Tháng 4 - tháng 7 vẫn "nghỉ ngơi", tháng 10 không "vượt qua chính mình"
Một điều đáng chú ý là dù năm 2007 là một năm đặc biệt, thì giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 vẫn không phải là thời điểm "hên" của các nhà đầu tư. Nhìn vào diễn biến năm 2007, chúng ta thấy từ tháng 4 đến tháng 7, chiều hướng chính của thị trường là đi xuống, mặc dù có một giai đoạn ngắn giá cổ phiếu tăng lại và thử vượt qua đỉnh giá tháng 3 nhưng đã không thành công. Các chỉ số RSI và momentum cho thấy động lực giao dịch là đi xuống nhiều hơn với việc phần lớn thời gian từ tháng 4 đến tận tháng 8, chỉ số chứng khoán đi xuống và chỉ số RSI thường thấp hơn 30 thể hiện thị trường đang "mệt mỏi".
Trong các năm 2005, 2006 và 2007, thị trường thường lấy lại phong độ vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, điều thú vị là trong năm 2007, đỉnh giá của tháng 4 cao hơn bất kỳ một đỉnh giá nào được tạo ra từ đợt tăng giá bắt đầu từ tháng 9. Hiện tượng này ngược với tình hình năm 2006 và năm 2005, khi mà đợt tăng giá tháng 9 thường bắt đầu cho một đợt "leo dốc" lên những đỉnh cao mới. Điều này chỉ ra rằng xét ở chu kỳ dài nhất của mình, thị trường Việt Nam đang bắt đầu thiếu động lực "vượt qua chính mình", tức là đợt tăng giá bắt đầu từ tháng 9 của năm 2007 không phá nổi đỉnh giá được tạo thành ngay trước chu kỳ giảm giá tháng 4. Điều này là đáng quan ngại, bởi vì nó phản ánh thị trường đã qua khỏi giai đoạn tích lũy mạnh mẽ nhất, mà bắt đầu vào giai đoạn ổn định, di chuyển ngang và dao động trong biên độ (sideways and range trading). Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó khi trong đồ thị 1 cho thấy đang có một bước chững lại và giao dịch ngang trong biên từ 800-1200 điểm trong năm 2007. Điểm đáng lo ngại nhất là ở chỗ nếu mức 800 điểm bị phá vỡ hẳn, thị trường sẽ quay lại điểm giá khá thấp, phản ánh một xu hướng điều chỉnh giảm dài hạn, hay nói cách khác, là thị trường chúng ta có nguy cơ "đổ dốc"!
Như vậy, nhìn chung, trong năm 2007, tính chu kỳ của thị trường Việt Nam vẫn chưa thấy có những thay đổi lớn, tháng 4 - tháng 7 vẫn là giai đoạn "mệt mỏi" của thị trường trong khi tháng 9, tháng 10 vẫn là giai đoạn giá chứng khoán hồi phục. Tuy nhiên, khác với các năm trước, giai đoạn hồi phục trong năm 2007 rất ngắn và thị trường lại nhanh chóng rơi vào trạng thái ảm đạm. Đây là một thay đổi so với hai năm trước, tuy nhiên, theo chiều hướng không tích cực.
Đầu năm 2008 - Đợt tăng giá tháng 1 đã không còn?
Nếu trong các năm 2005, 2006 và 2007, chỉ số chứng khoán cho thấy một xu hướng tăng giá vào tháng 1, đặc biệt là vào tháng 1-2007 chỉ số RSI đã ở mức "mua vào quá nhiều" (trên 70 điểm), thì trong năm 2008, chúng ta không được chứng kiến điều tương tự như các năm trước, chỉ số giá chứng khoán không tăng còn chỉ số RSI thì chỉ quanh quẩn quanh khu vực 20-30 điểm, khu vực gần với mức bán ra nhiều. Liệu như vậy có phải là chu kỳ tháng 1 đã mất đi hoàn toàn trong năm 2008?
Thật ra, xét kỹ, biểu hiện tháng 1-2008 thị trường VN cho thấy tương đối giống với năm 2005 và 2006 hơn là năm 2007. Hai năm 2005 và 2006, tháng 1 chỉ mới là khởi đầu của những đợt tích lũy cổ phiếu, và chỉ số giá tăng từ từ cũng như chỉ số RSI cũng từng bước nhích từ mức dưới 30 điểm lên cao. Sự khác biệt trong năm 2007 có thể là do việc Việt Nam gia nhập WTO đã có tác động tạo nên tâm lý phấn khích cho thị trường khiến cho cấu trúc chu kỳ năm 2007 bị thay đổi. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì chu kỳ tháng 1 năm nay bắt đầu khá chậm chạp và yếu ớt với những đợt tăng giá vào tuần cuối của năm âm lịch cũ và những đợt giảm giá vào đầu năm âm lịch mới. Điều này có phần xuất phát từ những thật vọng của nhà đầu tư đối với những tiến bộ chậm chạp trong những điều chỉnh chính sách điều hành thị trường trong cuối năm 2007, và việc các "tin vui" không dồn dập như trong đợt tăng giá "chào mừng hậu WTO" năm ngoái. Một khía cạnh khác nữa là xu hướng kỹ thuật hiện nay không hỗ trợ cho một đợt tăng giá mạnh trong tháng 1 và đầu tháng 2.
Xu hướng kỹ thuật trung hạn: hướng tới dưới 800 điểm?
Trước tiên, từ đồ thị 3, chúng ta dễ dàng nhận thấy một mô hình tam đỉnh đã hình thành vào cuối tháng 12-2007. Ba đỉnh này trên đồ thị hình thành vào các giai đoạn tháng 3, 5, 10-2007. Có thể chúng ta cho rằng ba đỉnh này không bằng nhau và do đó đây không phải là một mô hình ba đỉnh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hai đáy hình thành trên đồ thị xung quanh mức 900 thì chúng ta thấy rõ rằng hai đáy này gần như bằng nhau một cách hoàn toàn, một dấu hiệu rất đặc trưng của mô hình ba đỉnh. Mặt khác, chúng ta chú ý rằng khi chỉ số bứt phá xuống dưới đường chống đỡ hình thành bởi hai đáy này xung quanh mức chỉ số tròn 900 thì VN-Index "rơi" rất nhanh đồng thời khối lượng giao dịch tăng lên như có thể quan sát được trên hình. Những điều này giúp khẳng định mô hình ba đỉnh đã hình thành và đang hoàn tất các giai đoạn cuối cùng. Đây là một mô hình giá hướng xuống đã hoàn thành trong tháng 12-2007, do đó đã ngăn trở sự tăng giá trở lại của thị trường trong tháng 1.
Theo mô hình này thì trong trung hạn, có khả năng chỉ số giá sẽ còn giảm dưới 800 điểm. Có nhiều cách đo lường mục tiêu giá của mô hình ba đỉnh hay bằng Fibonacci có thể đưa ra các mức giá hướng tới là 700 hay 630, tuy nhiên, tình hình vẫn có thể thay đổi nếu chỉ số giá vẫn duy trì được trong biên độ 800-1200 và tạo thành khung biên độ dài hạn. Vì vậy, chúng ta vẫn cần quan sát thêm khả năng kháng cự của thị trường xung quanh mức 800 điểm. Một bứt phá dứt khoát dưới mức này có thể là dấu hiệu thị trường sẽ xuống thấp hơn nhiều, trong khi ngược lại thì thị trường có thể vẫn chỉ giao dịch trong biên độ 800-1000 trong quí 1. Một điểm đáng chú ý là về khía cạnh phân tích chu kỳ dài hạn và phân tích kỹ thuật trung hạn đều cho thấy thị trường đang bắt đầu mệt mỏi, và đều xuất hiện rủi ro thị trường "đổ dốc". Điều này không phải không thể xảy ra trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước đã quyết tâm chống lạm phát bằng cách thắt chặt tiền tệ, chấp nhận hi sinh nhiều mục tiêu khác, bao gồm những ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Đây là lúc cần đến một sự tính toán dài hạn của nhà đầu tư và cần có chiến lược đương đầu với rủi ro. Mặt khác, cơ quan quản lý nên cân nhắc đến chuyện không nên đưa ra những bài thuốc mang tính nhất thời, mà phải là những biện pháp căn cơ để tạo động lực dài hạn cho thị trường. Nếu không, khi xét về chu kỳ dài hạn đã mất động lực, nhà đầu tư mất niềm tin thì những bài thuốc ngắn hạn khó mà có tác dụng đáng kể