Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong năm 2022, hàng loạt “cá mập” chìm trong thua lỗ

Thị trường chứng khoán đã khép lại một năm đầy sóng gió với VN-Index mất gần 33% và lọt top các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới. Nhiều cổ phiếu mất nửa thị giá, thậm chí “bốc hơi” 70-80% sau một năm. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các “cá mập” trên thị trường cũng đành ngậm ngùi lỗ nặng trong năm 2022.
 
Với đặc thù mô phỏng theo rổ chỉ số nhất định, các quỹ ETF có phần khó xoay sở hơn trước những biến động không thuận lợi của thị trường chung. Hầu hết các ETF đều lỗ sâu hơn mức giảm của VN-Index, thậm chí bộ đôi VNM ETF, FTSE Vietnam ETF còn có hiệu suất âm 45-50% trong năm qua. Fubon ETF, SSIAM VNFinLead ETF, DCVFM VN30 ETF đều lỗ trên 30% từ đầu năm trong khi DCVFM VNDiamond ETF khả quan nhất cũng có hiệu suất âm gần 21%.
 
Mặc dù hiệu suất đầu tư không mấy khả quan nhưng các quỹ ETF vẫn hút tiền rất mạnh và đóng góp lớn vào việc kéo khối ngoại trở lại TTCK Việt Nam. Trong năm qua, các quỹ ETF đã hút ròng hơn 1 tỷ USD với 2 “đầu tàu” là Fubon ETF và DCVFM VNDiamond ETF. Fubon ETF vẫn không ngừng gọi thêm vốn từ khu vực Đông Á để đầu tư vào Việt Nam trong khi DCVFM VNDiamond ETF hút tiền rất mạnh từ Thái Lan qua kênh DR.
 
Các quỹ chủ động dù có phần linh hoạt hơn nhưng cũng có hiệu suất khá tệ. JPMorgan VOF cùng bộ đôi VEIL và DCDS của Dragon Capital đều lỗ sâu hơn mức giảm của VN-Index và VN30-Index. Mặc dù chiến thắng 2 chỉ số chính nhưng VOF VinaCapital, KIM Vietnam Korea, Pyn Elite Fund và Lion Global Vietnam Fund cũng đều lỗ trên 25%. Quỹ ngoại đến từ Phần Lan Pyn Elite thậm chí còn ghi nhận hiệu suất tệ nhất kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2013.
 
 Ngoài DCDS có phân bổ tài sản vào trái phiếu và VOF VinaCapital đầu tư vào “private equity”, hầu hết các quỹ đầu tư trên đều thường xuyên trong trạng thái “full” cổ phiếu. Điều này khiến các “cá mập” không thể đi ngược xu hướng của thị trường dù vẫn miệt mài cơ cấu danh mục nhằm thích ứng với những biến động.
 
Mặc dù hiệu suất đầu tư không mấy khả quan nhưng các quỹ ngoại vẫn đánh giá cao triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Minh chứng rõ ràng nhất là động thái mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong 2 tháng cuối năm. Giá trị mua ròng trên HoSE lũy kế cả năm 2022 đạt gần 27.000 tỷ đồng. Tính chung trên cả 3 sàn, con số này thậm chí còn lên đến 29.000 tỷ đồng.
 
Theo ông Petri Deryng – người đứng đầu Pyn Elite Fund, diễn biến trồi sụt của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay là điều bất thường. Đặc biệt, trong quý 3, đồng VND mất giá, lãi suất tăng cộng thêm việc thị trường TPDN dường như “đóng băng” khiến kênh cổ phiếu chịu áp lực bán tháo. So sánh với các thị trường khác trong khu vực ASEAN, không thị trường nào có mức giảm tương tự. Do đó, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại khi các vấn đề đang dần được khắc phục.
 
Ông Petri Deryng cho rằng những ngày “giông bão” mà TTCK Việt Nam vừa trải qua sẽ mang lại triển vọng lợi nhuận tươi sáng trong năm tới. “Niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện, chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ đi theo lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trong 12 tháng tới. Trong số các nước ASEAN, triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Việt Nam là mạnh mẽ nhất ” – sếp PYN Elite nhấn mạnh.
 
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường
 
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây