"Săn" cổ phiếu của doanh nghiệp vốn nhà nước có thể trả cổ tức cao nhất trong năm 2022, vượt xa lãi suất ngân hàng

Tháng 4 là thời điểm mà phần lớn các doanh nghiệp bắt đầu họp Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) thường niên. Cuộc họp quan trọng nhất năm cho các cổ đông này thường bao gồm rất nhiều nội dung lớn, trong đó phân phối cổ tức sẽ là một chủ đề lớn. Năm nay, nhà đầu tư có thêm nhiều cơ hội "săn" cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn Nhà nước có lợi suất cổ tức/giá cổ phiếu hấp dẫn nhờ Nghị định 140/2020/NĐ-CP.
 
Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố kết quả phân tích dựa trên dữ liệu của hơn 1.700 doanh nghiệp niêm yết, có khoảng 471 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% và có khả năng sẽ chi trả cổ tức theo Nghị định 140. 
 
Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, sau khi chia lãi cho các bên góp vốn, bù đắp khoản lỗ của các năm trước, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, trích quỹ đầu tư phát triển (tối đa 30%) thì phần lợi nhuận còn lại sẽ thực hiện chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho phần vốn nhà nước sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. 
 
Yuanta Việt Nam cho biết, thống kê trên đã loại bỏ nhiều doanh nghiệp có thanh khoản thấp và một số yếu tố cơ bản không quá hấp dẫn. Loại bỏ những doanh nghiệp này, có khoảng 16 doanh nghiệp có mức thanh khoản cao, một số yếu tố cơ bản tốt và lợi suất cổ tức/giá cổ phiếu hấp dẫn.
 
Hàng loạt cái tên được Yuanta dự báo có thể mang lại lợi suất cổ tức lớn cho nhà đầu tư với tỷ suất sinh lợi vượt xa lãi suất ngân hàng. Dẫn đầu về mức chi trả cổ tức trong năm nay là DPR của Cao su Đồng Phú khi lợi suất cổ tức năm 2022 có thể lên đến 10.664 đồng. Trong ngành cao su, DPR giành "quán quân" về tăng trưởng lợi nhuận khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 491 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ.  
 
Tương tự, DVP của Cảng Đình Vũ cũng được dự báo với mức chi trả cổ tức cao nhất lên đến 9.683 đồng/cp, mức cổ tức thấp nhất là 4.850 đồng/cp. HMC của Kim Khí TP.HCM cũng được dự báo có mức lợi suất cổ tức năm 2022 cao nhất ở mức 8.227 đồng. 
 
Hai cổ phiếu phân bón của Phân Bón Hoá chất Dầu khí Miền Trung (PCE) và Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng lần lượt có mức chi trả cổ tức ấn tượng ở mức 7.850 đồng và 7.883 đồng. Nhìn lại tăng trưởng lợi nhuận của hai doanh nghiệp năm 2021 khá ấn tượng, PCE có mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 413%, trong khi DPM cũng bứt phá 352% lợi nhuận so với cùng kỳ.
 
Riêng DPM, báo cáo phân tích của Agriseco cũng đánh giá cao triển vọng giá phân bón và cơ hội mở rộng xuất khẩu trong năm 2022. Cụ thể, giá phân bón trong năm nay vẫn có khả năng duy trì ở mức cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và một số nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu phân bón là thời cơ thuận lợi để mở rộng thị phần và hướng tới xuất khẩu cho DPM.
Các doanh nghiệp còn lại xếp theo thứ tự có thể chi trả cổ tức cao như PSD 4.430 đồng; Xi măng La Hiên CLH 4.277 đồng; DNW Cấp nước Đồng Nai 4.100 đồng; PSE Hoá chất DK Đông Nam Bộ 3.899 đồng; VCA Thép Vicasa 3.473 đồng; PTS 3.203 đồng; PMB 2.573 đồng; PSW 2.688 đồng; SJD 2.400 đồng và PPY 1.693 đồng. 
 
Năm 2021, Yuanta cũng đã ước tính con số cổ tức có thể trả bằng phương pháp lọc cổ phiếu theo Nghị định 140. Kết quả cho thấy, cổ tức thực trả trong 2021, ngoài SID, các doanh nghiệp khác đã chi cổ tức thực trả tương đương từ 76% mức cổ tức ước tính (Min) trở lên và nằm trong khoảng Min-Max mà công ty chứng khoán này ước tính.
Điểm lại những doanh nghiệp chi trả cổ tức cao trong năm 2021 được Yuanta thống kê vẫn là những cái tên quen thuộc gồm PCE, HMC, PMB, PSE, VCA, PTS, PSD, DVP, CLH, PPY, PDR...
 
Minh Minh
Theo Trí thức trẻ
 

Nguồn tin: cafef.vn/

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây