Chọn ngành để đầu tư

Đầu tư ít, hiểu thật sâu

Ông Nguyễn Lương Tân, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK Bảo Việt cho biết, đầu tư theo chiều sâu hay theo từng mã ngành cụ thể là cách mà nhiều quỹ đầu tư trên thế giới đã làm. Các quỹ lớn với tiềm lực tài chính mạnh, đội ngũ chuyên gia hùng hậu cũng không bao giờ đầu tư theo kiểu “quét” toàn bộ thị trường. Ở Việt Nam đã manh nha hình thức này nhưng mới chỉ dừng lại ở các NĐT tổ chức, các quỹ. Còn NĐT cá nhân vẫn đang nhảy cóc mỗi khi nhìn thấy giá một mã cổ phiếu nào có xu hướng đi lên. Vẫn theo ông Tân, việc đầu tư theo mã ngành có thể giúp NĐT nắm rõ giá trị nội tại của DN, tạo nên bản lĩnh trong những đợt biến động giá mang tính chất thời vụ.

Ông Nguyễn Việt Quang, chuyên viên phân tích, CTCK VNDirect cho biết, hiện nay nhiều NĐT bắt đầu quan tâm đến các chỉ số ngành và VNDirect cũng tiến hành thực hiện phân loại ngành theo tiêu chuẩn ICB. NĐT quan tâm sẽ được hỗ trợ thông tin để hiểu nhóm cổ phiếu cụ thể. Nhìn vào ngành, NĐT sẽ thấy chỉ số P/E bình quân và tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Ông Quang đơn cử như ngành dầu khí, với lợi thế là xuất khẩu dầu thô, thu ngoại tệ nên DN ngành này có tiềm lực tài chính mạnh. Ngoài ra, Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn lớn tại các công ty này cũng là một lợi thế.

Đầu tư theo ngành, NĐT có điều kiện tìm hiểu thế mạnh riêng và ngay cả những rủi ro có thể gặp phải. Thế mạnh đó có thể là uy tín hay thương hiệu mà ngành đó mang lại. Làm thế nào để phân tán rủi ro khi đầu tư vào một ngành? Trả lời câu hỏi này, ông Quang cho biết, một ngành bao giờ cũng có nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, cùng là thuỷ sản nhưng Minh Phú mạnh về tôm, trong khi Agifish An Giang lại mạnh về cá basa, cá da trơn. Nếu chẳng may tôm bị kiện về dư lượng kháng sinh thì đã có DN khác bổ trợ. Hoặc ngược lại, cá bị kiện bán phá giá thì đã có tôm. Để đầu tư vào một ngành, cần đầu tư vào những cổ phiếu mạnh mang tính chất đại diện cho ngành đó.

 

Ngành nào đang “hot”?

Theo ông Quang, hiện nay bất động sản (BĐS) và ngân hàng là 2 lĩnh vực rất sôi động và mang lại nhiều cơ hội cho NĐT. Tuy nhiên, cả 2 ngành này đều chỉ có thể đầu tư ngắn hạn (dưới 2 năm).

Đối với BĐS, do tỷ suất sinh lời cao nên nhiều DN huy động vốn tham gia vào lĩnh vực này. Các ngân hàng đang thừa vốn khả dụng nên họ đẩy mạnh bơm tiền vào BĐS; không chỉ cho vay cá nhân mua nhà, mà cung ứng vốn cả cho những dự án BĐS có quy mô lớn. Vì vậy, tạo nên nguồn cung khá lớn đáp ứng lượng cầu cũng rất lớn hiện nay. Theo đó, lợi nhuận mà DN BĐS thu về cũng không nhỏ. Tuy nhiên, ngành này cũng chỉ nên đầu tư trong ngắn hạn vì thị trường BĐS thường sốt theo chu kỳ. NĐT cần nắm chắc chu kỳ này khi mua cổ phiếu các DN BĐS, thường là 2 năm diễn ra một lần. Mặt khác, với hàng loạt dự án được cấp phép hiện nay trong vòng 3 năm tới sẽ tạo ra một nguồn cung rất lớn. Lúc đó, sức ép cạnh tranh trong ngành rất khốc liệt làm cho lợi nhuận giảm. Một lưu ý nữa đối với cổ phiếu ngành BĐS là nên đầu tư vào DN đã có bề dày kinh nghiệm, những dự án đã được cấp phép xây dựng bởi thủ tục đối với dự án BĐS thường kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của đồng vốn.

Cổ phiếu của ngành ngân hàng vốn được xem là cổ phiếu “vua” khi lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trưởng từ 20 - 30%. Ngành này cũng hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi chỉ 10% dân số có quan hệ với ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn thu chính của các ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn là từ khu vực tín dụng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi đó mảng dịch vụ lại chưa được chú trọng đúng mức. Khi các ngân hàng nước ngoài mở rộng hoạt động tại Việt Nam sẽ áp đảo các ngân hàng trong nước về mảng này.

Một thách thức nữa đối với các ngân hàng TMCP là áp lực phải tăng vốn với quy mô lớn trong thời gian ngắn, trong khi đội ngũ nhân lực, trình độ quản trị lại không theo kịp. Khả năng bị thôn tính hoặc đổ vỡ theo các chuyên gia tài chính là rất dễ xảy ra. Do đó, cổ phiếu “vua” cũng chỉ được xếp vào loại đầu tư ngắn hạn.

Về dài hạn, NĐT nên quan tâm đến ngành nào? Theo ông Quang, đó là ngành năng lượng (dầu khí, thuỷ điện)… Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao cũng như nhu cầu lớn của nền kinh tế. Do đó, đầu tư vào cổ phiếu các ngành này an toàn và hứa hẹn mức độ sinh lời cao. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì không hứa hẹn gì vì phần lớn dự án đang được triển khai, chưa mang lại doanh thu và lợi nhuận.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây