![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu lãnh đạo tỉnh, thành tại hội nghị ngày 2-4, tại Hà Nội |
Không hạn chế đầu tư nước ngoài
Hội nghị tập trung vào việc lấy ý kiến tìm đáp án giải bảy “bài toán” lớn: Làm thế nào để ổn định sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; Xác định các định hướng thúc đẩy sản xuất các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, giải quyết nhập siêu; Các giải pháp quản lý, thắt chặt chi tiêu ngân sách, tìm được các “điểm đến” hiệu quả cho những dự án đầu tư; Các chương trình tiết kiệm trong sản xuất và đời sống; Biện pháp kiểm soát giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu; Triển khai hỗ trợ đời sống đối với nhân dân vùng thiên tai, dịch bệnh, khó khăn; Tạo sự đồng thuận cao nhất giữa Chính phủ-cộng đồng doanh nghiệp-người dân...
Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với các giải pháp Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, một số đại biểu đặt vấn đề về cân bằng giữa việc chống lạm phát với tăng trưởng, trong đó lưu ý lĩnh vực đầu tư nước ngoài. “Cắt giảm chi phí nhưng nếu kiềm chế lạm phát mà ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư thì cũng rất nguy hiểm.
Đạt được mục tiêu chống lạm phát mà các nhà đầu tư rút hết thì chống lạm phát coi như chưa đạt hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nói. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Kiềm chế lạm phát là tập trung giảm những hạng mục, dự án đầu tư kém hiệu quả chứ không hạn chế đầu tư hoặc gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Minh Oanh - Chủ tịch tỉnh Nam Định cũng nêu: “Cắt giảm và tiết kiệm không có nghĩa là cắt giảm những chi phí thiết yếu của sản xuất, là bó sản xuất, bó tiêu dùng. Những chi phí thiết thực phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh thì phải sử dụng, thậm chí còn tăng.
Do đó, đề nghị các chi phí phục vụ cho ngành du lịch, dịch vụ sẽ vẫn được tạo điều kiện, trừ các chi phí gián tiếp, ít cần thiết”. Thủ tướng đồng ý: “Chúng ta kiềm chế lạm phát không có nghĩa là triệt tiêu tăng trưởng. Chống lạm phát đến mức làm sản xuất đình đốn, thiếu việc làm, đời sống dân khó khăn thì đó không phải là lựa chọn của Chính phủ”.
Nhiều tỉnh kêu khó
Ông Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nêu thực tế về việc lãng phí trong đầu tư do một số thủ tục hành chính rườm rà. Ông Lượng kiến nghị cần quy định lại loại dự án phải thông báo mời thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng và cắt giảm thời gian mời thầu, đấu thầu theo quy mô dự án, giá trị dự án.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại thiên tai vừa qua, ông Lượng cho rằng mức hỗ trợ một triệu đồng/trâu bò chết, trong đó ngân sách trung ương chỉ 30% là không hợp lý, “Số tiền hỗ trợ 300 ngàn đồng/con chỉ bằng 1/20 giá trị của con trâu, bò trong khi Yên Bái là tỉnh nghèo. Toàn tỉnh có trên 7.000 trâu, bò chết thì số tiền địa phương phải bỏ ra quá lớn”.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết tỉnh phải chịu áp lực giá cả cao hơn so với các địa phương khác do hoàn cảnh đặc thù. Bà cũng điểm một số khó khăn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh như: vướng các điểm thông quan; cửa khẩu phục vụ cho du lịch quá bé; đầu tư cơ sở hạ tầng cho cửa khẩu chưa xứng tầm; đường giao thông chưa phát triển...
“Phải chia sẻ với dân nghèo”
Chia sẻ với các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nền kinh tế nước ta vẫn trên đà tăng trưởng nhưng đã xuất hiện những khó khăn với những dấu hiệu phát triển chậm lại, giá tăng dẫn đến chi phí tăng, lợi nhuận giảm và giá trị gia tăng giảm. Do đó, các địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, trong đó phải tháo gỡ vốn ngoại tệ để có đủ nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, các địa phương phải tập trung sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, vừa ngăn chặn thiếu lương thực thực phẩm, vừa xóa đói giảm nghèo, đảm bảo đời sống nhân dân. Phải đảm bảo các mặt hàng thiết yếu cho người dân nghèo, người có thu nhập thấp, không để dân nghèo bị đói”.
Thủ tướng cũng yêu cầu “bộ máy hành chính phải gương mẫu đi đầu trong tiết kiệm chi phí, cắt giảm chi tiêu tài chính không cần thiết (hội họp, ôtô, điện, điện thoại...). Như vậy mới mong kêu gọi nhân dân và các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tiêu dùng”.
Ngày 7-4, tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các địa phương phía nam (từ Đà Nẵng trở vào), tiếp tục bàn về giải pháp kiềm chế lạm phát, tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008.
Cắt giảm chi 10% Bộ Tài chính cho biết vừa đề xuất Chính phủ cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, tiếp khách không cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu giảm chi 10%; tiết kiệm 10% các khoản chi năng lượng và xăng dầu. Từ tháng 4, Bộ Tài chính cũng sẽ cắt giảm các khoản kinh phí đã giao nhưng phân bổ không đúng quy định. Sau ngày 30-6, các khoản chi chưa phân bổ cũng sẽ bị cắt giảm. Bộ sẽ không xét duyệt chuyển nguồn chi sang năm sau đối với những nhiệm vụ không thực hiện hoặc thực hiện không hết dự toán. Với các dự án đầu tư sản xuất xi-măng, sắt thép, thủy điện, giao thông không có khả năng thu hồi vốn cũng sẽ ngưng cấp vốn. Lê Thanh |
Thanh Hải