Chủ tịch VFS: "Chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, VN-Index có thể đạt 1.280 điểm"

photo1610890927214 16108909274912047774536


Tại hội thảo "Triển vọng kinh tế tài chính 2021 – 2025: Cơ hội đầu tư trên TTCK" do Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và CTCK Nhất Việt (VFS), các chuyên gia đã có những nhận định tích cực về kinh tế cũng như TTCK Việt Nam năm 2021.
 
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong năm 2020 với tăng trưởng GDP 2,9% và nằm trong top đầu các nước trên Thế giới. Dự báo của IMF cho tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam cũng tích cực đạt 6,7%.
 
Năm qua, lạm phát không phải vấn đề lớn với Việt Nam do sức cầu năm 2020 rất yếu. Tuy nhiên năm 2021, lạm phát có thể tăng khi nền kinh tế phục hồi, tiêu dùng tăng trưởng trở lại.
 
Ông Lực đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 có khả năng hồi phục theo hình chữ V, khả năng phục hồi hình chữ W là cực kỳ thấp. Ông đưa ra 4 lý do cho quan điểm này, bao gồm (1) Các nước nỗ lực kiểm soát dịch kết hợp với khôi phục kinh tế (2) Kết quả nghiên cứu vắc xin khả quan (3) Kinh nghiệm sống và làm việc trong thời kỳ bình thường mới (4) Chính phủ và NHTW tung ra nhiều gói hỗ trợ nhanh và mạnh.
 
Chứng khoán Việt Nam "thăng hoa" trong năm 2020
Tại buổi hội thảo, ông Trần Anh Thắng – Chủ tịch HĐQT VFS cho rằng năm 2020 dù nhiều biến động về kinh tế nhưng lại là một năm thăng hoa của TTCK thế giới nói chung cũng như TTCK Việt Nam nói riêng khi chỉ số VN-Index tăng 61,7% so với đáy được thiết lập vào cuối quý 1/2020 và tăng 14% so với đầu năm. Thanh khoản thị trường trung bình cả năm đạt 7.400 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 30% so với năm trước. Đặc biệt trong tháng 12, GTGD trung bình phiên dao động ở con số 14.000 tỷ đồng.
 
Lý giải cho đà tăng mạnh mẽ này, Ông Thắng cho rằng đó là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời của Chính phủ. Cụ thể, NHNN đã 3 lần hạ lãi suất vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10/2020 nhằm kích cầu tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó là khả năng phòng dịch và kiểm soát dịch chặt chẽ hơn so với các quốc gia khác của Việt Nam.
 
Thứ hai là sự tham gia của nhà đầu tư F0, với số lượng tài khoản mở mới đạt mức kỷ lục trong tháng 12 (hơn 63.000 tài khoản mở mới). Tuy nhiên, nếu so với tương đương quy mô dân số, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam (2,7 triệu tài khoản, tương 2,5% dân số), vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan 3%, Hàn Quốc 57%, Trung Quốc 12%.
 
Thứ ba là vốn hóa thị trường hiện mới đạt 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm 84,3% GDP. Con số này của các nước trong khu vực rơi vào 90%. Thứ 4 là thị phần của Việt Nam trong rổ MSCI đã tăng lên tới 30,64% trong ngày 31/12/2020, do Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, qua đó giúp thu hút dòng vốn vào thị trường.
 
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhắc đến yếu tố Nhà đầu tư nước ngoài như là một nhân tố tác động rất mạnh đến TTCK Việt Nam năm 2020 ở cả hai chiều mua và bán. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 35.000 tỷ đồng trên thị trường Việt Nam năm 2020. Tuy nhiên, điểm tích cực là áp lực bán ròng này ít hơn các quốc gia trong khu vực và đã giảm dần về cuối năm. Mặc khác, sự xuất hiện của các quỹ ETF nội đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2020, các quỹ ETF niêm yết trên HoSE đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng xấp xỉ 4.580 tỷ đồng.
 
Chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, VN-Index có thể đạt 1.280 điểm
 
Sau khi hồi phục mạnh trong năm 2020 và những ngày đầu năm 2021, chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch với P/E gần 20 lần. Ông Thắng cho rằng đây vẫn là mức định giá tương đối hấp dẫn khi so sánh với mức đỉnh quá khứ T4/2018 khi P/E VN-Index xấp xỉ 21 – 22x. Bên cạnh đó, P/E Việt Nam hiện vẫn thấp hơn các quốc gia trong khu vực nhưng tăng trưởng ROE trên 15% là con số vượt trội.
 
Nhấn mạnh rằng thị trường vẫn còn hấp dẫn, tuy nhiên ông Thắng cho rằng tăng trưởng bền vững có được cần nhờ đến việc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Theo thống kê, sau khi giảm sâu vào Q1/2020, tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết đã trở lại, và dự kiến hồi phục vào năm 2021. P/E TTCK Việt Nam ở mức hấp dẫn so với các nước khu vực, nhưng cũng đang tiến dần đến vùng đỉnh lịch sử, nên việc lựa chọn các cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng EPS tốt cũng sẽ là một chiến lược đầu tư tốt cho năm nay.
 
Về diễn biến thị trường năm 2021, ông Thắng dự báo sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng cả về thanh khoản và điểm số. Tuy nhiên tốc độ sẽ có phần kém hơn năm 2020 do triển vọng kinh tế đã được phản ánh một phần vào chỉ số. Ông Thắng có đưa ra 02 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 như sau:
 
+ Kịch bản 1: Với lộ trình vắc xin, EPS toàn thị trường tăng trưởng tốt > 18%, chỉ số VN-Index có thể đạt từ 1.250 đến 1.280 điểm.
 
+ Kịch bản 2: Với những rủi ro mới tác động, EPS tăng 15-16%, chỉ số có thể điều chỉnh và dao động quanh mốc 950 – 1050 điểm.
 
Các kịch bản của thị trường chứng khoán được ông Thắng đưa ra dựa trên những luận điểm cơ bản sau:
 
+ Kinh tế hồi phục và Triển vọng vắc xin: Tăng trưởng GDP dự kiến năm 2021 là 6,5% theo nghị quyết Chính phủ năm 2021, GDP bình quân đầu người 3.700USD/năm. Đầu tư công được đẩy mạnh với 450 nghìn tỷ đồng vào 2020 và 477 nghìn tỷ vào 2021 sẽ là động lực lớn cho đà hồi phục kinh tế. Bên cạnh đó, Vắc xin dự kiến tiến hành thử nghiệm và phân phối 2021 cũng sẽ giúp nền kinh tế lưu thông bình thường trở lại.
 
+ Hội nhập kinh tế, Hiệp định thương mại sẽ giúp mở rộng thị trường, nâng cao uy tín, thương hiệu Việt. Cùng với đó triển vọng từ các hiệp định EVFTA, RCEP, CPTPP sẽ tạo ra thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 
+ Về xu hướng dòng tiền trong nước, mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp dòng tiền cá nhân tiếp tục đổ vào thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trong năm 2020, tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên, chiếm 78% giao dịch toàn thị trường, đây là tỷ lệ lớn so với các thị trường khu vực. Các nhà đầu tư cá nhân thường tâm lý yếu, và có thể gây biến động mạnh tới thị trường. Trong khi đó, dòng tiền ngoại được dự báo tích cực khi trở lại các thị trường mới nổi, cận biên nhờ xu hướng nới lỏng tiền tệ cùng sự suy yếu của đồng USD.
 
+ Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ năm 2021 sẽ giúp TTCK Việt Nam có thể thực hiện được các nghiệp vụ mới như bán khống, ký quỹ: T+2 T+0 (VSD Mô hình thanh toán trung tâm CPP), ký quỹ 10-15% và nới lỏng room NĐTNN. Điều này sẽ giúp tăng kỳ vọng Việt Nam sớm được nâng hạng thị trường mới nổi.
 
Dù vậy, ông Thắng cũng cho rằng thị trường có thể đối mặt với một số rủi ro trong năm 2021 như dịch Covid-19 và biến chủng tiếp tục là rào cản lớn cho kinh tế thế giới, chừng nào vắc-xin chưa được phân phối rộng rãi. Ngoài ra, định giá TTCK Việt Nam hiện không còn rẻ nữa, đồng nghĩa các nhịp rung lắc sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
 
Minh Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
 
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây