Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán đã chính thức đi vào đời sống kinh tế nước nhà và đang ngày càng phát huy vai trò của một kênh dẫn vốn linh hoạt, đóng góp ngày một lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Dù đã có những lúc thăng trầm, nhưng con đường mà thị trường chứng khoán của chúng ta đã, đang và sẽ đi là luôn hướng về phía trước. Tuy thời gian chưa nhiều, nhưng TTCK Việt Nam đã bước đầu đặt được nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán chính thức, hiện đã có 225 mã chứng khoán được niêm yết với tổng mức vốn hóa đã đạt đến 40% GDP.
 
Các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý kinh tế và chứng khoán đã và đang không ngừng hoàn thiện và phát triển môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý, quy chế giao dịch… để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đối với một thị trường còn non trẻ, đó chính là những bước khởi đầu để chuẩn bị cho sự lớn mạnh không ngừng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lại không xa.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nhằm tạo cơ hội giao lưu trực tiếp giữa đại diện các cơ quan quản lý thị trường với nhà đầu tư, Báo Đầu tư chứng khoán hân hạnh tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Hội ngộ cơ quan quản lý và nhà đầu tư” vào chiều ngày 26/11/2007.
 
Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một dịp tốt để cơ quan quản lý và nhà đầu tư có thể bày tỏ, chia sẻ quan điểm trên tinh thần cũng hướng tới một thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lâu dài và bền vững. Xin chân thành gửi lời cảm ơn đến các khách mời, cảm ơn độc giả của Đầu tư Chứng khoán đã dành thời gian quan tâm. Dưới đây là toàn bộ nội dung của cuộc giao lưu trực tuyến.

 

Anh Thư - Cầu Giấy, Hà Nội - (Email: anhthu@yahoo.com): Chào ông Vũ Bằng, Trước hết, xin gửi tới ông lời chào và lời chúc sức khỏe. Xin ông có một vài đánh giá về những thành tựu của UBCKNN trong 10 năm xây dựng và vận hành TTCK VN, đồng thời, xin ông cho biết, những định hướng chính trong việc phát triển TTCK VN năm 2008 và những năm tiếp theo? Xin cảm ơn!
 

Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCK Nhà nước

Ông Vũ Bằng: Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề án xây dựng và phát triển TTCK ở Việt Nam. Trên cơ sở đề án của các Bộ, ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 1996 về việc thành lập UBCKNN. Trải qua 10 năm xây dựng và hoạt động, về cơ bản, UBCKNN đã làm tốt vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, được thể hiện trên các mặt sau:
 
Một là, đã tích cực chủ động xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho hoạt động của thị trường. Trong thời gian đầu, khung pháp lý cao nhất của thị trường chỉ ở mức Nghị định; tuy nhiên mới qua 7 năm hoạt động, chúng ta đã ra được Luật Chứng khoán, việc ra đời Luật Chứng khoán đã được công chúng đầu tư trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao, tạo dựng nền tảng pháp lý hết sức quan trọng trong hoạt động của thị trường, đồng thời các văn bản, chính sách ngày càng được hoàn thiện.

Hai là, đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Tài chính, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác tạo hàng hoá cho thị trường. Khi mới ra thị trường vào năm 2000, mới chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết, đến nay đã có trên 220 cổ phiếu được niêm yết, với mức vốn hoá thị trường đạt trên 40% GDP, cho thấy tiềm năng phát triển hết sức lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sắp tới đây chúng ta sẽ cho lên niêm yết những doanh nghiệp lớn như các ngân hàng thương mại quốc doanh sau cổ phần hoá, các tổng công ty lớn, mức vốn hoá thị trường sẽ còn tăng nữa, và thị trường chứng khoán sẽ ngày càng khẳng định là kênh dẫn vốn dài hạn cho đầu tư và phát triển.

Ba là, đã phát triển mạnh các tổ chức trung gian trên thị trường với 65 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động, 24 công ty quản lý quỹ, hơn 40 tổ chức lưu ký chứng khoán, một ngân hàng chỉ định thanh toán. Số lượng tài khoản cũng tăng một cách mạnh mẽ với trên 300.000 tài khoản cá nhân và tổ chức cho thấy, sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường còn non trẻ của chúng ta.

Bốn là, đã xây dựng, tổ chức bộ máy, nghiệp vụ và cơ sở vật chất cho Sở GDCK, TTGDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán và điều hành hoạt động của các Trung tâm này có hiệu quả.

Năm là, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra luôn được UBCKNN coi trọng, thông qua đó đã phát hiện các vi phạm, uốn nắn kịp thời và có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm.

Sáu là, luôn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của UBCKNN để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đã đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho hàng nghìn nhân viên nghiệp vụ của các công ty chứng khoán và tổ chức phổ cập kiến thức về chứng khoán và TTCK cho hàng chục nghìn lượt người.

Bẩy là, về quan hệ đối ngoại, UBCKNN đã trở thành thành viên của tổ chức quốc tế UBCK các nước (IOSCO) từ năm 2001, đã đặt quan hệ hợp tác song phương với nhiều nước, trong đó đã ký Biên bản hợp tác trao đổi thông tin cũng như quản lý TTCK.

Bước sang năm 2008, và giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, UBCK xây dựng mục tiêu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển thị trường, tạo ra một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, chặt chẽ về TTCK.
Thứ hai, thực hiện xây dựng thị trường trái phiếu chuyên biệt; tiếp tục đẩy mạnh hàng hoá niêm yết trên thị trường đưa quy mô thị trường chiếm khoảng 50-60% GDP vào năm 2008; mở rộng thị trường giao dịch chính thức, thu hẹp dần thị trường không chính thức. Nâng cao năng lực hoạt động của các định chế tài chính trung gian.
 
Thứ ba, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, theo đó là áp dụng chế độ công khai hoá thông tin và thực hiện nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất.
Thứ tư, hoàn thiện thể chế quản lý, vận hành TTCK. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước bằng việc đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tái cơ cấu thị trường, nâng cao tính độc lập của Sở GDCK, Trung tâm GDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán.
 
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo phổ cập kiến thức cho công chúng dưới các hình thức khác nhau, làm cho công chúng đầu tư, các doanh nghiệp hiểu được về TTCK và các nghiệp vụ liên quan; các kiến thức về đầu tư, về rủi ro và biện pháp phòng ngừa cũng như khả năng phân tích dự báo tình hình biến động của TTCK.

Trước triển vọng phát triển của nền kinh tế đất nước, TTCK Việt Nam có những cơ hội phát triển tốt, ngày càng thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Về phía UBCKNN, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức mình trong công tác quản lý, điều hành hoạt động thị trường, nhằm làm cho TTCK thực sự trở thành một kênh huy động vốn đầu tư có hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
 
Hà Phương - 519 Kim Mã - 0902034368 (Email: natasa8783@gmail.com): 1. Công ty có vốn điều lệ 8 tỷ nhưng lại chào bán chứng khoán ra công chúng (trên mạng Internet) thì có chịu sự điều chỉnh của luật chứng khoán phải ko ạ? 2. Công ty cổ phần phải phát hành cổ phần phổ thông, nhưng công ty cổ phần có bắt buộc phải phát hành cổ phiếu phổ thông không?
 
Ông Lê Nhị Năng : Tất cả các trường hợp phát hành CK ra công chúng là phát cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và số lượng nhà đầu tư không xác định. Vì vậy, trường hợp này là chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán.
 
Công ty đã là công ty cổ phần thì phải phát hành cổ phiếu phổ thông.
 
Hữu Huy - Tp. HCM - (Email: huyhuung@yahoo.com): Tại sao các công ty CK không có kế hoạch thường xuyên mua lại những cổ phiếu lẻ không đủ lô giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ (ở sàn HN = 100 và sàn Tp. HCM = 10) vì nhà đầu tư nhỏ nhiều lúc rất cần bán những cổ phiếu lẻ này? Theo tôi công ty CK phải có kế hoạch mua lại cổ phiếu lẻ trong một năm ít nhất là từ 4 đến 5 lần để nhà đầu tư nhỏ dễ bán cổ phiếu lẻ này
 
Ông Trần Văn Dũng: Trước đây, theo Thông tư 58/2004/TT-BTC ngày 17/6/2004 của BTC hướng dẫn về Thành viên và giao dịch chứng khoán, khi có yêu cầu của khách hàng, CTCK được phép thực hiện mua lại cổ phiếu lô lẻ của NĐT theo nguyên tắc thỏa thuận về giá.
 
Hiện nay Thông tư trên đã hết hiệu lực, việc giao dịch lô lẻ sẽ được quy định chặt chẽ trong các văn bản khác. Cụ thể, đối với TTGDCK HN, UBCKNN đã cho phép đưa vào Quy chế giao dịch chứng khoán tại TTGDCKHN đang trình UBCKNN có quy định: các CTCK thành viên có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu lẻ theo yêu cầu của NĐT theo giá thoả thuận, không vượt quá biên độ dao động giá của TTGDCKHN.
 
BÙI QUỐC HIỆU - P510b - A2 - Thành Công - Ba Đình - HN - (Email: Quochieu_vtv@yahoo.com): Xin chào ông Vũ Bằng. Tôi rất vui khi được tham gia giao lưu trực tuyến với Ông và đại diện trung tâm và sở giao dịch ck. Sau đây tôi xin hỏi các ông một số câu hỏi, hy vọng các ông tra lời thỏa đáng. 1, Tôi thường được nghe các nhà kinh tế học nói, thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, nhưng qua quan sát thị trường cho thấy, các công ty niêm yết chưa tôn trọng việc xây dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư (điều đó rất nguy hại cho thị trường). Cụ thể, như báo cáo tài chính không chính xác, các kế hoạch hoạt động đã được Đại hội cổ Đông thông qua liên tục bị thay đổi, các thành viên ban quản trị liên tục vi phạm quy chế giao dịch và có rất nhiều các biểu hiện vụ lợi khác...Vậy Ủy ban chứng khoán có kế hoạch gì để giúp các công ty cổ phần nâng cao uy tín chính mình và đặc biệt có chế tài nào đủ mạnh để chấm dứt các vi phạm nghiêm trọng không? 2, Qua theo dõi bảng dao dịch điện tử của TTGDCK Hà Nội tôi thấy có ngày thì thấy Giá chứng khoán thay đổi(+/-)so với giá tham chiếu, có ngày lại thấy giá thay đổi so với lệnh liền kề trước đó. Xin đại diện TTGDCKHN cho biết, vì sao lại có hiện tượng thay đổi này. 3, Các chứng khoán giao dịch ngày đầu tiên có làm thay đổi chỉ số VN-index hay HaSTC-Index không. Nếu được tính thì giá tham chiếu của cp là giá nào.
 

Ông Trần Văn Dũng -  Giám đốc TTGDCK Hà Nội

Ông Trần Văn Dũng:  Hiện nay, TTGDCKHN đang công bố ra thị trường bảng giá trực tuyến và bảng tổng hợp giao dịch. Trong bảng giá trực tuyến, TTGDCK Hà Nội cho hiển thị 3 mức giá đặt mua/đặt bán tốt nhất, mức giá và khối lượng thực hiện và mức độ thay đổi giá cung cấp được tính so với giá thực hiện gần nhất (trước đó).
 
Bảng giá trực tuyến này nhằm giúp nhà đầu tư nắm bắt những thông tin mới nhất về giá và xu hướng giá để có quyết định đầu tư ngay. Các bảng tổng hợp kết quả giao dịch, TTGDCKHN cung cấp các thông tin về giá cao nhất/thấp nhất thực hiện trong ngày, khối lượng thực hiện và khi kết thúc phiên giao dịch, chúng tôi công bố giá giao dịch bình quân gia quyền và mức độ biến động giá so với giá tham chiếu (giá giao dịch bình quân của phiên trước đó).

Bảng kết quả giao dịch tổng hợp này giúp nhà đầu tư có thông tin tổng hợp hơn về mức độ dao động giá chứng khoán trong ngày so với ngày liền trước để phân tích đánh giá nhằm đưa ra quyết định đầu tư cho ngày hôm sau. Hai bảng điện tử này từ trước đến nay vẫn như vậy, không có gì thay đổi.
 
Ngày đầu tiên của một loại chứng khoán còn được hiểu là ngày nhập gốc để tính chỉ số và vì chưa có sự biến động về giá nên không làm thay đổi tới chỉ số HASTC – INDEX.
 
Cách tính chỉ số HASTC-INDEX và các trường hợp điều chỉnh chỉ số được công bố trên trang web của TTGDCKHN. Mời các bạn tìm hiểu thêm.
 
Ông Vũ Bằng: Tôi rất đồng ý với bạn về việc TTCK là thị trường của niềm tin, chính vì vậy, thông qua việc ban hành Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn, chúng tôi đang từng bước nâng cao tính minh bạch, công khai trên thị trường. Thứ hai, chúng tôi đã triển khai việc áp dụng quy tắc quản trị công ty trong các DN niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. UBCK thông qua việc cấp phép và quản lý công ty đại chúng cũng nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động của DN, nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Đánh giá chung từ ngày TTCK thành lập đến nay, ý thức tuân thủ CBTT của các công ty niêm yết đã được nâng cao và tốt hơn nhiều so với khối DN nằm ngoài TTCK. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại hiện tượng một số DN không tuân thủ luật pháp, đặc biệt là việc không công bố thông tin giao dịch của thành viên HĐQT. Trong thời gian qua, UBCK đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử phạt vi phạm trên thị trường, tuy nhiên, chế tài xử phạt còn hạn chế do mức xử phạt thấp. Ngoài ra, hệ thống công bố thông tin của UBCK, Sở và TTGD cũng còn có những điểm hạn chế cần tiếp tục cải tiến và tăng cường. UBCK đang chỉ đạo các đơn vị thành viên và cả UBCK nâng cao hệ thống CNTT để làm tốt hơn công tác thông tin thị trường.
 
Ông Lê Nhị Năng:  Các chứng khoán giao dịch trong ngày đầu tiên chưa tác động ngay đến chỉ số VN-Index, đến ngày giao dịch hôm sau dữ liệu của CP mới niêm yết mới được cập nhật vào hệ thống để tính chỉ số.
 
Le Ha Khanh Linh - Quận 7, Tp. HCM - (Email: binhlekl@yahoo.com): Trướ chết tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Báo Đầu tư chứng khoán đã tổ chức buối giao lưu này. Tôi xin có một câu hỏi và rất mong được phúc đáp từ quý vị. Hiện tại, tôi đang làm việc cho một công ty cổ phần được chuyển đổi sang từ công ty TNHH vào tháng 5/2006. Vốn điều lệ của công ty chúng tôi hiện tại là 25 tỷ đồng và kết quả kinh doanh năm 2006 và 10 tháng đầu năm 2007 là lãi (ghi chú: kết quả kinh doanh giai đoạn từ tháng 5/2006 đến tháng 12/2006 là lãi) và số cổ đông hiện hữu là 125 cổ đông. Công ty chúng tôi hiện đang muốn có kế họach niêm yết tại TTGDCK Hà Nội. Vậy xin hỏi: 1. Công ty chúng tôi có đủ điều kiện để niêm yết? 2. Nếu chưa, thì xin cho biết lý do và điều kiện mà công ty chúng tôi cần phải đáp ứng để được cấp phép niêm yết tại TTGDCK Hà Nội. Xin trân trọng cảm ơn!
 
Ông Trần Văn Dũng: Điều kiện niêm yết trên TTGDCKHN là một hệ thống các điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ.
 
Đối với trường hợp cụ thể như bạn nêu, TTGDCKHN sẽ xem xét cụ thể một số vấn đề như thủ tục chuyển đổi từ CT TNHH sang CTCP phải hợp pháp, có Nghị quyết ĐHCĐ thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên TTGDCKHN. BCTC năm 2006 phải phản ánh đủ hoạt động của doanh nghiệp từ 1/1/2006 đến 31/12/2006 và được 1 đơn vị kiểm toán được chấp thuận kiểm toán và ý kiến kiểm toán là chấp nhận không có ngoại trừ.
 
Nếu DN thực sự muốn niêm yết thì nên gọi điện hoặ trực tiếp liên hệ với Phòng Quản lý niêm yết của TTGDCKHN, số điện thọai 9347401 để được giải đáp chi tiết hơn.
 
Trần Tiến Dũng - Cầu Giấy, Hà Nội - (Email: trantiendung_03@yahoo.com): Là một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán việt nam, tôi nhận thấy nỗ lực lớn của sở giao dịch chứng khoán Hồ chí Minh và Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong việc xây dựng một thị trường ngày một minh bạch. Song có một vấn đề chưa bao giờ tôi có thể hài lòng được đấy chính là độ tin cậy của bản tin thị trường chứng khoán. Đối với Hostc thì liên tục cập nhật sai số liệu về EPS, P/E, số cp lưư hành hiện tại gây bức xúc lớn trên các diễn đàn chứng khoán online. Đến khi sửa lại thì nhà đầu tư mới đã tiền mật bực mang(cá nhân tôi đã từng gặp các mã TTP, SMC, SSI ...). Còn với sần Hastc lại quá chậm cập nhật thông tin, hầu như lấy dữ liệu từ 2006. Vậy đại diện của hai sàn chứng khoán có suy nghĩ gì về điều này không
 
Ông Trần Văn Dũng: Hiện nay, Bản tin chứng khoán của TTGDCK Hà Nội công bố các thông tin cơ bản về DN niêm yết theo số liệu 2006, vì các lý do:
 
- Số liệu 2006 mà chúng tôi sử dụng để tính các chỉ số tài chính của công ty niêm yết là số liệu đã được kiểm toán; đảm bảo tính chính xác của số liệu;
- Hầu hết các DN niêm yết trên TTGDCKHN (2/3 tổng số công ty niêm yết từ Quý 4/2006, do đó chưa có đủ cơ sở để tính một số chỉ tiêu như EPS điều chỉnh, ROA, ROE.
 
Chúng tôi thực sự hy vọng trong tương lai gần sẽ có các tổ chức tư vấn tài chính chuyên nghiệp tính toán và cung cấp ra thị trường các sản phẩm tính toán công phu và cập nhật hơn để hỗ trợ thêm cho Bản tin của cả 2 sàn.
 
Ông Lê Nhị Năng : Liên quan đến vấn đề công bố chỉ số EPS và P/E hàng ngày trên Bản tin Thị trường chứng khoán của HOSE: kể từ tháng 6/2006, nhằm đưa thông tin mới nhất đến nhà đầu tư, SGDCk TP.HCM đã thực hiện tính toán số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân và chỉ tiêu EPS cho 4 quý gần nhất (thay vì năm gần nhất theo báo cáo kiểm toán) theo hướng dẫn của Chuẩn mực ké toán Việt Nam có tham khảo thêm Chuẩn mực kế oán quốc tế. Tuy nhiên, đối với 1 số công ty mới niêm yết, do không có đủ số liệu 4 quý gần nhất, SGD phải công bố dựa trên báo cáo kiểm toán gần nhất. Khi nhận được đủ s liệu, SGD sẽ thực hiện cập nhật lại số liệu gần nhất. Tất cả mọi thay đổi đều được SGD ghi chú rõ để nhà đầu tư chú ý. Trong thời gian tới, SGDCK sẽ vẫn tiếp tục duy trì việc công bố các chỉ số này trên Bản tin TTCK ra hàng này và rất mong nhận được ý kiến góp ý của quý vị độc giả.
 
MINH - A47 CC 300 BCD, TPHCM - (Email: hoaminh2000@hcm.fpt.vn): Thưa anh Dũng - GD HASTC Anh vui lòng cho biết chi tiết hơn về hình thức giao dịch OTC của sàn HASTC Xin cám ơn!
 
Ông Trần Văn Dũng: Sắp tới, TTGDCKHN sẽ tổ chức thêm thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (Cũng có thể hiểu đây là thị trường giao dịch OTC có tổ chức), theo phương án đã được BTC phê duyệt tại QĐ 3567/QĐ-BTC ngày 8/11/2007.
 
Theo phương án này, các NĐT có thể giao dịch mua, bán trực tiếp với CTCK vào bất kỳ thời điểm nào nhưng phải theo nguyên tắc: muốn giao dịch và được thanh toán vào ngày T+3 thì phải báo cáo giao dịch đó vào ngày T+0 qua hệ thống của TTGDCKHN và trong phạm vi biên độ +/-20% của giá tham chiếu ngày T+0. Thời gian dành cho các CTCK thực hiện báo cáo hàng ngày từ 10h-11h30 và từ 13h30 đến 15h00. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này các CTCK có nghĩa vụ báo cáo toàn bộ dư mua/dư bán của người đầu tư để chúng tôi tập hợp thành một bảng thông tin tổng hợp cung cấp cho công chúng biết giá mua/giá bán tốt nhất hiện có trên thị trường. Đây là thông tin quan trọng để NĐT tiếp tục yêu cầu các CTCK thực hiện lệnh mua bán cho mình theo giá tốt nhất có thể. Hệ thống của TTGDCKHN đồng thời cũng là phương tiện để các CTCK thực hiện giao dịch cho mình và cho khách hàng qua phương thức thỏa thuận điện từ hay còn gọi là phương thức chào mua/chào bán chắc chắn.
 
NGUYEN QUAN NGOC - BA TRIEU,HA DONG,HA TAY,VN. - 034820087 (Email: NQN1963VN@YAHOO.COM.VN): Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể có các công cụ phái sinh (Hợp đồng tương lai, option...)hay không? Nếu có thì vào thời gian nào?
 
Ông Vũ Bằng: Vấn đề bạn hỏi Luật Chứng khoán đã có đề cập đến và hiện nay tại UBCK, chúng tôi đang giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu. Tuy nhiên, khả năng áp dụng trong thực tế có lẽ phải trong một vài năm tới khi các điều kiện thị trường như quy mô, hệ thống giao dịch, hệ thống tài chính-ngân hàng, sự hiểu biết của công chúng đầu tư và khả năng giám sát thị trường của cơ quan quản lý được tăng cường. Trong năm tới, chúng tôi sẽ xem xét các điều kiện thị trường để cho phép áp dụng tài khoản ký quỹ (margin account).
 
Ông Trần Văn Dũng: Giao dịch công cụ phái sinh là một nhu cầu tất yếu của mọi thị trường chứng khoán khi đã phát triển đến một trình độ nhất định. Trên thực tế, những hình thức sơ khai của các hợp đồng quyền chọn đã hình thành một cách tự phát. UBCK Nhà nước cũng đã có hướng chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu để có thể áp dụng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, đây là một đề án lớn cần có một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu, định hình và đưa thị trường vào hoạt động.
 
Ông Lê Nhị Năng : Hiện nay HOSE đang lập một ban để nghiên cứu tại các nước kinh nghiệm áp dụng các sản phẩm phái sinh. Thời gian áp dụng phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và trình độ kinh nghiệm của NĐT.
 
(Còn tiếp)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây