Khi VN-Index không thể không giảm
Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, các phương tiện truyền thông đồng loạt đăng ý kiến của giới chuyên môn về TTCK cuối năm. Điều đáng lưu ý là các bài báo này đều phản ánh dự cảm rõ ràng về khả năng sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh và việc VN-Index có thể quay về ngưỡng 1.000 điểm trước khi có một đợt tăng trưởng tiếp theo vào tháng cuối năm. Báo giới đồng thời cũng hướng nhà đầu tư đến 3 “con thỏ mồi”
|
là đợt IPO của Vietcombank, Chỉ thị 03 liên quan đến cho vay chứng khoán và động thái của các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng tiếc là cả 3 mục tiêu kể trên vẫn xa xa phía trước để cho sự mất kiên nhẫn gặm nhấm hầu bao của thị trường.
Xét trong 1 tháng giao dịch gần nhất, mức giảm của VN-Index là 11%, trong khi HASTC-Index chỉ giảm 9%. Từ 3 tháng nhìn lại, VN-Index giảm 3%, trong khi HASTC-Index lại tăng được 12%. Khi nhà đầu tư bị mất thành quả đã đạt được hồi TTCK tăng mạnh từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 10, rất có thể tâm trạng mất mát đã khiến họ bán ra nhiều hơn trong những ngày qua, khiến cho đợt điều chỉnh thêm nặng nề. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh TTCK phát triển ổn định như ở Mỹ, chỉ số S&P 500 của 500 công ty hàng đầu cũng mất 8% trong vòng 1 tháng qua (xem hình 1), mức độ điều chỉnh của TTCK non trẻ như Việt Nam là rất nhẹ nhàng.
Tổng hợp của phóng viên ĐTCK từ báo cáo tuần của các CTCK trong nửa đầu tháng 11 cho thấy, nhiều CTCK dự báo rằng thị trường sẽ giảm. Cụ thể, các báo cáo không đề cập thông tin hỗ trợ mạnh để các chỉ số có thể bứt phá, trong khi lại nói quá nhiều thông tin bất lợi, xin liệt kê dưới đây:
- IPO Vietcombank thêm một lần lỡ hẹn, phải dời vào tháng 12 và những thông tin về giá bán thấp của Vietcombank cho đối tác nước ngoài có thể ảnh hưởng xấu tới tâm lý của nhà đầu tư.
- Chỉ thị 03 chính thức bị chốt chặn. Nhiều nhà đầu tư có thể gặp khó khăn về vốn để gia tăng đầu tư, đặc biệt là các đợt IPO từ nay đến cuối năm. Thị trường vàng và bất động sản đang đem lại lợi nhuận khiến nhiều người rút tiền ra khỏi chứng khoán. Lạm phát tăng cao có thể khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ.
- Sức ép tăng vốn của các DN niêm yết và chưa niêm yết đang tạo nên một nguồn cung khổng lồ. Trong khi đó, sức cầu lại giảm đáng kể. Trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, UBCK đã cấp phép cho 48 DN phát hành cổ phiếu, kể cả lần đầu và phát hành thêm, với tổng khối lượng gần 645 triệu cổ phần. Khi thực hiện tăng vốn thì sức ép quản trị, lợi nhuận và trước mắt là tình trạng pha loãng kéo giá cổ phiếu giảm xuống là có thể nhận diện.
- TTCK thế giới chao đảo, đồng USD sụt giá không phanh trước đồng Euro cũng như với các đồng tiền khác.
- Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có quy định về thuế thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán khá cao (25%), mặc dù thông tin này chưa chính thức. Các chính sách về thuế, phí đối với chứng khoán là những vấn đề nóng bỏng hiện nay…
Hội chứng tâm lý Vietcombank có quá đáng ngại?
Việc cổ phần hóa của Vietcombank với nhiều nhà đầu tư ví như một cô hoa khôi đến tuổi cập kê, mà các ông bố bà mẹ chưa thông tư tưởng trong việc chọn rể. Hạn cuối để cô phải lên xe hoa cứ được khất đi khất lại, vì khi thì nhà gái ngại rằng con mình sẽ mất duyên vì đang mùa mưa mà gả chồng, lúc thì e rằng của hồi môn ít quá sẽ làm mất giá, lúc thì lẫy với các chàng trai rằng sẽ không gả bằng mọi giá và nếu không được giá mà lỡ thì cũng mặc. Chuyện Vietcombank chưa vội bán cổ phiếu những tưởng không liên can đến phẩm giá của các ngân hàng khác, nhưng thực tế “bóng hồng” Vietcombank lại gây ức chế tâm lý, nghi ngờ và mâu thuẫn nơi các nhà đầu tư đối với cái giá họ đã và đang trả cho cổ phiếu các ngân hàng TMCP cũng như nhiều ngành kinh tế khác.
Vietcombank dù có vai vế lớn, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một DN. Nhưng vì đại cục của TTCK Việt Nam đang phần nào bị cái bóng Vietcombank lấn lướt, quan điểm của Chính phủ là DN này phải cổ phần hóa trong năm 2007. Nghĩa là, TTCK có bị hiệu ứng tâm lý Vietcombank ức chế thì cũng sẽ được giải tỏa nội trong tháng tới. Về phía Vietcombank, ngân hàng này vẫn tích cực mua cổ phiếu của các ngân hàng TMCP, còn các ngân hàng nước ngoài chưa bao giờ thôi quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng Việt Nam.
Tại sao ngừng lạc quan?
Nếu như đợt điều chỉnh lần này của TTCK đã được chờ đợi từ lâu và xảy ra theo quy luật của thị trường, không có gì quá bất ngờ và thất vọng, tại sao phải mang một tâm lý nặng nề đến các phiên giao dịch? Khi Vietcombank đi mua cổ phiếu nhiều ngân hàng khác và các tổ chức nước ngoài tiếp tục mua cổ phiếu ngân hàng Việt Nam, liệu có nên quá ức chế về việc cổ phiếu Vietcombank bán được giá bao nhiêu? Khi mất mát một chút, người ta quen nói thị trường xấu quá, quen nghĩ nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và quên mất rằng, chiều giảm của thị trường vốn là mặt bên kia của một chu kỳ tăng giá và đôi khi còn tạo ra nhiều cơ hội hơn.
Hình 2 cho thấy, nhà đầu tư đáng ra có thể mất nhiều thời gian để tiếc nuối và phàn nàn. Thực tế là thị trường vẫn thắng trong 3 tháng qua và điều đáng mừng là giá trị mua bán trong những ngày buồn nhất vẫn lớn gấp 2 lần so với 3 tháng trước. Kết luận đáng ra phải là “cả thị trường vẫn thắng”.
Vậy khi nào thị trường mới tăng trở lại? Câu hỏi khó này xin nhường lại cho các tổ chức đầu tư nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam vì họ có thể xem là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn bão tài chính đang hoành hành khắp thế giới. Các quỹ đầu tư sử dụng nguồn tiền chủ yếu từ các nhà đầu tư bảo thủ và rất sợ mất tiền (lý do là các nhà đầu tư bản lĩnh thường tự đầu tư) để lập quỹ, các quỹ đầu tư vào Việt Nam không phải ngoại lệ và thậm chí họ còn huy động lại tiền từ chính quỹ đầu tư khác ở nước ngoài. Do đó khi thị trường xấu đi, quỹ đầu tư là đối tượng bị các cổ đông của mình chỉ trích nhiều nhất.
Nghĩa là theo lý lẽ bình thường, các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ không cựa quậy gì để chờ cơn bão tài chính đi qua, trường hợp họ phải hành động thì ưu tiên phải là bán cổ phiếu đi thay vì đầu tư mới. Trường hợp các quỹ hành động ngược lại chỉ có thể lý giải bằng việc họ nhận định rằng, cơ hội thị trường còn quá rõ ràng, các khoản đầu tư tốt không dễ bỏ qua và sự chờ đợi một cách bảo thủ sẽ khiến các đối thủ khác chớp lấy cơ hội. Thực tế không thể chối cãi là tại hai sàn giao dịch, tổ chức nước ngoài đến nay vẫn chưa từng bán nhiều hơn mua. Các đợt phát hành cổ phiếu của DN gần đây luôn có sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đối tác chiến lược luôn là “ghế VIP” gần như độc quyền cho đối tượng này.
Một điều đáng an ủi khác là trong các kịch bản đáng yêu của TTCK, kịch bản thị trường biến động mạnh (dù tăng hay giảm) đều tạo ra cơ hội nhiều hơn là kịch bản thị trường đi ngang một cách buồn ngủ. Với đợt điều chỉnh lần này của TTCK Việt Nam, vốn đã bắt đầu từ đầu tháng 10 với ngưỡng VN-Index 1.100 điểm, kịch bản VN-Index cứ bị “tùng xẻo” mỗi ngày một ít không chắc đã dễ chịu hơn việc bị mất một lúc 5% - 7% rồi tăng trở lại.
Xét trong kỳ hạn ngắn hơn, từng phiên giao dịch, thì dấu hiệu VN-Index giảm mạnh trong 5 ngày qua lại đi kèm với việc giá trị giao dịch duy trì ở mức cao trên 1.000 tỷ đồng/phiên và tăng mạnh đúng vào ngày VN-Index giảm mạnh nhất (13/11) cho thấy, chu kỳ hồi phục của thị trường có lẽ đã rất gần.
“Thị trường đang “sợ hãi” và vì thế làm thị giá của một số cổ phiếu thấp hơn giá trị nội tại của chúng” Ông Lâm Minh Chánh, nhà nghiên cứu tài chính Sẽ có một số ý kiến cho rằng, sự đi xuống của thị trường vào lúc này là có những lý do của nó. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, sự đi xuống như hiện nay là hoàn toàn phi lý và không thể hiểu được. Hành vi của thị trường, cũng như hành vi của nhà đầu tư, không phải lúc nào cũng có lý hay có thể giải thích được theo lý thuyết tài chính cổ điển. Vì thế mà học thuyết tài chính hành vi (Behavioral Finance) đã ra đời để giải thích những hành vi phi lý nhưng lại trở thành bình thường của nhà đầu tư và thị trường. Theo Woody Dorsey, một trong những tác giả về tài chính hành vi vĩ mô (Behavioral Finance Macro) thì thị trường có 3 phần. Phần đầu óc (mind) của thị trường thể hiện sự suy nghĩ của thị trường và được quản lý bởi những phân tích, thông số cơ bản về vĩ mô, vi mô, tình hình DN. Phần cơ thể (body) của thị trường thể hiện sức khỏe, thể trạng của thị trường. Phần cơ thể này được quản lý bởi những phân tích kỹ thuật, đặc biệt là những mô hình vốn thường được lặp lại của giá cả và khối lượng giao dịch. Phần tâm tính hay tính khí (mood) thể hiện “tâm trạng” của thị trường: vui, lạc quan, lo âu, buồn, sợ hãi… Phần tính khí đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những hành vi “kỳ lạ” của thị trường. Nếu chúng ta là tín đồ của trường phái hành vi thì tính khí, với sự tương tác với 2 phần kia, chính là nguyên nhân chính gây ra sự diễn biến giá khác thường vào cuối quý IV này. Ngoài việc làm cho nhiều nhà đầu tư sợ hãi và bán ra cổ phiếu với giá thấp, hành vi hiện nay của thị trường sẽ tạo ra cơ hội tốt cho một số nhà đầu tư. Thứ nhất là nhà đầu tư theo trường phái “thông tin - thị trường phản ứng thái quá”. Các nhà đầu tư này cho rằng, thông tin không tích cực đã ảnh hưởng thái quá đến giá cổ phiếu. Theo họ, giá nhiều cổ phiếu đang bị thông tin bi quan đẩy xuống quá mức bình thường và do đó sẽ được điều chỉnh lên trở lại trong thời gian ngắn. Đây là thời gian vàng để mua vào một số cổ phiếu để thu lợi theo kiểu “mua thấp, bán cao”. Thứ hai là những nhà đầu tư theo trường phái thị trường đi xuống cũng tạo ra cơ hội cho những nhà đầu tư giá trị. Đúng như ông Warren Buffett - nhà đầu tư nổi tiếng thế giới có nói: “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và hãy sợ hãi khi thị trường tham lam”. Thị trường đang “sợ hãi” và vì thế làm thị giá của một số cổ phiếu thấp hơn giá trị nội tại của chúng. Mua những cổ phiếu này và giữ lâu dài, nhà đầu tư giá trị sẽ gặt hái được lợi nhuận. Vấn đề quan trọng là nhà đầu tư phải lựa chọn được cổ phiếu tốt, giá hời trong số những cổ phiếu xuống giá hiện nay. |