Vậy là nhà đầu tư đã có thể thở phào nhẹ nhõm!
Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có một động thái giúp chấm dứt những hoang mang chờ đợi, những đồn đoán xung quanh câu chuyện lình xình hoãn tới hoãn lui IPO của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bằng một văn bản chỉ đạo: Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ theo nghị định số 109 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, và yêu cầu Vietcombank phải thực hiện IPO ngay trong năm 2007.
Như vậy, những lo âu của nhà đầu tư về giá cổ phiếu của Vietcombank đã được giải tỏa. Theo nghị định 109, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Dù rằng sắp tới đây, giá của cổ phiếu VCB sẽ là bao nhiêu chưa rõ, nhưng các nhà đầu tư hiện như đã trút được cái gánh trên vai khi bao nhiêu ngày qua cứ mãi phập phồng lo lắng chờ đợi kết quả đàm phán của VCB với các nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức tài chính nước ngoài. Thậm chí giờ đây, có thể nói ván cờ đã lật ngược. Nếu trước đây nhà đầu tư trong nước phải phụ thuộc kết quả do nhà đầu tư chiến lược của VCB đưa ra về giá cổ phiếu, thì nay ngược lại, các nhà đầu tư chiến lược phải ngồi chờ kết quả "phán xét" của nhà đầu tư bằng kết quả IPO sắp tới. Chính phủ đã giao cho nhà đầu tư toàn quyền quyết định số phận giá cổ phiếu VCB, không phải phụ thuộc vào sự lình xình không dứt khoát của VCB như thời gian trước đây nữa.
Chính vì lẽ đó mà sắp tới đây không còn lý do gì để VCB trì hoãn việc phát hành cổ phiếu. Bởi từ trước đến giờ ngân hàng này chỉ vướng mắc duy nhất một chi tiết là việc đàm phán với đối tác chiến lược. Lần này vướng mắc đã được tháo gỡ và văn bản của Chính phủ cũng đã nêu rõ quan điểm, yêu cầu VCB phải IPO trong năm 2007.
Đắn đo mãi rồi cuối cùng cũng đã chọn được 3 nhà đầu tư chiến lược thuộc các đơn vị đầu tư hàng đầu là Nomura, Goldman Sachs và General Electric. Sự chờ đợi của nhà đầu tư tưởng đến đây là kết thúc, nhưng sự dằng dai lại tiếp tục tái diễn đến độ người kiên trì nhất cũng đã bắt đầu chán nản. Tình trạng dập dềnh của TTCK thời gian qua không thể không có sự "vô can" của việc trì hoãn này.
Đã gia nhập là phải minh bạch, và TTCK là nơi tính minh bạch gần như là yêu cầu tuyệt đối. Thế nhưng hầu như thời gian qua tất cả những thông tin về Vietcombank chỉ được biết qua những... lời đồn. Trước sự sốt ruột của hàng ngàn nhà đầu tư, Vietcombank vẫn cứ đủng đỉnh và kín như bưng, khiến nhà đầu tư đã sốt ruột lại càng lo lắng.
Đành rằng chưa phải là công ty niêm yết, song không có nghĩa chưa niêm yết thì công ty có quyền... không minh bạch! Dù sao đi nữa, VCB cũng đã là công ty đại chúng, và hàng tỷ đồng trái phiếu đã được bán ra, đã được nhà đầu tư nắm giữ. Vậy nên những vấn đề của công ty, nhà đầu tư cũng có quyền được cung cấp.
Theo các chuyên gia kinh tế và tài chính, việc trì hoãn IPO lâu nay là không cần thiết, mà chỉ vì Vietcombank không rõ ràng trong lựa chọn. Nếu việc trì hoãn của VCB để tìm đối tác chiến lược tốt, thì đó là việc cần thiết, thậm chí có tiếp tục trì hoãn sang vài tháng sau năm 2008 cũng nên làm. Thế nhưng khi tìm được nhà đầu tư chiến lược tốt rồi mà vẫn đắn đo để bán cho được cổ phiếu giá cao thì hình như chiến lược của VCB lại chuyển sang hướng có vẻ không ổn.
Nhà đầu tư chiến lược chắc chắn có "chiến lược" đầu tư của họ, đặc biệt là với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, già dặn. Công ty đưa ra mức giá nào đó, phải xác định đó chỉ là sự kỳ vọng, còn tổ chức đầu tư tài chính lại có các công cụ tính suất sinh lợi trong tương lai của họ để xác định giá mua. Không dễ gì có thể "ép" nhà đầu tư chuyên nghiệp trong những tình huống như thế này.
Theo một tính toán thì giá trị thực của VCB thời điểm hiện tại chỉ khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD, và với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, trong tương lai 5 năm sau sẽ khoảng 7 tỷ USD. Và như vậy, nếu các tổ chức đưa ra giá 4,5 đến 6 lần mệnh giá, tức xác định giá trị thị trường của VCB khoảng 11-12 tỷ USD, cũng không phải là con số quá thấp.
Những thông số như trên đã là khá tốt, bên cạnh đó là 3 nhà đầu tư chiến lược mà VCB lựa chọn xứng đáng là nhà đầu tư có tầm cỡ, sẽ còn tiếp tục hỗ trợ VCB lâu dài về kỹ thuật, công nghệ, trong đó có quản trị doanh nghiệp, quản lý nhân sự, nghiệp vụ kinh doanh, công nghệ thông tin... Đó là những quyền lợi vô giá mà VCB phải tính tới, chứ không chỉ duy nhất là bán giá càng cao để thu được tiền càng nhiều.