OTC một năm nhìn lại: Thất bát, thua đau

Những tên tuổi ngân hàng như như Eximbank, Đông Á, An Bình, Phương Đông, Quân Đội… đều đã giảm thị giá đi phân nửa so với đầu năm 2007. Eximbank giảm từ 16,5 triệu đ/CP xuống còn 6,5 triệu đ/CP, Phương Đông giảm từ 120.000 đ/CP xuống còn 40.000 đ/CP, An Bình giảm từ 90.000 đ/CP xuống còn 28.000 đ/CP…

Tuy những CP này đã có những đợt phát hành thêm CP cho cổ đông ở mệnh giá nhưng tỷ lệ ấy không thể nào bù đắp được phần giảm giá. Do đó những NĐT nào tham gia đầu tư vào CP ngân hàng từ quý I-2007 đa phần nắm chắc phần lỗ. Song họ vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những NĐT tham gia vào những CP mà nay chỉ còn tên, còn việc giao dịch gần như đã bằng không.

Những tên tuổi như Thủy sản Út Xi, Thủy điện Miền Trung, Xi măng Công Thanh… đã khiến nhiều NĐT trở thành… NĐT dài hạn bất đắc dĩ. Riêng CP Bảo vệ thực vật An Giang đã có thâm niên hơn 7 năm trên thị trường này nhưng chưa biết bao giờ mới tiến hành niêm yết.

Trong quý II và III, NĐT còn có thể kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào những CP chuẩn bị niêm yết, nhất là trong giai đoạn tháng 9, 10. Tuy nhiên đến quý IV  thì cách đầu tư đó đã bị phá sản khi hàng loạt công ty chào sàn đều có giá giao dịch thấp hơn so với giá mua bán trên OTC trước đó. Như CTCP Xây dựng Descon, trước khi lên sàn giá CP giao dịch khoảng 80.000 đ/CP nay chỉ còn 57.000 đ/CP, hay CP ST8 của CTCP Siêu Thanh chỉ còn 75.500 đ/CP so với mức 120.000 đ/CP khi còn ở thị trường tự do. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi giới đầu tư bắt đầu co thủ với những CP sắp niêm yết như Điện Quang, Xây dựng 577, Vinaship … Và việc đầu tư “bán lúa non” trong tham gia đấu giá bây giờ cũng đã khó.

Tuy có nhiều mảng xám, song vẫn có một số NĐT kiếm được lợi nhuận từ thị trường này. Thắng lợi hiếm hoi này đến từ nhóm CP BĐS, nhưng chỉ rơi vào những NĐT nào “nhảy kịp”, vì nhóm này cũng bắt đầu rớt giá từ đầu tháng 12 vừa qua. CP Hoàng Anh Gia Lai đang giao dịch ở mức 140.000 đ/CP vào giữa tháng 11, ngay thời điểm đó công ty này bán cho đối tác chiến lược giá 150.000 đ/CP nên CP này sốt ngay lập tức và có lúc giá cao nhất đến 210.000 đ/CP, nhưng nay rơi xuống còn 172.000 đ/CP. Quốc Cường Gia Lai từ giá 60.000 đ/CP leo lên 116.000 đ/CP trong cuối tháng 11, song đến giờ chỉ còn 81.000 đ/CP - cao hơn đúng 1.000 đ/CP so với giá mà DN này dự kiến bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Xem ra hiện chỉ còn nhóm CP đang sôi động là nhóm công ty sản xuất dược như Dược Cửu Long, SPM, Cần Giờ… Trong đó, Dược Cửu Long không chỉ sinh lợi cho NĐT ở thị giá mà cả khi DN chuẩn bị niêm yết chính thức trên HOSE nên tính thanh khoản càng cao hơn. Nhất là khi có tin quỹ đầu tư đã dành 500 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực sức khỏe và y tế, nên đầu tư vào “cửa” này xem ra sáng hơn so với những nhóm CP khác.

Năm 2008 nếu việc đưa giao dịch OTC vào khuôn phép thông qua sàn HASTC được thực hiện như kế hoạch, sẽ làm NĐT an tâm hơn, song họ còn khá nhiều kỷ niệm buồn với thị trường trong năm 2007 -một năm không mấy thành công của OTC.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây