt cảnh cáo là đã nộp hồ sơ từ tháng 4 và tháng 5/2007. Đến nay sau nhiều tháng, các cổ đông của Eximbank nộp tiền mua 20% cổ phiếu tăng vốn nhưng vẫn chưa nhận được cổ phiếu. Cổ đông của NHTM cổ phần Đông Á chuẩn bị tiền cũng đã bị kéo dài tới hơn 2 tháng nhưng vẫn hưa nộp được để mua cổ phiếu tăng vốn.

Tình trạng chậm chễ kéo dài về việc giải quyết hồ sơ phát hành cổ phiếu của hàng loạt NHTM cổ phần khác tại Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tới nhiều tháng. Trong khi đó chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2007, nên các cổ đông không thực hiện được mục tiêu đầu tư của mình đó là chờ được mua cổ phiếu tăng vốn theo kế hoặch của năm 2007 do đại hội cổ đông thông qua từ đầu năm.

Nguyên nhân thứ hai đó là tiền, tức cầu về đầu tư chứng khoán có khả năng thanh toán, hay cụ thể là vốn cho kinh doanh chứng khoán. Một dòng vốn quan trọng bị chặn lại bởi kênh ngân hàng và thu về các NHTM bởi Chỉ thị 03.

Một dòng vốn thứ hai bị đọng lại chờ mua cổ phiếu tăng vốn của các NHTM cổ phần và doanh nghiệp khác do thủ tục bị kéo quá dài tại Uỷ ban chứng khoán Nhà nước; bị đọng lại chờ mua cổ phiếu IPO của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và một số doanh nghiệp khác chuẩn bị cổ phần hoá đã bị trì hoãn nhiều lần; vốn bị đọng trong hơn 10 NHTM cổ phần thành lập mơi đang chờ đợi được chấp thuận về mặt nguyên tắc, với tổng số vốn đang để trong tài khoản ước tính trên 10.000 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia tài chính và chứng khoán có kinh nghiệm dự báo phải đến cuối tháng 12/2007, TTCK mới thực sự đem lại sự lạc quan. Ảnh minh họa: LAD


Bên cạnh đó là 4.200 tỷ đồng các nhà đầu tư phải nộp trúng thầu IPO mua cổ phiếu của Công ty Tài chính Dầu khí với hạn cuối cùng là 9/11/2007. Cổ đông của một số NHTM cổ phần cũng nộp khoảng trên 3.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian này mua trái phiếu chuyển đổi. Hàng loạt doanh nghiệp khác phát hành cổ phiếu tăng vốn. Để có tiền nộp, nhiều nhà đầu tư phải "đẩy" chứng khoán ra.

Nguyên nhân thứ ba là cung tăng mạnh. Hàng loạt công ty phát hành cổ phiếu, chuyển chứng khoán vào tài khoản cho các cổ đông, cho các nhà đầu tư từ kết quả phát hành cổ phiếu tăng vốn trong các tháng trước đó.

Thị trường bất động sản biến động theo chiều hướng tăng lên, nhiều nhà đầu tư bán chứng khoán để lấy tiền đầu tư vào nhà và đất ở. Với lượng hàng hoá dồi dào đó được tung ra thị trường đã tác động lớn vào giá chứng khoán ở cả Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Nguyên nhân thứ tư đó là ảnh hưởng của sự sụt giảm trên TTCK toàn cầu, tác động trực tiếp đến các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên TTCK Việt Nam.

Nguyên nhân thứ năm là thông tin về giá đàm phán bán cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho cổ đông chiến lược nước ngoài chỉ được một số phương tiện thông tin đại chúng trong nước và thế giới đưa tin chỉ gấp 5–7 lần mệnh giá. Mệnh giá này thấp hơn giá bán của NHTM cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank và thấp hơn rất xa so với phân tích và dự báo của các nhà đầu tư trước đó là phải tới trên 20 lần, tức là phải tới 200.000 đồng/cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh chung đó những thông tin khác như: thay đổi lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam đang chuẩn bị cổ phần hoá, lại thổi thêm làn gió thiếu tích cực tới diễn biến giá chứng khoán trên thị trường là những tác động đến TTCK trong thời gian tới.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia tài chính và chứng khoán có kinh nghiệm dự báo phải đến cuối tháng 12/2007, TTCK mới thực sự đem lại sự lạc quan cho các nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây