Chứng khoán giảm, doanh nghiệp đói vốn

Nhiều công ty phải hủy luôn kế hoạch gọi vốn từ thị trường chứng khoán vì khả năng thành công rất thấp.

Lo khi huy động vốn

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2008 "phiên 2" của Công ty cổ phần dệt may Thành Công (TCM), chủ yếu bàn về phương thức huy động vốn cho các dự án bất động sản, đã bất ngờ "nóng" lên ngay khi bắt đầu và kéo dài hơn dự kiến. Sau khi phân tích và khẳng định việc phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) là phương án tối ưu để huy động 1.000 tỉ đồng cho các dự án bất động sản đang chờ vốn để triển khai, ông Đinh Công Hùng - chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty TCM - kêu gọi các cổ đông nhanh chóng thông qua. Tuy nhiên, các cổ đông bên dưới vẫn chần chừ chưa biểu quyết.

"Cứ cho rằng phương án huy động TPCĐ là khả thi nhất trong bối cảnh khó khăn về vốn như hiện nay, nhưng trước hết cổ đông cần biết việc sử dụng đồng vốn này như thế nào, khả thi ra sao, quyền lợi của cổ đông có được đảm bảo hay không..." - một cổ đông nói. Nhiều cổ đông khác cũng bày tỏ băn khoăn đối với hàng loạt vấn đề chưa được HĐQT tính toán hoặc trình bày cụ thể.

Cổ đông băn khoăn là có lý do. Thu nhập từ ngành nghề truyền thống của TCM mỗi năm chỉ 70-80 tỉ đồng, trong khi riêng khoản lãi phải trả cho số vốn huy động 1.000 tỉ đồng mỗi năm cũng lên tới 120 tỉ đồng (nếu lãi suất TPCĐ là 12%/năm). Hơn nữa, tổng số vốn đầu tư các dự án theo tính toán lên tới gần 7.000 tỉ đồng, việc huy động số vốn còn lại sẽ được triển khai như thế nào chưa kể phương án dự phòng trong trường hợp không huy động đủ 1.000 tỉ đồng từ đợt phát hành TPCĐ này... Dù khá vất vả, cuối cùng Công ty TCM cũng vượt qua "cửa ải" cổ đông để có thể triển khai phương án huy động vốn, mà theo lời nhiều cổ đông là phải chấp nhận do TCM không thể không triển khai các dự án bất động sản.

Phải dừng dự án

VN-Index giảm qua phiên thứ 12

Trong phiên giao dịch ngày 20-5 tại sàn TP.HCM, VN-Index tiếp tục giảm qua phiên thứ 12, xuống dưới ngưỡng 450 điểm, chỉ còn 449,24 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh cổ phiếu và chứng chỉ quĩ tiếp tục giảm, phiên này chỉ đạt hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị giao dịch là 95 tỉ đồng.

Chỉ có mười chứng khoán tăng giá, chín chứng khoán đứng giá và trên 132 mã tiếp tục giảm giá, hầu hết là giảm giá sàn. Sức mua của thị trường vẫn yếu, có nhiều chứng khoán không có giao dịch hoặc lượng giao dịch không đáng kể.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số Hastc cũng giảm thêm 2,53 điểm (1,84%), còn 135,21 điểm. T.SƠN

Trong đại hội cổ đông thường niên mới đây của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại thủy sản (ICF), các cổ đông đã thống nhất với việc tạm dừng phát hành gần 24 triệu cổ phần, đồng thời ủy quyền cho HĐQT công ty được lựa chọn các tổ chức tài chính để huy động theo hình thức vay vốn để có thể tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư trong năm 2008. Đơn vị này cũng tạm dừng triển khai các dự án nhà máy chế biến cá đại dương đông lạnh tại TP.HCM, nhà máy chế biến cá đông lạnh và đóng hộp tại Phú Yên cũng như các dự án bất động sản tại TP.HCM.

Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản than thở chưa biết tương lai của các dự án đang triển khai dang dở của đơn vị này sẽ đi về đâu khi kế hoạch huy động vốn của công ty đã gần như phá sản.

Vào cuối năm 2007, khi giá cổ phiếu của công ty này trên sàn chứng khoán đứng ở mức trên 200.000 đồng/cổ phiếu, công ty đã xây dựng kế hoạch tăng vốn và trình Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Theo đó, giá bán cho cổ đông chiến lược là 70.000 đồng/cổ phiếu, cho cổ đông hiện hữu là 50.000 đồng/cổ phiếu và cán bộ công nhân viên là 60.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù công ty vẫn chưa có giấy phép phát hành nhưng với giá của cổ phiếu này hiện đã rớt xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu, kế hoạch huy động vốn của đơn vị này xem như đã phá sản về giá”. Nếu có được giấy phép và thực hiện tăng vốn vào thời điểm hiện nay, công ty cũng thất bại vì chắc chắn không một nhà đầu tư nào chấp nhận mua với giá cao hơn giá đang giao dịch..." - vị giám đốc này than thở.

Không huy động được vốn, một số dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và một số khác đang được triển khai dang dở đành phải tạm dừng để chờ... thời, bởi lẽ muốn vay vốn ngân hàng vào thời điểm này là rất khó.

Trước đó, hàng loạt công ty đã phải tuyên bố tạm hoãn phát hành cổ phiếu tăng vốn với lý do tránh gây ảnh hưởng xấu thêm đối với thị trường chứng khoán, nhưng cũng lường trước thất bại do giá cổ phiếu của những công ty này trên sàn chứng khoán đã giảm mạnh. Tờ trình đề xuất dừng phát hành tăng vốn lên 2.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã được toàn thể cổ đông tham dự ủng hộ. Lãnh đạo Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận cũng thừa nhận rất khó khăn để huy động vốn trong bối cảnh hiện nay, nên đã đề xuất phương án dự phòng với cổ đông là "trong trường hợp cấp thiết, để có đủ vốn công ty sẽ tổ chức vay... cán bộ công nhân viên hoặc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án".

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây