Giá cổ phiếu đã xuống khá thấp
Có nhiều yếu tố làm cho giá chứng khoán tăng, trong đó quan trọng nhất là giá nhiều loại cổ phiếu hiện đã xuống khá thấp. Trong 151 mã cổ phiếu trên sàn TP.HCM có 43 mã có giá dưới 2 chấm (tức là xuống gần đến mức mệnh giá), có 37 mã có giá dưới 3 chấm, cộng lại là 80 mã (chiếm trên một nửa tổng số mã có giao dịch); chỉ có 7 mã từ 10 chấm trở lên. Trong 3 mã chứng chỉ quỹ thì 2 mã đã ở dưới mức mệnh giá, 1 mã 1 chấm. Hệ số P/E hiện rất thấp (có tới 82/143 mã (có giao dịch) có hệ số P/E đạt dưới 10 lần, trong đó có 21 mã P/E chỉ dưới 6 lần).
Trong 136 mã cổ phiếu trên sàn Hà Nội, có 40 mã có giá dưới 2 chấm, có 39 mã dưới 3 chấm, cộng lại là 79 mã (chiếm trên 2/3 tổng số mã có giao dịch); chỉ có 3 mã có giá trên 10 chấm. Hệ số P/E cũng rất thấp (có tới 90 mã có hệ số P/E dưới 10 lần, trong đó có tới 55 mã có P/E dưới 6 lần). Tổng giá trị vốn hóa thị trường xuống dưới mức 300 nghìn tỉ đồng. Khi giá đã xuống quá thấp thì những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người đầu tư chủ yếu bằng vốn tự có sẽ đẩy mạnh mua vào theo kinh nghiệm "mua ở đáy, bán ở đỉnh".
Một yếu tố quan trọng thường dẫn dắt thị trường là việc mua vào và bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài. Động thái của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây là đẩy mạnh mua vào, thường chiếm trên dưới một nửa tổng giá trị khớp lệnh và lượng mua vào gấp nhiều lượng bán ra.
Có một yếu tố mới xuất hiện, nhưng chưa có tác động ngay, đó là việc Ngân hàng Nhà nước quyết định bỏ trần lãi suất huy động. Khi trần lãi suất được gỡ bỏ thì một lượng lớn tiền trong lưu thông sẽ được các ngân hàng thương mại hút về, sẽ giảm bớt khó khăn về tính thanh khoản, sẽ giảm áp lực giải chấp cổ phiếu cầm cố, hàng sẽ không bị "xả" ào ạt như trước. Đó là chưa kể, chắc chắn cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp để hỗ trợ, chặn lại sự sút giảm của chỉ số giá chứng khoán, dù không tác động đến các yếu tố liên quan tới cung - cầu thì cũng tác động đến tâm lý các nhà đầu tư bằng các biện pháp kỹ thuật,...
Hơn nữa, theo dự báo của nhiều chuyên gia đến cuối năm nay VN-Index sẽ đạt khoảng 550 điểm, tăng 22,5% trong 7 tháng, bình quân một tháng tăng 3,2%. Nếu theo dự báo của HSBC thì cuối năm còn lên đến 600 điểm, tăng tới 33,6% trong 7 tháng, bình quân một tháng tăng tới 4,8%. Đó là những tỷ suất khá cao.
Khi lãi suất huy động và giá vàng tăng
Bên cạnh những yếu tố tác động tích cực làm tăng giá chứng khoán, hiện cũng có không ít các yếu tố tác động tiêu cực làm giảm giá chứng khoán. Yếu tố quan trọng nhất là trong thời kỳ lạm phát, việc kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một, thì việc thắt chặt tiền tệ vẫn cần phải tiếp tục, chưa thể nới lỏng. Động thái bỏ trần lãi suất huy động tuy có cải thiện tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, nhưng các ngân hàng này từ bài học trong thời gian trước sẽ phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay "trông giỏ, bỏ thóc" - đó là chưa nói ngân hàng về thực chất cũng là đi vay để cho vay. Khi lãi suất huy động cao lên thì kênh gửi tiết kiệm với lãi suất danh nghĩa cao và có thể sẽ có lãi thực trong những tháng tới. Và sẽ có nhiều người lựa chọn kênh đầu tư này để vừa đỡ rủi ro, vừa đỡ... đau đầu!
Giá vàng gần đây tăng mạnh: trên thị trường thế giới đã lên đến 911 USD/ounce, tăng tới trên 40 USD so với cách đây mấy ngày, giá vàng ở trong nước đã đạt xấp xỉ 18 triệu đồng/lượng, tăng tới 700 - 800 nghìn đồng/lượng trong vòng nửa tháng; từ ngày 20.5, thuế suất, thuế nhập khẩu vàng tăng gấp đôi (từ 0,5% lên 1%); tỷ giá VND/USD cũng tăng sẽ làm giá vàng tăng lên. Giá vàng tăng cũng sẽ tạo sức hấp dẫn để hút tiền từ thị trường chứng khoán.
Trung hòa hai loại yếu tố trên, người viết dự đoán VN-Index đang nhắm tới mức xấp xỉ 400 điểm để trở về điểm xuất phát ngày 6.8.2006; HaSTC-Index đang nhắm đến 120 điểm. Tất nhiên, trước khi xuống đến mức này thì cũng có những phiên tăng xen kẽ và sau khi chạm các đáy này chỉ số giá chứng khoán mới tăng dần trở lại.