Chất lượng tăng trưởng kinh tế

Ngày 17.12.2007, Ngân hàng Thế giới đã công bố lại tính toán về tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên cơ sở cân bằng sức mua (PPP) cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, PPP của Việt Nam năm 2005 tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương được điều chỉnh giảm từ 2.555,6 tỉ USD xuống còn 178,1 tỉ USD, giảm 30,3%. Tương ứng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo PPP năm 2005 chỉ còn 2.142 USD, chứ không phải là 3.076 USD như đã công bố trước đây (đúng ra là 3.071 USD theo công bố của UNDP vào cuối tháng 11.2007). Theo số liệu mới nhất này, thì chênh lệch GDP bình quân đầu người giữa các nước, nhất là các nước phát triển và Việt Nam giãn thêm ra.

Điều đó đòi hỏi tăng trưởng của Việt Nam cần phải cao hơn nữa thì mới khắc phục được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, bởi giá trị 1% tăng lên của các nước phát triển lớn hơn Việt Nam nhiều, nên dù tốc độ tăng của những nước phát triển có thấp hơn Việt Nam, thì chênh lệch tuyệt đối giữa các nước với Việt Nam vẫn còn lớn hơn (ví dụ, Singapore tăng 1% có nghĩa là tăng 418,6 USD, còn Việt Nam tăng 10% cũng chỉ có 214,2 USD, năm sau của Singapore sẽ là 42.280 USD/người, còn của Việt Nam là 2.356 USD/người, chênh lệch giữa Singapore và Việt Nam sẽ là 39.924 USD/người, còn cao hơn cả mức chênh lệch trong năm trước là 39.719 USD/người).

Tăng cao về số lượng là hết sức cần thiết. Nhưng làm cho việc tăng cao về số lượng đó được bền vững, đặc biệt trong điều kiện mở cửa, hội nhập có sự cạnh tranh gay gắt, thì nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là vấn đề bức bách.

Trong ba yếu tố đầu vào tác động đến tăng trưởng, yếu tố số lượng vốn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất - tới 57,5%, yếu tố số lượng lao động chiếm 20%, còn yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (bao gồm hiệu quả đầu tư, hiệu quả quản lý, năng suất lao động,...) chỉ chiếm 22,5% - có nghĩa là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu. Hiệu quả của đầu tư  còn rất thấp. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP đạt 40,6% là một cố gắng lớn trong việc huy động vốn, nhưng như thế cũng có nghĩa là một đồng vốn đầu tư sản xuất chưa được 2,5 đồng GDP, trong khi của các nước 1 đồng vốn đầu tư sản xuất ra được 4-5 đồng GDP.

Tăng trưởng GDP đạt 8,5% là cao, nhưng phải cần đến một lượng vốn lớn lên đến 40,6% GDP là hiệu quả thấp, bởi để tăng được 1 đồng GDP phải cần tới 4,8 đồng vốn đầu tư; ở khu vực quốc doanh còn cao gấp đôi khu vực tư nhân (7 đồng so với 3,7 đồng), trong khi của các nước chỉ cần trên dưới 3 đồng. Hiệu quả thấp do quy hoạch còn yếu kém, đầu tư phân tán do bị co kéo, chi phí giải phóng mặt bằng lớn, lãng phí thất thoát còn chiếm tỷ lệ không nhỏ... Năng suất lao động bình quân mới đạt khoảng 25 triệu đồng/người/năm, tính ra chưa được 1.600 USD; của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản còn thấp hơn nhiều.

Nguyên nhân chính là do tỷ lệ lao động đã qua đào tạo hiện còn rất thấp, đạt chưa được một phần ba; quá hai phần ba số tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học ra trường có việc làm nhưng làm không đúng ngành nghề được đào tạo. Trình độ kỹ thuật - công nghệ ngay của ngành công nghiệp cũng còn thấp; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao thì thấp chỉ bằng một phần ba, trong khi tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp lại cao gấp ba các nước trong khu vực.

Trong ba nhóm ngành kinh tế, nông, lâm nghiệp - thủy sản còn thu hút đến gần 60% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp; nông dân trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu lấy công làm lãi, tích lũy thấp, nay chi phí đầu vào lại cao, lại gặp thiên tai, dịch bệnh. Công nghiệp tăng cao về giá trị sản xuất nhưng lại tăng thấp về giá trị tăng thêm (17,1% so với 11%), chứng tỏ tỷ lệ chi phí trung gian tăng, tính gia công cao... Nhóm ngành dịch vụ tuy đã tăng cao hơn tốc độ chung, nhưng vẫn còn mang tính thương nghiệp thuần túy, các dịch vụ có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ trọng nhỏ; còn mang nặng tính kiêm nhiệm nên tính chuyên nghiệp không cao và năng suất lao động giảm (tỷ trọng trong toàn nền kinh tế của nhóm ngành dịch vụ về lao động tăng nhanh từ 17,4% năm 1995 lên gần 26% hiện nay, nhưng về GDP lại giảm từ 44,1% xuống còn 38,1%).

Trong hai yếu tố đầu ra, thì tiêu thụ trong nước tăng cao, nhưng có đến gần một nửa là do tăng giá. Một năm sau khi gia nhập WTO, xuất khẩu tiếp tục tăng khá, nhưng nhập siêu lại cao gấp đôi cả về kim ngạch, cả về tỷ lệ nên đóng góp của xuất khẩu đối với tăng trưởng kinh tế bị giảm ý nghĩa thực tế. Nguyên nhân quan trọng là do hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu hàng xuất khẩu chậm chuyển dịch, tính gia công còn cao, thực thu ngoại tệ thấp...

Chất lượng tăng trưởng theo nghĩa rộng còn bao gồm cả sự phát triển xã hội, chủ yếu là bảo đảm sự công bằng; bảo vệ và cải thiện về môi trường.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây