Lạc quan tháng 1?

Cảnh giao dịch nhộn nhịp này sẽ sớm trở lại?

Tuy nhiên, thị trường luôn vô lý hơn kỳ vọng. Đã có lúc như hồi tháng 10.2007, mọi người đều nghĩ đến những mốc 1.200, thậm chí 1.500 điểm thì VN-Index lại rớt thê thảm. Liệu chiều suy luận có thể ngược lại: Khi thị trường u ám nhất, mọi người bi quan nhất lại là lúc khởi đầu cho một sự phục hồi?

Từ góc độ thông tin

Nhìn tổng thể quá trình điều chỉnh trong 3 tháng cuối năm, có thể thấy mức suy giảm đã khá sâu khi VN-Index chạm mức hỗ trợ đáy của chu kỳ ảm đạm nhất năm 2007. Như vậy toàn bộ thành quả tăng trưởng từ mức 890 điểm lên 1.100 điểm hồi tháng 9 đã bị xoá sạch.

Khi thị trường trở lại điểm xuất phát, có hai khả năng chính tác động đến: Thứ nhất, với điều kiện thị trường bình thường, kết quả hoạt động kinh doanh của DN trong quý III thấp hơn kỳ vọng hoặc quá yếu kém. Điều đó có nghĩa là mức tăng trưởng vừa qua hơi quá lạc quan và khi thị trường thất vọng, quá trình "sửa sai" tất yếu xảy ra. Thứ hai, có nhiều sự kiện bất lợi tác động đến tâm lý NĐT hoặc tác động đến sự cân bằng cung cầu.

Từ góc độ hoạt động kinh doanh của DN, mặc dù kết quả kinh doanh của mỗi Cty khác nhau, nhưng chắc chắn không phải DN nào cũng có một con số tồi. Thậm chí, nhóm Cty hàng đầu trên thị trường đều công bố những kết quả hết sức khả quan, đạt hoặc vượt mục tiêu cả năm. Điều đó có nghĩa là kết quả kinh doanh 2007 chắc chắn sẽ vượt xa con số dự kiến.
 
Việc thị trường điều chỉnh đồng loạt với mức độ mạnh, không có sự phân hóa rõ ràng DN làm ăn tốt với DN có kết quả kinh doanh kém phần nào cho thấy các thông tin này ít tác động đến giá CP. Do đó, nguyên nhân rõ ràng hơn là những sự kiện bất lợi tác động đến tâm lý NĐT và lượng cung quá lớn trong khi sức cầu yếu.

Hai sự kiện lớn nhất tác động đến thị trường thời điểm cuối năm là yêu cầu đáo hạn của Chỉ thị 03 về giới hạn hạn mức cho vay đầu tư CK và nguồn cung hàng hoá lớn khi hàng loạt Cty phát hành thêm, niêm yết cùng với việc tiền bị hút vào đấu giá Vietcombank. Đây thực sự là những tác động mang tính lâu dài mà thị trường cần phải có thời gian để "tiêu hoá".

Chỉ thị 03 đã từng được gọi là "con ngáo ộp" của thị trường và làm dấy lên làn sóng lo ngại hoạt động thu hồi nợ mang tính bắt buộc của các NH, CTCK. NĐT cá nhân dĩ nhiên sẽ đi trước một bước và chính thức thúc đẩy nhanh hơn quá trình điều chỉnh. Tuy nhiên, kết thúc năm 2007, "quả tạ 03" dường như nhẹ hơn nhiều so với tưởng tượng khi chỉ còn một vài ngân hàng chưa "cán đích". Như vậy có thể nói thị trường đã "tiêu hóa" hết nỗi ám ảnh này.

Từ góc độ cung cầu

Về hoạt động phát hành thêm, năm 2007 là năm mức độ huy động vốn lớn nhất trong suốt 7 năm hoạt động của TTCKVN. Tuy nhiên, nhiều DN đã chọn sai thời điểm khi thị trường cuối năm lại u ám, khác hẳn với năm 2006.

Lượng cung hàng hóa lớn trong khi sức mua đang yếu càng làm mất cân bằng thị trường. Một phần khá lớn nguồn tiền trên thị trường đã bị mắc kẹt tại những đỉnh tăng trưởng cũng như xu hướng mua vào bình quân giá giảm và dò đáy trong chu kỳ điều chỉnh.

Điều đó có nghĩa là nếu các nguồn vốn của các NĐT chuyên nghiệp (cá nhân lẫn tổ chức) không nâng đỡ thị trường một cách mạnh mẽ thì chưa thể có dấu hiệu phục hồi chắc chắn.

IPO Vietcombank thực tế cũng thu hút một lượng tiền khá lớn của thị trường, khoảng 10.517 tỉ đồng tính theo giá bình quân, trong đó NĐT cá nhân là 4.112 tỉ đồng. Khoản tiền này sẽ phải đóng trước ngày 23.1.2008. IPO Vietcombank trong thời điểm thị trường "nguội" đã góp phần giảm bớt xu hướng đầu cơ từ nhóm NĐT cá nhân. Như vậy mức độ hút vốn không quá lớn, trong khi các bên tham gia có sự chuẩn bị từ trước.

Từ góc độ kỹ thuật

Còn một yếu tố khác phải kể đến là sự ảnh hưởng kỹ thuật của nhóm CP mới lên sàn trong rổ tính VN-Index. Hầu hết các CP lên sàn trong thời điểm 3 tháng cuối năm 2007 đều giảm giá liên tục.

Khi VN-Index được tính trên cơ sở giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường thì sự biến động giá của nhóm CP có khối lượng niêm yết lớn sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của chỉ số. DPM, HPG, SSI và một số CP khác là một phần nguyên nhân khiến VN-Index giảm mạnh. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là nhóm này sẽ góp phần vào nâng đỡ VN-Index khi phục hồi giá.

Kết thúc năm 2007, VN-Index đứng mức 927,02 điểm, không khác biệt là mấy so với mức 920 điểm - mức khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng tháng 9.2007. Chỉ số đang hình thành một khoảng dao động từ mức 911-950 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình tháng 12.2007 khoảng 6,6 triệu CP/phiên, giảm khoảng 27% so với mức trung bình tháng 11.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch mỗi phiên khá đều cho thấy hoạt động mua vào tích luỹ đang được thực hiện. Hai tuần giao dịch cuối tháng 12 cũng hình thành một kênh xu hướng tăng yếu với đáy 909 điểm ngày 18.12 và 916 điểm ngày 26.12.

Trên biểu đồ tuần, nhờ sự tăng giá của phiên ngày 28.12, đồ thị tuần đã đóng cửa ở mức cao. Chỉ báo sức mạnh (RSI) cũng cho thấy đã xuất hiện xu hướng đi lên, MACD phân kỳ dương mạnh dần.

Nếu những phiên tới VN-Index tăng điểm sẽ có khả năng vượt lên trên đường giá bình quân 20 ngày, các tín hiệu phục hồi sẽ rõ ràng hơn hoặc ít nhất cũng cho thấy sức mạnh của thị trường và khả năng giảm sâu hơn là rất thấp. Tháng 1.2008 cũng là thời điểm các báo cáo kinh doanh năm được tung ra hỗ trợ một kỳ vọng lạc quan?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây