Bùng nổ vi phạm giao dịch chứng khoán

Vi phạm: liên tục, liên tục...

Trong tháng 10, tổng cộng có 22 đại diện giao dịch bị cảnh cáo, 3 đại diện giao dịch bị tạm đình chỉ và rất nhiều cá nhân vi phạm bị xử lý. Nếu tính từ đầu năm đến nay, HoSE đã xử phạt trên 100 vụ. Trớ trêu thay, dù đã phạt tiền hay cảnh cáo, nhắc nhở, cấm hoạt động trong thời gian 3 tháng đối với một số đại diện giao dịch, nhưng những vi phạm giao dịch chứng khoán vẫn không hề giảm, tần suất tăng lên cùng với độ “nóng” của thị trường chứng khoán.

Ngày 9/10 HoSE cảnh cáo 7 đại diện giao dịch của 7 công ty vì huỷ lệnh trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ và nhập lệnh không đúng quy trình, thì chỉ 2 ngày sau đó (11/10) HoSE lại gửi “trát” cảnh cáo 8 đại diện giao dịch của 8 công ty và tạm đình chỉ 3 đại diện giao dịch của 3 công ty khác với các lỗi tương tự.

Và chỉ 4 ngày sau (15/10), HoSE lại thông báo cảnh cáo 7 đại diện giao dịch của 7 công ty. Sự kiện này đã đưa tháng 10 trở thành tháng mà HoSE đưa ra nhiều “án” phạt nhất trong lịch sử của HoSE. Bên cạnh những công ty trong nước, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có đội ngũ nhân viên giỏi, trình độ chuyên môn cao vẫn vi phạm những lỗi hết sức sơ đẳng.

Đơn cử như công ty Indochina Capital Corporation (CCI) bị phạt 10 triệu đồng vì vi phạm quy định về giao dịch nội bộ do đã giao dịch cổ phiếu VNM trên sàn TP.HCM mà không báo cáo theo quy định. HoSE cũng gửi công văn nhắc nhở Citigroup Global Ltd về việc giao dịch cổ phiếu NKD đạt tỷ lệ sở hữu 5,48% mà không công bố thông tin, vi phạm quy định báo cáo về sở hữu cổ đông lớn.

Một số nhà đầu tư cá nhân giữ vai trò quan trọng trong hội đồng quản trị, ban điều hành... cũng bị xử phạt do có những hành vi giao dịch thuộc diện phải thông báo thì "quên" thông báo hoặc có những giao dịch nhằm tạo cung - cầu giả tạo... để trục lợi.

Chế tài chưa đủ mạnh

Nghị định số 36/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8/3/2007 quy định mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán tối đa không quá 70 triệu đồng. Ngoài ra, pháp lệnh và nghị định cũng cho phép áp dụng thêm các biện pháp chế tài khác như tước chứng chỉ hành nghề, khôi phục lại tình trạng ban đầu, huỷ bỏ việc tổ chức thị trường giao dịch trái pháp luật...

Để thực hiện được chế tài bổ sung, đòi hỏi Ủy ban Chứng khoán phải có một đội ngũ về thanh tra chứng khoán, chuyên gia chứng khoán giỏi và công tâm cũng như hệ thống về kỹ thuật hỗ trợ được cho đội ngũ có thẩm quyền. Hiện tại, để có đủ chứng cứ về một cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan chức năng phải điều tra bằng phương pháp thủ công, và phải rà soát khoảng 300 nghìn tài khoản trên thị trường.

Trong khi đó, ở hầu hết các nước có thị trường chứng khoán phát triển, họ đều có hệ thống giám sát công nghệ thông tin, toàn bộ các giao dịch trên thị trường có thể phục hồi lại được và trên cơ sở đó, thanh tra sẽ phân tích và tìm các hành vi bất thường trong quá trình giao dịch. Về mức phạt, theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán "So với thông lệ quốc tế, mức phạt như hiện nay còn tương đối nhỏ".

Tuy nhiên, để nâng mức phạt lên trên 70 triệu đồng lại “vướng” nhiều nghị định và pháp lệnh. Thế nên, trong khi đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành xem xét chỉnh sửa lại Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ dừng lại ở việc xúc tiến thành lập Ban giám sát thị trường chứng khoán, xây dựng quy trình tiêu chí giám sát, tách biệt công tác theo dõi, giám sát với thanh tra... Và như vậy, không biết đến bao giờ nhà đầu tư chứng khoán chân chính mới có một “sân chơi” lành mạnh, mà ở đó họ được bảo vệ một cách cẩn trọng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây