Ngân hàng bức xúc với trần lãi suất huy động

Giao dịch tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Đặng Vỹ

Tiền gửi ngân hàng đã được rút ra

Kể từ đầu tháng Tư, khi các NH thực hiện lãi suất 11%, tiền gửi tại các NH đã giảm, và hiện có nguy cơ giảm tiếp. Một NH có tên tuổi ở TP.HCM cho biết những ngày gần đây bình quân mỗi ngày bị rút đi 40 tỷ đồng.

Người dân đã thấy gửi tiền vào NH không còn có lợi nữa. Trong khách hàng đã xuất hiện tâm lý sắp tới đây trần lãi suất 12% sẽ bị phá, nên đến hạn khách hàng rút ra nhưng không tiếp tục gửi, cầm tiền chờ động tĩnh.

Theo số liệu của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, chỉ trong vòng nửa tháng kể từ ngày thực hiện trần lãi suất huy động 11%, số tiền huy động đã giảm đi 9.225 tỷ so với đầu tháng. Tình trạng NH mất thanh khoản đang có nguy cơ tăng lên.

Mặc dù các NH vẫn nói cứng rằng vẫn đảm bảo cân đối nguồn vốn huy động và tín dụng, nhưng trong báo cáo của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hiện nay đã có rất nhiều NH cho vay vượt vốn huy động khá lớn. Cá biệt có NH nhỏ đã cho vay gấp đôi số vốn huy động.

Trần lãi suất: Kiềm chế lạm phát hay rào cản?

Một NH nông thôn mới lên đô thị ở TP.HCM cho biết, hiện NH này đang chuẩn bị một chương trình khuyến mãi, chờ có cơ hội là tung ra. NH này đã chuẩn bị hai phương án, đó là huy động với lãi suất 12%, hoặc nếu diễn biến thuận lợi thì lãi suất có thể cao hơn.

Lãnh đạo của NH này cũng cho biết, các NH ở đây hầu hết đã rục rịch chuẩn bị, chỉ chờ có cơ hội là lập tức sẽ tăng lãi suất huy động.

Trên thực tế, việc tăng lãi suất lên trên mức 11% đã diễn ra, mà phát pháo là NH TMCP Sài Gòn. Cuối tuần qua, theo báo Tiền Phong, các NH như Đại Dương (Ocean Bank), Miền Tây (Western Bank), Bắc Á đã đưa ra mức lãi suất 12%/năm.

Các NH đã nói rằng không ai muốn đi vay cao và cho vay cao. Tuy nhiên do bức thiết của nhu cầu vốn, mức trần lãi suất 12% chắc chắn sẽ bị phá vỡ, vấn vấn đề là sớm hay muộn.

TGĐ ngân hàng An Bình (ABBank) cho rằng điều quan trọng nữa là nền kinh tế cần phải được vận hành theo quy luật cung cầu. Hiện nay trong bối cảnh lạm phát tăng cao và ngân hàng nhà nước đã hút một lượng tiền về, nhu cầu vốn là rất lớn. Vì vậy, nếu khống chế lãi suất huy động sẽ gây khó khăn không nhỏ cho việc huy động vốn của NH và tín dụng của doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Anh Dũng, TGĐ ngân hàng TMCP Sài Gòn, nếu cứ duy trì mức 11% như hiện nay, tình hình còn tồi tệ hơn, không chỉ với NH mà DN sẽ khó vay để phục vụ SXKD, dẫn tới sản xuất kém hiệu quả.

VNBA: Níu kéo!

Ngày 18/4, Hiệp hội NH (VNBA) có văn bản kêu gọi các thành viên giữ mức trần huy động lãi suất là 11% như đã thỏa thuận trước đây. Động thái này cho thấy VNBA vẫn còn đang rất cố gắng níu kéo mức trần này.

Nếu nói về thủ tục thì mức lãi suất trần 11% là do chính các NH đưa ra vì đó là thỏa thuận của Hiệp hội, nhưng hiện nay lại chính các NH lại phản đối khá quyết liệt và bức xúc đòi phá bỏ. Điều đó có thể thấy điều được gọi là “thỏa thuận” có tính áp đặt.

Nhiều NH xác nhận, trong cuộc họp thỏa thuận lãi suất 1 suất, khá nhiều NH phản đối khá gay gắt việc giảm trần lãi suất xuống còn 11%. Bởi lẽ chỉ mới hơn 10 ngày trước đó, Chính phủ đã có công điện định mức lãi suất là 12%.

"Hiện nay chúng tôi thực hiện cam kết vì tôn trọng Hiệp hội. Nhưng nếu tình hình vẫn không có gì cải thiện, chúng tôi buộc phải đặt quyền lợi doanh nghiệp lên trên, vì Hiệp hội đã không hỗ trợ nguyện vọng và vì quyền lợi hội viên" - TGĐ một NHphát biểu.

Trong khi phần lớn hội viên có nguyện vọng giống nhau và phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhưng Hiệp hội vẫn bảo vệ quan điểm của mình, thì đó chỉ là quan điểm của những người lãnh đạo hoặc là cơ quan thường trực chứ không phải là của hội viên.

Đặng Vỹ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây