Điều gì sẽ xảy ra?

Nhà đầu tư tiếp tục hồi hộp chờ đợi - Ảnh: Thanh Đạm

Điều này sẽ tác động như thế nào đối với thị trường chứng khoán thời gian tới? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia.

* Ông NGUYỄN HỒNG NAM - phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI):

Nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư không nhìn cùng một hướng

Tôi cho rằng những nhà hoạch định chính sách chỉ đứng trên góc độ ngân hàng để đưa ra những ràng buộc phục vụ hoạt động ngân hàng. Nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư trong trường hợp này không nhìn cùng một hướng. Theo tôi, chắc cũng chẳng có tác động gì nhiều. Bởi lẽ, nguồn vốn tín dụng ngân hàng chỉ là một trong những nguồn vốn của nhà đầu tư. Hơn nữa, việc hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng trong thời gian qua cũng đã tác động rồi, hầu hết chứng khoán đều giảm mạnh.

Do đó, tôi cho rằng chứng khoán khó xuống thấp hơn nữa. Vấn đề quan trọng nhà đầu tư phải xem xét là mức giá chứng khoán đó đã tốt hay chưa để đầu tư.

* Ông ĐOÀN ĐỨC VỊNH - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Âu Việt:

Các ngân hàng mới thành lập được "ủng hộ"

Nếu so với việc khống chế cho vay kinh doanh chứng khoán theo tổng dư nợ, việc khống chế cho vay kinh doanh chứng khoán theo vốn điều lệ tới đây chắc chắn sẽ khiến nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu vay kinh doanh chứng khoán giảm đáng kể. Tôi có cảm giác rằng việc sửa đổi qui chế cho vay mới này chỉ "ủng hộ" những ngân hàng mới hoặc sắp thành lập. Chỉ có những ngân hàng mới hoặc sắp thành lập mới có thể khai thác mạnh đối với nghiệp vụ này, còn các ngân hàng đã và đang hoạt động hiện nay thì phải co lại.

Tuy nhiên, theo tôi, ảnh hưởng nếu có cũng chỉ là vấn đề tâm lý của nhà đầu tư. Điều tôi hi vọng là với hoạt động sản xuất kinh doanh khá tốt của hầu hết công ty niêm yết sẽ là yếu tố quan trọng giúp thị trường tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tới.

* Ông LÊ ĐẠT CHÍ - nhà phân tích chứng khoán:

Nhà đầu tư sẽ tiếp tục mất niềm tin

Nếu nói việc hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán theo qui định cũ và hướng sửa đổi tới đây tác động đối với thị trường như thế nào sẽ rất khó tìm được câu trả lời. Nhưng chắc chắn nhà đầu tư sẽ tiếp tục mất niềm tin vào các nhà hoạch định chính sách. Theo thông tin mà nhà đầu tư nhận được, việc sửa đổi qui chế cho vay cũ nằm trong "gói" cứu thị trường chứng khoán đã được các nhà quản lý cam kết.

Thế nhưng, hướng điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước không những trái với kỳ vọng của nhà đầu tư mà còn thể hiện sự thiếu nhất quán trong điều hành thị trường. Về điều chỉnh qui chế cho vay kinh doanh chứng khoán, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã không quan tâm đến năng lực của từng ngân hàng mà chỉ quan tâm đến anh nào nhiều vốn điều lệ hay không. Ngay cả những nhà đầu tư không vay vốn tín dụng cũng sẽ bị tác động bởi cách hành xử của cơ quan quản lý thị trường, mà đây là Ngân hàng Nhà nước.

Bởi lẽ, dù không vay vốn kinh doanh chứng khoán nhưng không ai đảm bảo tới đây các nhà hoạch định chính sách lại không tiếp tục đưa ra những chính sách "lấp lửng" khác gây ảnh hưởng trực tiếp đến mình.

Chứng khoán tăng chậm lại

Trong phiên giao dịch sáng 31-1, chỉ số chứng khoán VN (VN-Index) tăng điểm phiên thứ năm liên tiếp, nhưng đã không còn giữ được tốc độ "vũ bão" như hai phiên trước đó. VN-Index giảm đến 11,36 điểm (tương đương 1,34%), xuống còn 831,74 điểm. Bảng giá điện tử xuất hiện khá nhiều màu "đỏ” - giảm giá - và VN-Index tiếp tục mất 5,1 điểm (tương đương 0,6%) trong đợt khớp lệnh liên tục.

Tuy nhiên, VN-Index đã bất ngờ phục hồi vào cuối phiên, đạt 844,11 điểm, tăng 1,01 điểm (tương đương 0,6%) - mức tăng thấp nhất từ trước đến nay. Kết thúc phiên giao dịch, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, toàn thị trường có 74 mã chứng khoán tăng giá, 47 mã giảm giá và 27 mã đứng giá. Tại sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số Hastc-Index phiên này lại đảo chiều, giảm 2,54 điểm (tương đương 0,86%), xuống còn 294,13 điểm.

Theo các chuyên gia, tình trạng "chững" lại của chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 31-1 do các thông tin bất lợi về cơ chế cho vay kinh doanh chứng khoán mới sửa đổi sắp được ban hành, trong đó Ngân hàng Nhà nước đã "siết" lại hoạt động này thay vì "mở ra" theo như kỳ vọng của hầu hết nhà đầu tư.

Một chuyên gia cho rằng tình trạng bán ra ào ạt trong hai đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa và liên tục đã phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Sự phục hồi vào cuối phiên, theo vị chuyên gia này, là do một số nhà đầu tư quyết định mua vào khi thấy giá nhiều chứng khoán rớt xuống mức thấp.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây