Các nhân viên đang nhập lệnh tại sàn giao vàng ACB. Ảnh: Hùng Vũ
“Vạn sự khởi đầu nan”
Khai màn cho cuộc đua sàn vàng phải kể đến Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Mới đây, PNJ đã phối hợp với Ngân hàng Đông Á cho ra mắt nhãn hiệu vàng miếng PNJ-DongA Bank. Để chuẩn bị cho việc thành lập SGDV, PNJ sẽ cùng một số cổ đông thành lập Cty vàng Quốc tế, Cty này sẽ giữ nhiệm vụ là nhà phân phối chính các sản phẩm vàng của Cty.
Không chịu đứng ngoài cuộc chơi, ngân hàng Eximbank cũng đang có kế họach lập SGDV riêng của mình. Ông Phạm Văn Thiệt, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, “Eximbank từ lâu nổi tiếng là một ngân hàng có thế mạnh trong việc kinh doanh vàng và ngoại tệ. Nhiều khách hàng muốn đầu tư trực tiếp tại ngân hàng nhưng không có chỗ đành phải sang ngân hàng khác. Việc thành lập SGDV không chỉ khẳng định tên tuổi mà còn mở rộng tầm họat động của ngân hàng trong tương lai.”
Ngoài hai ngân hàng nêu trên, Ngân hàng Sacombank và VietA Bank cũng đang có kế hoạch thành lập SGDV trực thuộc ngân hàng.
Trước mắt, Ngân hàng Sacombank đã thành lập Cty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sacombank, đây có thể xem là bước đệm cho Sacombank trước khi cho ra đời sàn giao dịch vàng. Còn VietA Bank thì sẽ thành lập sàn giao dịch ngay trên trụ sở của mình (đường Nguyễn Công Trứ, Q1, TP.HCM).
Cuối cùng, sau nhiều năm là chiếc bóng mờ cho các ngân hàng, Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thông qua công ty chứng khóan của mình sẽ chính thức cho ra đời SGDV vào tháng 5/2008. Đại diện SJC cho biết, sàn giao dịch của Cty sẽ có nhiều điểm khác biệt và khách hàng khi tham gia sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn các SGDV khác.
Cần một cơ chế quản lý
Trong cơ chế thị trường, việc mở cửa cho thị trường vàng trong nước phát triển là một điều cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, việc có quá nhiều SGDV đi vào hoạt động, đòi hỏi các ngành chức năng phải sớm đưa ra một cơ chế quản lý thống nhất, minh bạch và chặt chẽ, nhằm giúp thị trường vàng hoạt động có quy cũ và chuyên nghiệp hơn.
Cụ thể, lâu nay trong nước, nhà đầu tư muốn "lướt sóng" với vàng chỉ có thể đến sàn giao dịch vàng của Ngân hàng ACB (tại Hà Nội và TP.HCM), và chỉ có thể dùng vàng mã SJC để giao dịch.
Với nhiều sàn giao dịch vàng, nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn, tuy nhiên, một loạt câu hỏi đặt ra: Nhà đầu tư sẽ chọn mã vàng thống nhất nào để đầu tư, họ sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào khi có tình huống xấu xảy ra (như các vụ sập sàn của ACB thời gian qua...)
Theo ông Hùynh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kinh doanh vàng trên tài khoản là một hoạt động mang nhiều lợi nhuận, nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro không thua gì thị trường chứng khóan hay địa ốc. Vì vậy, ngoài một khung pháp lý chuẩn, cũng nên có một Ủy ban giám sát hay điều tiết hoạt động của SGDV.
Ông nêu lên trường hợp dư luận gần đây đặt nghi vấn cho sàn giao dịch vàng ACB “làm giá”, khiến giá vàng trên sàn bao giờ cũng khác biệt so với giá vàng thế giới, và bên ngoài thị trường. Nhưng do không có cơ chế nào giám sát, nên nhà đầu tư đành chịu thua, nhận phần lỗ về mình!
Thông tin mới nhất cho biết, vào đầu tháng 5 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cử một số cán bộ đi khảo sát và học tập kinh nghiệm ở những nước có triển khai sàn vàng. Như vậy, việc tìm ra mô hình thích hợp cho SGDV Việt Nam xem ra vẫn phải tiếp tục chờ thêm một thời gian nữa!
Hùng Vũ