Tuy nhiên, đây chỉ là thời hạn “gia cố” thêm, bởi trước đó cơ quan này đã “đóng” ở hạn mốc 1/3/2008.
Đáng nói là trong tổng số 87 CTCK đã kết nối mới chỉ có 9 Cty được UBCKNN nêu tên nghiêm túc thực hiện và hầu hết đều là những Cty “sinh sau đẻ muộn”. Tại sao lại có sự chậm trễ này?
Tách biệt tránh... rắc rối
Từ trước đến nay, các CTCK nhiều khi hoạt động như một ngân hàng khi phải kiêm thêm việc quản lý cả tiền của NĐT. Số dư tài khoản của NĐT tại các CTCK ước tính phải lên tới vài chục ngàn tỷ đồng và tập trung nhiều nhất là các Cty có máu mặt như SSI, BVS, VCBS…
Trên thực tế, việc tập trung quản lý tiền ở các CTCK thời gian qua đã gây ra khá nhiều rắc rối.
Vào những giai đoạn thị trường “nóng”, có những hôm NĐT phải chen chân xếp hàng chờ được nộp hay rút tiền.
Theo các chuyên gia, để việc quản lý tiền NĐT và phối hợp có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi giữa ngân hàng, CTCK và NĐT thì cơ quan quản lý cần phải quy định rõ trách nhiệm của từng bên. Chẳng hạn, tài khoản tiền gửi tại ngân hàng là một bí mật cá nhân của chủ tài khoản, vì thế cần có quy định cho phép CTCK được ngân hàng tiết lộ thông tin về NĐT cũng như có sự thỏa thuận với NĐT về quy định này; hay như khi hệ thống kết nối có vấn đề, ảnh hưởng đến NĐT thì quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo như thế nào... |
Cùng đó, đặt một con tính hơn - thiệt, nếu ở trong tài khoản của Cty CK, số tiền của NĐT ngay cả khi không bị lạm dụng thì cũng chỉ nằm “chết”, trong khi đó nếu gửi ngân hàng, nhà đầu tư có thể được hưởng lãi suất không kỳ hạn tính trên đơn vị bằng ngày.
Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều nhà đầu tư cho biết có những giai đoạn thị trường biến động mạnh, dù có tới hàng trăm triệu trong tài khoản họ cũng không dám rút ra gửi ngắn hạn ở ngân hàng bởi chỉ sợ khi thị trường quay đầu không sẵn tiền đặt mua sẽ mất đi cơ hội.
Rắc rối điển hình nhất của việc để tiền tại CTCK là việc lợi dụng tiền trong tài khoản của NĐT để “lướt sóng”, từng gây nên những tranh cãi ầm ĩ tại một loạt các Cty CK trong thời gian vừa qua.
Đó là chưa kể đến vấn đề, khi tính thanh khoản VND hiện nay gặp khó khăn, rõ ràng việc một tổ chức không có nghiệp vụ ngân hàng lại phải quản lý một lượng tiền lớn rõ tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Do vậy, khi Quyết định số 27/QĐ-BTC về Quy chế hoạt động và tổ chức CTCK, với nội dung các CTCK phải quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng tách biệt khỏi tiền của chính CTCK ra đời (trong đó nhấn mạnh: CTCK không được trực tiếp nhận tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng.
Khách hàng của CTCK phải mở tài khoản tiền tại ngân hàng thương mại do CTCK lựa chọn) hầu hết NĐT trên sàn đều ủng hộ. Và theo UBCKNN, quy định trên sẽ đem lại sự an toàn cho NĐT đối với khoản tiền của mình, đảm bảo lợi ích khi CTCK gặp khó khăn, chống rửa tiền.
Vẫn còn băn khoăn...
Trao đổi với phóng viên Tiền phong, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Sòn (SSI) cho hay, hiện SSI đã có kết nối với một số ngân hàng như: Đông Á, ANZ, Vinabank, Eximbank và từ cuối 2007 đại diện tại các quầy thu tiền ở sàn SSI đều là nhân viên của các NH này chứ không phải của Cty.
“Sở dĩ chúng tôi làm với nhiều ngân hàng vì tổng số tài khoản hoạt động của SSI hiện chiếm khoảng 17% thị phần, mà không phải ngân hàng nào cũng giống ngân hàng nào, nên chúng tôi muốn phân ra để tránh có sự cố”.
Theo ông Hưng, điểm e ngại nhất của CTCK khi chuyển tài khoản của NĐT sang ngân hàng là sự tương tác hệ thống hiện nay chưa tốt, sự cố quan trọng nhất nhiều khả năng xảy ra là hệ thống IT (công nghệ thông tin) của hai bên không trùng lặp.
Đồng thời ông Hưng khẳng định: “Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc việc tách biệt này đúng thời điểm UBCKNN có yêu cầu”.
Tương tự, ông Lê Hồ Khôi, Tổng giám đốc CTCK Tràng An cho biết: “Ngay từ cuối năm 2007, công ty đã chuyển quản lý tiền của NĐT sang ngân hàng, ở Hà Nội là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, khu vực phía Nam là Ngân hàng Nhà Đồng bằng sông Cửu Long trong một tài khoản chung mà CTCK mở cho các NĐT, trong đó có từng tiểu khoản để quản lý từng NĐT.
Cũng theo ông Khôi, UBCKNN cần phải làm việc với Ngân hàng Nhà nước và có hướng dẫn chung xung quanh việc kết nối giữa CTCK và ngân hàng, bởi vì các CTCK khi đàm phán mở tài khoản tại ngân hàng thường ở “thế yếu” theo kiểu mình cần họ và bị các ngân hàng buộc phải trả chi phí liên quan đến kết nối.
Đi sâu vào tìm hiểu, Tiền phong được biết hiện đã có khá nhiều NH ký thỏa thuận quản lý tiền trong tài khoản của NĐT với các CTCK.
Tiên phong trong vấn đề này phải kể đến NHTMCP Techcombank với lễ ký với 4 CTCK (CTCK Bảo Việt, CTCK Hà Thành, CTCK Biển Việt, CTCK Hải Phòng) vào cuối tháng 10/2007 mà theo đó Techcombank sẽ cung cấp trọn gói sản phẩm dịch vụ cho NĐT.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối DN của NHTMCP Quốc tế thì cho Tiền phong hay, NH này hiện đã ký thỏa thuận với khoảng 10 CTCK và đã cho chạy thử một số phần mềm liên quan đến dịch vụ này.
Việc UBCKNN dời thời điểm tới 1/10/2008 theo ông Tùng là “hoàn toàn thoải mái” để các CTCK chuẩn bị thực hiện và chẳng có lý do gì để... chần chừ!
Khánh Huyền