Nhất lợi nhuận cao, nhì tăng vốn mạnh

Giá lên vì tin đồn siêu lợi nhuận

Trong tháng 10, nhà đầu tư trên sàn Hà Nội bất ngờ thấy hiện tượng lạ: khối lượng đặt mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN) ngày càng tăng cao.

Từ chỗ chỉ giao dịch khoảng vài chục ngàn cổ phiếu/ngày, đến lúc cao điểm lượng đăng ký mua PAN lên đến hơn 850.000 đơn vị, bằng 12% vốn điều lệ. Theo đó giá cổ phiếu này cũng liên tục tăng kịch trần, trong vòng hơn một tháng từ mức giá xấp xỉ 60.000 đồng đã vọt lên đến 220.000 đồng (ngày 24-10), sau đó điều chỉnh xuống hiện ở mức gần 200.000 đồng.

Sở dĩ PAN tăng giá đột biến là do ngoài nguồn lợi nhuận truyền thống về dịch vụ làm vệ sinh, dư luận (vì chưa có thông tin chính thức) còn cho rằng đơn vị này đang trúng đậm trong vụ mua 4 triệu cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ trong đợt đấu giá ế ẩm vừa qua.

Với giá đấu bình quân 54.403 đồng/cổ phiếu, hiện nay giá cổ phiếu Đạm Phú Mỹ đã tăng hơn hai lần, ước tính PAN sẽ lời khoảng 200 tỉ đồng (đó là nói trong điều kiện bán được toàn bộ lượng cổ phiếu này với mức giá hiện nay, khoảng 110.000 đồng/cổ phiếu).

Do tin đồn lợi nhuận năm nay cao gấp hơn 3 lần vốn điều lệ, cộng với việc HĐQT mới chủ trương xin ý kiến cổ đông để tăng vốn, đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư nhảy vào mua, làm cho giá PAN tăng 266% trong vòng hơn một tháng.

Tăng nhiều quyền lợi cho cổ đông

Mới đây, Công ty Cổ phần Sông Đà 7 (SD7) quyết định tăng vốn điều lệ từ 15 tỉ đồng lên 90 tỉ đồng, trong đó cổ đông hiện hữu được hưởng cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 3:1 và mua tỉ lệ 1:2,16 với giá bằng mệnh giá.

Có nghĩa là nếu nhà đầu tư mua 300 cổ phiếu trước ngày chốt thì được thêm 100 cổ phiếu từ cổ tức và mua 648 cổ phiếu với giá gốc. Do được hưởng một lúc nhiều quyền như vậy nên sau khi tin tăng vốn tung ra thì lập tức cổ phiếu này tăng giá chóng mặt.

Cuối tháng 9, giá SD7 giao dịch trên sàn Hà Nội khoảng 158.000 đồng, đến ngày chốt (23-10) vì được hưởng các quyền lợi nói trên nên giá cổ phiếu này lên đến 492.100 đồng, tăng 211%. Sau khi chia tách xong giá tham chiếu xuống còn 147.100 đồng, vì thấy “rẻ” nên mấy ngày qua nhiều nhà đầu tư lại đổ xô mua, làm cho cổ phiếu này tiếp tục tăng kịch trần.

Giải thích hiện tượng này, ông Lê Hải Minh, một nhà đầu tư lâu năm trên sàn Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho biết trong xu hướng giá lên, hầu hết các nhà đầu tư tại VN vẫn ưa thích những công ty tăng vốn từ việc bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nhất lợi nhuận cao, nhì tăng vốn mạnh.

Cùng có những tiêu chí tài chính như nhau, thương hiệu như nhau, nếu công ty nào tăng vốn nhiều hơn thì giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh hơn. Tại sao? Bởi những người “lướt sóng” không ai ôm cổ phiếu trong nhiều năm nên giá trị nội tại của công ty chỉ là yếu tố tham khảo chứ không phải quyết định giá mua - bán.

Khi tăng vốn (tất nhiên đi liền với tăng lợi nhuận) tính thanh khoản tăng lên, nhiều người mua hơn, nên giá cũng sẽ cao hơn.

Nên đi từ gốc tới ngọn

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư lâu năm, từ nay đến hết quý I/2008, thị trường chứng khoán VN có xu hướng đi lên. Điều đó có nghĩa là nhiều cổ phiếu sẽ tăng giá. Trong xu hướng đó, nếu cổ phiếu nào chia tách nhiều (tăng vốn nhiều) và có siêu lợi nhuận thì giá sẽ tăng mạnh.

Nhận biết được xu hướng đó, nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” dài có kinh nghiệm thường mua cổ phiếu khi biết thông tin của những doanh nghiệp loại này. Và họ nắm cổ phiếu cho đến lúc giá không còn khả năng tăng được nữa thì bán ra. Do đi từ gốc tới ngọn nên lợi nhuận của họ thường rất cao (trừ khi thị trường đi xuống). Theo nhận xét của ông Minh, tâm lý thị trường là như vậy, nếu ai không đi theo xu hướng đó thì khó thành công nhiều trong đầu tư cổ phiếu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây