tran quoc hung - 123 giang vo - 0912585866 (Email: hungvv@yahoo.com): Xin các ông cho biết, TTCK VN hiện nay đang ở giai đoạn nào so với TTCK thế giới? Liệu như hiện nay, TTCK VN đã gọi là bùng nổ chưa, và có bùng nổ mạnh hơn trong tương lai không? Xin chân thành cám ơn!
Ông Lê Nhị Năng : TTCK VN hiện nay mới chỉ hơn 7 năm đi vào hoạt động, thời gian hoạt động như vậy là quá ngắn đối với lịch sử phát triển hàng trăm năm của TTCK thế giới. Với quy mô vốn hóa của TTCK VN hiện nay khoảng 31 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt mức gấp đôi vào năm tới, vì vậy TTCK VN vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Ông Vũ Bằng: Về mặt lịch sử hoạt động thì TTCK Việt Nam còn rất non trẻ, có nhiều yếu tố còn khác biệt xa so với các TTCK phát triển. Tuy nhiên, xét về quy mô trên GDP hoặc một số yếu tố khác thì chúng ta cũng đã đạt được những bước phát triển quan trọng. Trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2006 và đầu năm 2007, TTCK đã có sự tăng mạnh về quy mô và giá trị giao dịch. Xét về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch, số lượng công ty niêm yết, số lượng nhà đầu tư tham gia thì chúng ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Theo tôi, trong tương lai, TTCK Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển vì thị trường của ta vẫn trong giai đoạn phát triển của một thị trường trẻ, công cuộc cải cách kinh tế và quá trình cổ phần hoá đang bước sang những giai đoạn quan trọng, thu hút được sự quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà ĐTNN.
lequyminh - 350nguyentrai q5 - 089237650 (Email: lequyminh350@yahoo.com.vn): Thưa ông Vũ Bằng, hiện nay các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam đã phát triển mạnh. Nhưng tính minh bạch của các công ty chưa cao, nhiều nhà đầu tư muốn tìm hiểu về công ty mà mình quan tâm nhưng không biết tìm ở đâu, mặc dù các công ty đều có ở trên mạng, nhưng nguồn thông tin quá ít ỏi, khiến nhà đầu tư mù tịt thông tin. Và nếu có đầu tư cũng chỉ dựa trên cảm nhận cá nhân. Tôi đề nghị Nhà nước (ở đây là UBCKNN) phải có hình thức chế tài hoặc quy định rõ ràng, bắt buộc các công ty phải tuân thủ nghiêm ngặt. Đó cũng đồng thời là hình thức quảng bá cho công ty. Những thông tin mà nhà đầu tư chúng tôi muốn biết cần chứa những nội dung như: 1/ Phải có đầy đủ hồ sơ về công ty. 2/ Ban lãnh đạo công ty (như lý lịch, trình độ năng lực, bằng cấp). 3/ Tổng số công nhân kỹ sư, lao động lành nghề, công nhân phổ thông... 4/ Ngành nghề kinh doanh - Lợi nhuận hàng tháng, quý.. - Tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư - Tỷ số nợ trên vốn - Lợi nhuận/nợ - Khả năng phát triển của công ty. Việc công bố thông tin đòi hỏi phải minh bạch đúng kỳ hạn. Có như vậy nhà đầu tư mới có tư liệu để tìm hiểu và đầu tư có hiệu quả. Việc tôi đề xuất ý kiến của mình đúng sai như thế nào xin các nhà quản lý trả lời. Xin chân thành cảm ơn các chuyên gia!
Ông Vũ Bằng: Việc CBTT của DN niêm yết đã được quy định trong Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn. Trong các bản cáo bạch và báo cáo thường niên, hàng quý, 6 tháng, đều có yêu cầu DN công bố các thông tin như bạn đã đề cập. Nhìn chung, DN niêm yết đều tuân thủ quy định về CBTT, riêng về mặt thời hạn công bố thì còn có một số DN chưa đáp ứng được. Mặt khác, còn nhiều DN chưa có website riêng, trong khi các thông tin qua website của Sở, TTGDCK và UBCK chưa thực sự đáp ứng đuợc đòi hỏi thị trường.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu DN nói riêng, bản thân cơ quan quản lý nói chung sẽ nâng cấp website và xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai việc CBTT qua mạng, qua hệ thống điện tử để nâng cao chất lượng CBTT. Trước mắt, việc nâng cấp sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ hiện tại, còn nâng cấp đồng bộ, hoàn chỉnh cả hệ thống sẽ gắn với việc nâng cấp và mua sắm CNTT toàn thị trường, dự kiến bắt đầu năm 2009.
Tran Van Quang - 122 Hoang Van Thu HCM - 0914275601 (Email: tranvan@yhaoo.com): 2/3 trong số 250.000 tài khoản là nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người đang say sưa, miệt mài lặn lội trong thị trường chứng khoán VN và họ cũng là những người trước hết hứng chịu những sóng gió của thị trường, các nhà quản lý nghĩ gì để giúp đỡ họ trong thời gian sắp tới, nhất là khi thị trường chứng khoán VN hội nhập sâu với toàn thế giới?
Ông Vũ Bằng: Trong điều kiện TTCK chưa thực sự phát triển, còn đầu tư theo phong trào, thì diễn biến trên TTCK không khỏi tác động đến NĐT nhỏ lẻ. Để góp phần bảo vệ những nhà đầu tư này, UBCK sẽ tăng cường mở rộng nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư đại chúng, tạo kênh cho NĐT nhỏ lẻ tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường CBTT và quản trị công ty minh bạch trong các DN niêm yết và DN đại chúng để tạo kênh thông tin chính thức, công khai và công bằng ra thị trường.
Bản thân nhà đầu tư cần tự nâng cao kiến thức và thực hiện tốt quyền cổ đông trong các kỳ đại hội đồng cổ đông để có thể bảo vệ tốt hơn chính mình.
Ông Lê Nhị Năng : Mời bạn truy cập vào ssc.gov.vn để tham khảo.
Trần Long - Vĩnh Phúc - (Email: tranlong143@yahoo.com): Xin được hỏi ông Lê Nhị Năng Hệ thống giao dịch của Sở hiện nay theo ông đánh giá là như thế nào? Tại sao vẫn thường xuyên xảy ra sự cố?
Ông Lê Nhị Năng : Hệ thống giao dịch của Sở hiện nay hoạt động vẫn ổn định, có thể đảm bảo cho 400 công ty chứng khoán hoạt động và xử lý hơn 100.000 lệnh/ngày. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trang bị một hệ thống giao dịch mới hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn các sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua, chủ yếu do thao tác của con người và chúng tôi đang dần hoàn thiện.
Lê Minh - Úc - (Email: lemtoan@gmail.com): Câu hỏi dành cho lãnh đạo UBCKNN: 1. Một trong các khó khăn của Nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu về TTCK Việt nam chính là hạn chế về ngôn ngữ. Khi tìm hiểu website của UBCK, các văn bản pháp luật cũng chỉ có tiếng Việt, trong khi các văn bản được dịch sang tiếng Anh cập nhật mới nhất không có. Đơn cử, các văn bản từ năm 2004 về trước vẫn còn hiện diện trên trang web này. Điều này gây khó khăn cho họ khi tiếp cận các quy định mới nhất về Luật pháp, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt nam. Liệu trong thời gian tới, UBCK có khắc phục được tình trạng này, để giúp nhà đầu tư có thể tìm hiểu về khung pháp luật về TTCK Việt nam khi lựa chọn đầu tư vào TT hay không?(Tôi được biết, khi tuyển dụng, UBCK luôn luôn đòi hỏi ngoại ngữ rất cao với người dự tuyển?!) 2. Xu hướng trên thế giới là các Sở GDCK là các tổ chức tự quản-SRO, sẽ được lựa chọn chuyển đổi sang hoạt động như một doanh nghiệp và có thể niêm yết trên chính sở - gọi là "Demutualization". Vậy, Việt Nam đã xây dựng một lộ trình thế nào cho Sở GDCK thành phố HCM? Ủy ban CK sẽ can thiệp ở mức độ nào để Sở có thể tự chủ? các bước đi cụ thể? Xin cảm ơn!
Ông Vũ Bằng: Đúng là trang web hiện nay của UBCK có nhiều điểm hạn chế, như vấn đề ngôn ngữ, cập nhật thông tin, tính hiện đại trong công nghệ còn thấp. Đầu năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng đề án nâng cấp website, trong đó có nâng cấp máy chủ, đường truyền, nội dung, thành lập 1 phòng riêng để tập trung cho vấn đề này, đồng thời chúng tôi đang sửa lại quy chế CBTT trong nội bộ UBCK để nâng cấp chất lượng CBTT trong Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, để có trang web thực sự hữu ích và tiện dụng phải gắn với sự nâng cấp CNTT chung của toàn thị trường vào năm 2009 và hình thành Trung tâm cơ sở dữ liệu chung cho toàn thị trường. UBCK đang liên hệ với UBCK các nước để nhập hệ thống CNTT của những thị trường tiên tiến.
Tấn Lộc - Gò Vấp - (Email: locnkt@yahoo.com): Tôi xin hỏi ông Vũ Bằng, ông Lê Nhị Năng, tôi nghe nói đầu năm 2008 sẽ áp dụng 1 lô phải 100cp, như vậy có công bằng với các nhà đầu tư nhỏ khi nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu thì họ phải làm sao đối với số cổ phiếu lẻ. Các ông có thể áp dụng lệnh tối thiểu là 100 CP, nhưng khi nhà dầu tư đặt mua bán là 110 CP hoặc 120 CP vẫn được chẳng hạn. Xin các ông vui lòng trả lời, có thể giải quyết như vậy được không? Xin cảm ơn các ông!
Ông Lê Nhị Năng : Sở dĩ chúng tôi phải chọn thời điểm thích hợp để cổ đông có cổ phiếu lẻ có thời gian xử lý dứt điểm số CP lẻ đó. CP lẻ còn lại có thể bán tại công ty chứng khoán.
Nguyễn Thị Thu Nga - Thị xã Hưng Yên - (Email: trangthu129@yahoo.com): Thưa ông Vũ Bằng, Hiện nay, với hơn 80 triệu dân Việt Nam mà chỉ có khoảng 300 nghìn tài khoản chứng khoán, và hầu hết là những người dân thành phố lớn. Ông có nghĩ đó là con số quá ít không? Những dự định và giải pháp nào sẽ được ông đưa ra trong thời gian tới để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam? Và cơ hội cho những NĐT tỉnh lẻ như tôi được tiếp nhận với chứng khoán một cách thuận lợi là lúc nào?
Ông Vũ Bằng: Đúng là trên 300.000 tài khoản so với dân số VN là rất khiêm tốn, mặc dù số lượng hiện nay đã gấp 3 lần so với cuối năm 2006. Trong thời gian tới, để thu hút nhiều hơn NĐT, chúng ta phải xử lý tốt quan hệ cung – cầu thị trường thông qua việc đưa ra nhiều sản phẩm của DN lớn, chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống CNTT và cơ sở hạ tầng thị trường, tăng cường CBTT.
Khi mà Sở và Trung tâm triển khai hoạt động giao dịch từ xa và tổ chức thị trường cho CK chưa niêm yết. Đồng thời, các công ty chứng khoán nâng cấp hệ thống đặt lệnh, hệ thống mở tài khoản bằng tiền trực tuyến qua mạng với các ngân hàng thì cơ hội tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư ở mọi miền sẽ tăng lên. Trong thời gian qua, UBCK đã cho phép CTCK mở đại lý nhận lệnh tại các địa phương, dựa trên mạng lưới của các ngân hàng, công ty tài chính. Đây là một phương thức vận dụng riêng của VN để thu hút nhà đầu tư ở xa trung tâm đến với thị trường.
Diep Phuong - Tp. HCM - 982880017 (Email: Phuongdiepvan@yahoo.com): Thị trường chứng khoán vào thời điểm gần cuối năm, nhiều công ty niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh tốt nhưng lại rất ảm đạm. Theo ông, việc niêm yết ồ ạt các cổ phiếu vào cuối năm, đặc biệt mà nhiều cổ phiếu blue chip có ảnh hưởng đến thị trường không? Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều tiết họat động niêm yết? Thời hạn thanh tóan T+3 là quá dài (Thực tế phải chịu T+4), chúng ta có thể rút ngắn được không?
Ông Lê Nhị Năng : Hiện nay lượng cầu của NĐT trên thị trường còn thấp, số tài khoản mở tại các công ty chứng khoán chiếm chưa đầy 0,3% dân số. Trong khi tỷ lệ này ở các nước là 2-3%. Như vậy có thể thấy, tiềm năng của lượng cầu còn rất lớn, vấn đề là làm sao để thu hút NĐT tham gia thị trường.
Liên quan đến việc cấp phép cho doanh nghiệp niêm yết, nếu hồ sơ của DN nộp lên HOSE đầy đủ, hợp lệ và đáp ứng các điều kiện niêm yết, chúng tôi sẽ cấp phép.
Hoàn Dũng - Hải Phòng - (Email: dzunghm@yahoo.com): Câu hỏi dành cho ông Dũng Kế hoạch cụ thể cho việc quản lý giao dịch cổ phiếu OTC của Hastc hiện nay đã tiến hành được những bước nào? Việc quản lý giao dịch OTC thông qua Hastc theo ông có gì phức tạp hay không?
Ông Trần Văn Dũng: 1. Như đã trả lời ở trên, chúng tôi đang có kế hoạch đưa thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng vào hoạt động trong quý I/2008. Những công việc cần phải chuẩn bị bao gồm:
- Phương án tổ chức: đã được Bộ Tài chính thông qua (theo Quyết định số 3567/QĐ-BTC ngày 08/11/2007).
- Quy chế giao dịch/ đăng ký giao dịch: đã trình UBCK Nhà nước.
- Quy chế về thanh toán: đang phối hợp với TTLK.
- Hệ thống mạng: hiện đã kết nối được trên 40 CTCK.
- Phần cứng: đã nhập và sẵn sàng đi vào hoạt động.
- Phần mềm: đang test nội bộ
- Tập huấn dự kiến trong tháng 12/2007.
Toàn bộ hệ thống phần mềm giao dịch và máy trạm giao dịch chúng tôi sẽ trang bị đến tận các CTCK. Do vậy, về cơ bản ngoài, ngoài việc tổ chức nhân sự, quầy giao dịch, phương tiện công bố thông tin thì CTCK không phải chuẩn bị gì thêm.
2. Việc quản lý giao dịch thị trường OTC theo chúng tôi là không hề đơn giản vì một số lý do sau đây:
- Tiêu chuẩn công bố thông tin của công ty đại chúng thấp hơn công ty niêm yết nên chưa thể đáp ứng ngay được đòi hỏi của công chúng đầu tư.
- Phương thức giao dịch mới theo mô hình OTC chưa được kiểm nghiệm trong thực tế. Do vậy, thời gian đầu, nhiều nhà đầu tư chưa quen với phương thức giao dịch mới sẽ có thể gặp nhiều lúng túng. Trung tâm cũng sẽ phải đánh giá hiệu quả của phương thức giao dịch mới so với các phương thức giao dịch hiện tại để có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý theo yêu cầu của thị trường.
- Hiện nay, nhân sự của TTGDCK HN có hạn, cùng một lúc vừa vận hành một hệ thống giao dịch mới vừa bảo đảm cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư và thực hiện giám sát để giảm thiểu các giao dịch bất bình thường là một bài toán không dễ dàng.
Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ phải hoàn thành vì mục tiêu phát triển thị trường nên sẽ quyết tâm làm hết sức mình để việc giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng sớm được thực hiện một cách trôi chảy.
Nguyễn Xuân Thuỷ - Số 401, K12, Bách Khoa, Hà Nội - (Email: Thuynguyen9@yahoo.com): Xin chào ông Vũ Bằng, Theo tôi được biết ở nhiều nước, cơ quan quản lý lập ra những quỹ bình ổn thị trường để điều tiết thị trường, tránh trường hợp thị trường tăng nóng quá hoặc giảm quá. Vậy xin ông cho biết, ở Việt Nam đã có quỹ này chưa? Nếu chưa có, thì cơ quan quản lý có ý định thành lập không và xin cho biết, thời gian thành lập. Cảm ơn ông!
Ông Vũ Bằng: Theo khảo sát của UBCK thì chưa có nước nào tự lập Quỹ bình ổn giá cổ phiếu trên TTCK, vì khó có một lực lượng nào đủ mạnh để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường cũng không nên làm như vậy. Vấn đề là cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cần có sự phối hợp trong việc đề ra các giải pháp có thể tác động gián tiếp đến quan hệ cung - cầu, từ đó giúp cho TTCK phát triển ổn định. Trong trường hợp TTCK sụt giảm mạnh, có dấu hiệu của khủng hoảng thì cần có sự phối hợp giữa các cơ quan tài chính, ngân hàng, chứng khoán để đề ra những giải pháp xử lý thích hợp.
Phuong Vy - TP.HCM - (Email: phuongvynguyen@yahoo.com): Xin hỏi công ty niêm yết muốn bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ, đứng ra mua hết cổ phiếu lô lẻ của công ty mình theo giá thị trường có được không, hay bắt buộc chỉ có công ty chứng khoán mới được mua lại cổ phiếu lô lẻ?
Ông Lê Nhị Năng : Theo quy định chỉ có CTCK mới được mua lại cổ phiếu lô lẻ với những trường hợp CP đang giao dịch trên sàn. Trường hợp công ty niêm yết phát hành thêm, thì có thể mua lại CP lẻ để làm cổ phiếu quỹ.
Mai Mai - Ha Noi - (Email: maihoangfr@yahoo.com): Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ông Vũ Bằng và các đại diện từ Sở và Trung tâm đã quan tâm đến câu hỏi của tôi. Tuy nhiên, vì chưa có sự trao đổi trong việc hỏi và trả lời, nên chưa đáp ứng được mong muốn của tôi. Tôi hy vọng, Báo Đầu tư chứng khoán và UBCKNN sẽ liên tục duy trì kênh trao đổi RẤT QUÝ VÀ TÍCH CỰC này. Tôi rất mong muốn được tiếp tục gặp các Quý đại diện của UBCKNN, SỞ/TRUNG TÂM để tiếp tục trao đổi để thị trường chứng khoán ngày càng phát triển.
Ông Vũ Bằng: Cảm ơn bạn đã có lời động viên với chúng tôi. Trong khoảng thời gian rất ngắn chiều nay, chúng tôi không có điều kiện trả lời hết và trả lời cặn kẽ tất cả các câu hỏi được gửi đến. Chúng tôi cũng hy vọng Báo ĐTCK sẽ tổ chức nhiều cuộc giao lưu như hôm nay để tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Những câu hỏi mà chúng tôi nhận đuợc ngày hôm nay cũng đã giúp chúng tôi hiểu hơn về những suy nghĩ và mong muốn của các thành viên thị trường. Đây là những thông tin cần thiết trong công tác xây dựng chính sách phát triển thị trường của cơ quan quản lý.
(Hết)